Là người khai sáng, người thầy của nền báo chí cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: "Nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang. Muốn hoàn thành nhiệm vụ ấy thì phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản, phải nâng cao trình độ văn hóa, phải đi sâu vào nghiệp vụ của mình". Hiện thực lời Bác dạy, mỗi người làm báo hôm nay luôn giữ cho mình “mắt sáng, lòng trong, bút sắc”; không ngừng trau dồi bản lĩnh chính trị, rèn luyện phẩm chất đạo đức, nghiệp vụ, thực thi và phát huy tốt sứ mệnh cao cả của người làm báo thời 4.0.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết đăng trên 2.000 bài báo bằng nhiều thứ tiếng, nhiều thể loại, nhiều bút danh. Người quan niệm công việc viết báo và làm báo là “công tác cách mạng” để “phụng sự Tổ quốc”, “phụng sự nhân dân”, “phụng sự giai cấp và nhân loại”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Báo chí là một mặt trận”, “Cây bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng”. Vì thế, “cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Người yêu cầu đội ngũ những người làm báo “phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng. Cho nên, các cơ quan báo chí của chúng ta đều phải có đường lối chính trị đúng”. Người căn dặn các nhà báo trước khi cầm bút phải tự đặt câu hỏi: “Viết để làm gì?”, “Viết cái gì? Viết cho ai? Viết thế nào?”.
Báo Sông Đào - Cơ quan của Đảng bộ Đảng Lao động Việt Nam tỉnh Nam Định. |
Nhận thức sâu sắc về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của báo chí cách mạng đối với đời sống xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Báo chí cộng sản chủ nghĩa có nhiệm vụ làm cho các chiến sĩ của chúng ta hiểu rõ vấn đề thuộc địa, làm thức tỉnh sự đồng tình hưởng ứng của quần chúng lao động ở các nước thuộc địa, tranh thủ họ tham gia sự nghiệp của chủ nghĩa cộng sản”. Báo chí cách mạng không có lợi ích gì khác, không có mục đích gì khác là phụng sự lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, của nhân dân. Báo chí cách mạng của chúng ta là báo chí của giai cấp công nhân và đông đảo quần chúng nhân dân lao động. Do đó, Người căn dặn: “Báo chí của ta thì cần phải phục vụ cho nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hoà bình thế giới”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ huấn: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”; “Đối với những người viết báo chúng ta, cái bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng để động viên quần chúng đoàn kết đấu tranh, chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới, chống chủ nghĩa đế quốc…, vì độc lập dân tộc, tiến bộ xã hội và hoà bình thế giới”. Hồ Chủ tịch khuyên các nhà báo: “Nếu các bạn viết báo mà quần chúng hiểu, quần chúng ham đọc, quần chúng khen hay, thế là các bạn tiến bộ. Trái lại, là các bạn chưa thành công”. Người nhấn mạnh: “Viết để nêu những cái hay, cái tốt của dân ta, của bộ đội ta, của cán bộ ta, của bạn ta. Đồng thời để phê bình những khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ, của nhân dân, của bộ đội”. Hình thức diễn đạt, phương pháp thể hiện, cách trình bày, kết cấu tác phẩm báo chí phải trong sáng, dễ hiểu và tránh cầu kỳ. Người căn dặn: “Viết sao cho giản đơn, dễ hiểu, thiết thực. Sao cho mỗi đồng bào, mỗi chiến sĩ đều đọc được, hiểu được, nhớ được, làm được”.
Báo Nam Định - Cơ quan ngôn luận của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Nam Định; tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nam Định. Trải qua từng thời kỳ, tên báo có thay đổi, nhưng “tôn chỉ, mục đích” nhất quán theo huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “… viết báo và làm báo là “công tác cách mạng” để “phụng sự Tổ quốc”, “phụng sự nhân dân”, “phụng sự giai cấp và nhân loại”.
Ngày 12/5/1961, Ban Chấp hành Đảng Lao động Việt Nam tỉnh Nam Định ban hành Nghị quyết số 09/TU về việc xuất bản tờ báo địa phương. Theo đó, tờ báo địa phương lấy tên là “Sông Đào”, cơ quan của Đảng bộ Đảng Lao động Việt Nam tỉnh Nam Định. Báo Sông Đào có nhiệm vụ: Tuyên truyền, giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ…; tuyên truyền, giáo dục tư tưởng cho nông dân, công nhân và các tầng lớp lao động khác trong việc thi đua thực hiện kế hoạch Nhà nước của địa phương…; phản ánh tình hình thực hiện công tác trung tâm của địa phương, đồng thời phản ánh tình hình phong trào mọi mặt của địa phương; phổ biến kinh nghiệm tiên tiến trong sản xuất, kinh nghiệm công tác thiết thực và cụ thể trong tỉnh. Đồng chí Phan Điền, Quyền Bí thư Tỉnh ủy là Tổng Biên tập Báo Sông Đào; báo phát hành 2 kỳ/tuần, 4 trang, khổ 32cm x 50cm.
