Khôi phục văn hóa đọc trong giới trẻ

06:11, 08/11/2019

Nếu như trước đây, việc tìm mua được một cuốn sách hay là việc hết sức khó khăn bởi với thế hệ trẻ chúng tôi ngày ấy, sách là thứ vô cùng xa xỉ, phần vì không có tiền, phần vì sách cực hiếm, nhất là những cuốn sách hay, được nhiều người biết đến. Vì vậy thư viện là chốn lý tưởng để những người trẻ yêu sách tìm đến. Còn với giới trẻ ngày nay, văn hóa đọc ngày nay không đủ sức thu hút đông đảo các bạn trẻ, thư viện, hiệu sách vắng bóng người tìm đọc. Ngoài sách giáo khoa và sách tham khảo dùng trong trường học, hiếm có bạn học sinh nào dùng tiền để mua các loại sách khác hoặc dùng thời gian rảnh rỗi để tới thư viện, hiệu sách tìm đọc nhiều loại sách khác nhau. Văn hóa đọc của giới trẻ đang xuống cấp trầm trọng, người trẻ ngày càng lười đọc. Tình trạng lười đọc sách ở tất cả các thành phần, lứa tuổi ngày một tăng, đặc biệt là ở giới trẻ. Hiện tượng này xảy ra đồng nghĩa với việc văn hoá nghe, nhìn đang có ảnh hưởng rất mạnh đến văn hoá đọc và công nghệ “mì ăn liền” đọc nhanh, đọc ngắn, đọc sách mỏng trở thành phổ biến.

Học sinh Trường Tiểu học Lộc An (thành phố Nam Định) đọc sách tại thư viện trường. Ảnh: Minh Thuận
Học sinh Trường Tiểu học Lộc An (thành phố Nam Định) đọc sách tại thư viện trường. Ảnh: Minh Thuận

Thực tế, tác dụng của việc đọc sách không chỉ dừng lại ở việc tiếp thu kiến thức mà còn là một biện pháp để hoàn thiện con người, rèn luyện cho người đọc những kĩ năng, tình cảm và thói quen hữu ích. Với ý nghĩa này, các loại sách văn học, lịch sử, triết học không chỉ là những loại sách thuần chuyên môn mà đã trở thành sách chung cho mọi người, cho xã hội. Lấy ý kiến của một số bạn sinh viên, hầu hết các bạn chung quan điểm là “chủ yếu chỉ đọc sách chuyên ngành của mình, còn các loại sách thuộc chuyên ngành khác thì rất hiếm khi đọc”. Chính suy nghĩ ấy, “văn hóa đọc sách ấy” đã khiến không ít bạn trẻ “loay hoay” trong việc giao tiếp, “cụt què” trong cách sử dụng ngôn ngữ, hạn chế trong năng lực tưởng tượng, sáng tạo và bao quát vấn đề…

Phải chăng họ nghĩ rất dễ dàng cập nhật thông tin thông qua các phương tiện nghe nhìn hiện đại thì không cần tới sách nữa? Văn hóa đọc sách đang đứng trước cả cơ hội và thách thức. Cơ hội bởi mỗi chúng ta đều có thể tiếp cận khối lượng tri thức khổng lồ chỉ cần thông qua một thiết bị nghe nhìn đơn giản như chiếc điện thoại thông minh, nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ làm mai một thói quen đọc sách truyền thống vốn có bởi sự lấn át của quá nhiều phương tiện nghe nhìn hấp dẫn. Để khôi phục lại văn hóa đọc và niềm đam mê đọc sách trong giới trẻ, trước hết cha mẹ là những người tạo thói quen đọc sách cho trẻ từ khi còn nhỏ, tạo môi trường đọc, cùng con đọc sách và bàn luận về những cuốn sách hay, bổ ích. Các nhà trường quan tâm củng cố hệ thống thư viện trường học, mang đến thư viện trường học những đầu sách phù hợp với giới trẻ, có tác dụng giáo dục, định hướng văn hóa lành mạnh nhằm nuôi dưỡng mạch nguồn cảm xúc, tránh tâm lý thờ ơ trước mọi vấn đề của xã hội./.

Phương Mai



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com