Bảo đảm hoàn thành mục tiêu năm học

06:03, 19/03/2020

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) vừa có văn bản gửi các sở GD và ĐT về việc tăng cường dạy học qua internet, truyền hình trong thời gian nghỉ học để phòng, chống dịch COVID-19.

Trong đó, các sở GD và ĐT chỉ đạo, các hình thức dạy học trên internet, truyền hình và lựa chọn đội ngũ giáo viên triển khai bảo đảm chất lượng, phù hợp chương trình, đáp ứng yêu cầu đổi mới. Các nhà trường phân công giáo viên giao nhiệm vụ học tập và hướng dẫn học sinh thực hiện; phối hợp với gia đình để có biện pháp quản lý học sinh học bài; nhận xét, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập đã giao cho học sinh. Trong quá trình triển khai dạy học cần tham khảo, sử dụng các nguồn học liệu tin cậy, chuẩn xác để tổ chức và hướng dẫn học sinh học tập. Đáng chú ý, để triển khai hiệu quả quá trình học tập trên internet, truyền hình, các sở GD và ĐT hướng dẫn các nhà trường rà soát, tinh giản nội dung dạy học; xây dựng kế hoạch dạy học theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất người học (theo Công văn 4612/BGDĐT-GDTrH áp dụng từ năm học 2017-2018). Khi học sinh đi học trở lại, các nhà trường tiếp tục hướng dẫn giáo viên rà soát, tinh giản nội dung và điều chỉnh kế hoạch dạy học; tổ chức ôn tập, kiểm tra công nhận kết quả học tập qua internet, truyền hình.

Trong bối cảnh học sinh phải nghỉ học kéo dài do dịch COVID-19, việc tổ chức dạy học trên internet, truyền hình để bảo đảm tiến độ năm học là cần thiết. Điều đó còn giúp học sinh củng cố, không bị ngắt mạch kiến thức; nhất là với những học sinh cuối cấp, chuẩn bị thi vào lớp 10 hoặc thi THPT quốc gia, cần ôn luyện, học tập, bảo đảm đầy đủ kiến thức, kỹ năng dự thi đạt kết quả tốt và chuẩn bị cho một giai đoạn học tập tiếp theo. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng, việc Bộ GD và ĐT không có hướng dẫn thống nhất mà “giao phó” cho các sở GD và ĐT chỉ đạo các trường, giáo viên tự rà soát, tinh giản nội dung dạy học là chưa thật sự hợp lý. Điều này có thể tạo nguy cơ dẫn đến sự khập khiễng khi địa phương này tinh giản nội dung này, địa phương khác tinh giản nội dung khác. Đó là chưa kể có thể xảy ra sự thiếu nhất quán giữa nhà quản lý với những người trực tiếp thực hiện tinh giản nội dung giáo dục là đội ngũ giáo viên. Ngoài ra, nếu không có sự thống nhất sẽ xảy ra tình trạng cắt xén chương trình một cách cơ học, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.

Việc công nhận kết quả học tập trên internet, truyền hình sẽ được thực hiện ra sao cũng đặt ra những băn khoăn không nhỏ, bởi không phải học sinh ở tất cả các địa phương đều có điều kiện để tham gia học trên Internet, truyền hình như nhau. Chưa kể nếu đánh giá, công nhận kết quả những học sinh đã học thì những học sinh chưa có điều kiện học trên internet, truyền hình việc tổ chức lớp học sẽ phải kéo dài thời gian học lại, học bù trên lớp như thế nào.

Thực tế đang cho thấy, để tổ chức dạy học phù hợp hoàn cảnh học sinh phải nghỉ học do dịch COVID-19 bảo đảm chất lượng, yêu cầu và tiến độ năm học, đồng thời tạo được sự an tâm trong dư luận và tâm lý phụ huynh học sinh, ngành Giáo dục cần sớm có những quy định hướng dẫn cụ thể trong triển khai thay đổi cách dạy, học theo một khung chung, đồng nhất giữa các địa phương triển khai trong thực tiễn; bảo đảm việc tinh giản nội dung, công nhận kết quả dạy học trên internet, truyền hình đạt chất lượng, đúng mục tiêu chương trình giáo dục. Cùng với sự nỗ lực của thầy và trò, sự chung tay của toàn xã hội, điều đó sẽ ngăn chặn hiệu quả tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” giữa các địa phương, các trường, gây khó khăn cho các thầy giáo, cô giáo, đồng thời dễ làm nảy sinh tiêu cực, ảnh hưởng đến đánh giá kết quả học tập của học sinh…, góp phần vượt qua những khó khăn do tình hình dịch bệnh COVID-19 gây ra, bảo đảm hoàn thành mục tiêu năm học 2019-2020./.

Theo Nhân Dân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com