Ngày 20/7/1961, Báo Sông Đàochính thức phát hành số 1. Đến tháng 6-1963, Báo Sông Đào phát hành được 203 số báo. Qua các số báo đã thể hiện nhiều nỗ lực và đóng góp tích cực giúp Tỉnh ủy chỉ đạo phong trào, tuyên truyền cổ động, phổ biến hướng dẫn các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, chỉ thị, nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Đặc biệt là nhiệm vụ củng cố hợp tác xã và phát triển sản xuất nông nghiệp, góp phần tích cực vào việc giáo dục nâng cao trình độ chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh. Báo Sông Đào có nhiều cố gắng "trong đấu tranh phê phán những khuynh hướng, hiện tượng không đúng chủ trương, chính sách của Trung ương và Đảng bộ tỉnh nhà". Đặc biệt, Báo Sông Đào đã mở mục "đấu tranh vạch trần âm mưu phá hoại cách mạng của bọn phản động đội lốt tôn giáo" và thu được kết quả tốt.
Báo Nam Định Số 1 phát hành ngày 21/6/1963. |
Ngày 21/5/1963, Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ V ra Nghị quyết về việc cải tiến nội dung, hình thức và đổi tên báo Đảng của tỉnh. Theo đó, đổi tên Báo “Sông Đào” thành Báo “Nam Định”.
Nghị quyết nêu rõ: Báo Đảng của tỉnh lấy tên là “Nam Định”, xuất bản mỗi tuần 3 kỳ, giao Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh trực tiếp chỉ đạo việc cải tiến nội dung, hình thức để nâng cao tính tư tưởng, tính quần chúng, tính chiến đấu, tính chân thật của báo Đảng. Đẩy mạnh hơn nữa việc đấu tranh phê bình, tự phê bình trên báo Đảng của tỉnh. Các cấp, các ngành, cán bộ trong Đảng, ngoài Đảng cần nhận rõ lợi ích thiết thực của việc quần chúng nhân dân phê bình trên báo là nhằm tăng cường đoàn kết nhất trí trong nội bộ Đảng và nhân dân, thắt chặt mỗi quan hệ giữa Đảng và quần chúng để có thái độ đúng đắn, hoan nghênh sự phê bình đó, không được có tư tưởng và hành động không đúng với người phê bình. Cá nhân và cơ quan được phê bình phải công khai phát biểu thái độ thành khẩn tiếp thu phê bình và kết quả sửa chữa trên báo; nếu thấy nội dung phê bình có khía cạnh và chi tiết nào cần được trình bày thêm thì phải công khai thật thà nêu rõ trên báo. Mặt khác phải tăng cường hơn nữa cuộc đấu tranh trên mặt trận dư luận với những luận điệu phản tuyên truyền, âm mưu và hoạt động phá hoại cách mạng của kẻ địch theo đúng chức năng của báo chí vô sản.
Tăng cường việc cải tiến phát hành và đẩy mạnh việc tổ chức đọc báo Đảng của tỉnh, đảm bảo cho toàn thể cán bộ, đảng viên các hợp tác xã, xí nghiệp, tổ, đội sản xuất và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh thường xuyên mua và đọc báo đều đặn để tìm ở báo những điều chỉ dẫn cần thiết của Đảng cho công tác của mình. Đồng thời có trách nhiệm ý kiến đóng góp xây dựng cho báo Đảng của tỉnh cải tiến nội dung và hình thức để báo ngày càng tiến bộ, phục vụ đắc lực cho việc thực hiện những nhiệm vụ cách mạng ở trong tỉnh.
Dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ X, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu bật: “Báo chí cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo, đã luôn đồng hành cùng những chặng đường đấu tranh kiên cường của Đảng ta, nhân dân ta, vì độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội. Trong các cuộc kháng chiến anh dũng chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc, báo chí nước ta đã trở thành một binh chủng quan trọng trên mặt trận tư tưởng; nhiều tác phẩm báo chí đã thực sự là "lời hịch cách mạng", "tiếng gọi non sông" thúc giục đồng bào cả nước cùng ra trận”.
Tổng Bí thư khẳng định: “Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn đánh giá cao vai trò quan trọng của báo chí trong sự nghiệp cách mạng; luôn quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện để báo chí phát triển”. Tổng Bí thư yêu cầu: “... anh chị em làm báo cần quán triệt đầy đủ, sâu sắc hơn nữa quan điểm báo chí là vũ khí sắc bén, là công cụ đắc lực của Đảng trên mặt trận tư tưởng. Mỗi người làm báo là một chiến sĩ cách mạng. Đảng lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện đối với hoạt động báo chí; Nhà nước quản lý báo chí bằng pháp luật. Nghề làm báo là một nghề cao quý, thiêng liêng. Nhà báo cách mạng phải có tinh thần cách mạng, đó là tinh thần tiến công, đấu tranh loại bỏ cái sai, cái xấu, bảo vệ cái đúng, cái tốt, vì sự nghiệp chung của đất nước, của nhân dân”.
Loạt bài 5 kỳ “Nam Định - biến không thành có, biến khó thành dễ” (Nhóm tác giả Vân Anh - Thanh Thúy) đạt Giải Chuyên đề Giải Búa liềm vàng. |
Phát huy những thành quả của các thế hệ đi trước, bám sát tôn chỉ mục đích là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh, Báo Nam Định tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh; thông tin đầy đủ, kịp thời tình hình trong nước và quốc tế; phản ánh mọi mặt đời sống xã hội; phát huy những giá trị tốt đẹp, nhân tố mới, mô hình hiệu quả, cách làm hay; biểu dương gương người tốt, việc tốt; phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai trái, tiêu cực, góp phần tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đấu tranh và phê phán những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống. Tích cực đẩy mạnh truyền thông chính sách; thông tin định hướng kịp thời quá trình triển khai các dự án lớn trên địa bàn, qua đó tạo sự đồng thuận, thống nhất trong cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của tỉnh.
Ban Biên tập, cán bộ, phóng viên Báo Nam Định đã nhanh chóng tiếp cận và thực hiện các yêu cầu đổi mới về nội dung và hình thức Báo Nam Định in, báo điện tử, cách thức tuyên truyền, đề tài, sử dụng thể loại báo chí hiện đại đa phương tiện. Sự đổi mới tuyên truyền về nội dung và hình thức được các đồng chí lãnh đạo tỉnh và bạn đọc ghi nhận, tin tưởng, đánh giá cao. Nhất là các tuyến bài, chuyên đề báo chí viết về đề tài xây dựng Đảng; Chỉ thị số 05-CT/TW và Kết luận 01-KL/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII, khóa XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; thông tin đối ngoại…, nhiều tác phẩm có chất lượng, đạt giải cao.
Loạt bài 3 kỳ “Phát triển Đảng trong vùng đồng bào có đạo - “đãi cát… tìm nguồn” (Nhóm tác giả Nguyễn Hoa Xuân - Nguyễn Văn Huỳnh) đạt Giải Khuyến khích Giải Búa liềm vàng. |
Từ năm 2018 đến nay, Báo Nam Định đạt 2 giải Khuyến khích và 1 Giải chuyên đề Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng), như: Loạt bài 4 kỳ: Thực hiện Quy định 15 “Về đảng viên làm kinh tế tư nhân” - Kết quả và những vấn đề đặt ra (Việt Thắng); Loạt bài 3 kỳ: Phát triển Đảng trong vùng đồng bào có đạo - “đãi cát… tìm nguồn” (Nguyễn Hoa Xuân - Nguyễn Văn Huỳnh); Loạt bài 5 kỳ: Nam Định - biến không thành có, biến khó thành dễ (Vân Anh - Thanh Thúy). 1 giải B “Cuộc thi báo chí viết về nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp” giai đoạn 2017-2020 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức; 1 giải B Cuộc thi các tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 do Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức; 1 Giải Khuyến khích Giải báo chí về Thông tin đối ngoại toàn quốc lần thứ VII…
Thời gian tới, để hướng tới mục tiêu xây dựng Báo Nam Định ngày càng chính quy, hiện đại, tiện ích, đáp ứng nhu cầu thông tin đa dạng của người dân, góp phần vào sự nghiệp phát triển chung của tỉnh, Báo Nam Định tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước về hoạt động báo chí; 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam; Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội của người làm báo; thực hiện phong trào thi đua Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí.
Bám sát định hướng, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, trọng tâm là đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền. Thông tin tuyên truyền củng cố niềm tin và sự đồng thuận xã hội trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tích cực đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái.
Đẩy mạnh chuyển đổi số báo chí, thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của báo in; tiếp tục đổi mới phát triển Tòa soạn Điện tử, tiến tới xây dựng Tòa soạn hội tụ. Chú trọng tuyên truyền điển hình tiên tiến, nhân rộng các phong trào thi đua yêu nước gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với phương châm “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”, “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực” để lan tỏa những giá trị tốt đẹp, tạo niềm tin, động lực tinh thần thúc đẩy phát triển, góp phần xây dựng Nam Định sớm hoàn thành mục tiêu là tỉnh phát triển khá của cả nước. Tập trung tuyên truyền công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV./.
Việt Thắng