Thảo luận về Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 66 của QH về dự án, công trình quan trọng quốc gia và dự án Luật Thanh tra (sửa đổi)

10:06, 16/06/2010

Các Đại biểu QH thảo luận tại hội trường.
Các Đại biểu QH thảo luận tại hội trường.
Ngày làm việc thứ hai mốt, kỳ họp thứ 7, QH khoá XII, các đại biểu QH thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 66/2006/QH11 ngày 29-6-2006 của QH về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình QH quyết định chủ trương đầu tư và dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

Thảo luận dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 66. Các đại biểu phát biểu ý kiến tập trung vào ba nhóm vấn đề chính, đó là tiêu chí về quy mô vốn; tiêu chí có liên quan QP - AN; vấn đề quy định đối với dự án, công trình mà thời gian thi công chậm từ một năm trở lên, việc thay đổi các hạng mục liên quan đến dự án, công trình, những vấn đề có liên quan đến giá cả làm thay đổi tổng dự toán của dự án công trình...

Về tiêu chí xác định công trình quan trọng, nhiều ý kiến thống nhất cho rằng dự án, công trình đầu tư tại Việt Nam có một trong năm tiêu chí sau: Quy mô tổng vốn đầu tư từ 35 nghìn tỷ đồng trở lên (theo thời giá tháng 6-2010) đối với dự án, công trình có sử dụng từ 30% vốn Nhà nước trở lên trên tổng vốn đầu tư dự án, công trình; Dự án, công trình có ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường; Dự án, công trình đầu tư tại địa bàn đặc biệt quan trọng đối với quốc gia về quốc phòng, an ninh hoặc có di tích quốc gia có giá trị đặc biệt quan trọng về lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng cấp quốc gia; Dự án, công trình đòi hỏi phải áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được QH quyết định.

Chung quanh vấn đề đầu tư ra nước ngoài, một số đại biểu cho rằng, Nghị quyết sửa đổi này theo hướng nới rộng phạm vi, giao cho Chính phủ nhiều hơn. Tuy nhiên, đề nghị QH cân nhắc, vì một công ty bình thường đầu tư ra nước ngoài sẽ có những rủi ro nhất định, nhưng nếu Nhà nước đầu tư ra nước ngoài thì trách nhiệm là vô hạn. Một số đại biểu nêu vấn đề: Có một số tiêu chí định tính, thí dụ như vấn đề an ninh, quốc phòng, vấn đề nhạy cảm về môi trường, vấn đề văn hóa. Vì thế khi trình nghị quyết phải tính tới điều này. Các tiêu chí đó cần được các cơ quan của QH giám sát. Đối với những công trình có nhiều tiêu chí như dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TP Hồ Chí Minh, liên quan các vấn đề về lĩnh vực công nghệ, môi trường, lại vừa là vấn đề kinh tế, cần có ít nhất hai, ba ủy ban của QH tham gia thẩm định hoặc một ủy ban lâm thời hỗn hợp để thẩm tra đúng mức.

Thảo luận dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), hầu hết các đại biểu đều nhất trí với sự cần thiết sửa đổi và đề nghị phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành, tránh trùng lặp, chồng chéo. Về tổ chức các cơ quan thanh tra, ngoài thanh tra Chính phủ, thanh tra các tỉnh, thành phố, quận, huyện, thanh tra bộ, thanh tra sở như quy định là chưa hợp lý. Đề nghị cần có quy định về tổ chức hoạt động thanh tra chuyên ngành theo hướng giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành cho cơ quan thực hiện chức năng quản lý về ngành, lĩnh vực đó. Chẳng hạn, Cục Quản lý dược, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Cục Hàng hải, Cục Hàng không dân dụng Việt Nam, Cục Tần số vô tuyến điện... đảm nhiệm chức năng thanh tra chuyên ngành trong phạm vi lĩnh vực quản lý. Và bổ sung vào dự thảo luật quy định về thanh tra xây dựng, môi trường, quản lý đô thị... ở quận, phường tại một số tỉnh, thành phố lớn để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Một số đại biểu đề nghị tăng tính độc lập, tự chủ của cơ quan thanh tra các cấp và tăng nhiệm vụ, quyền hạn cho các đoàn thanh tra và trưởng đoàn thanh tra. Trưởng đoàn thanh tra ký kết luận thanh tra và hoàn toàn chịu trách nhiệm về kết luận thanh tra của mình, có chế tài để xử lý các trường hợp không thực hiện kết luận thanh tra và có chế tài xử lý trách nhiệm của thanh tra viên, trưởng đoàn thanh tra khi phát hiện kết luận thanh tra không đúng vấn đề.

Về thanh tra nhân dân, các đại biểu đề nghị một trong hai giải pháp: hoặc là đồng thời với việc trình QH xem xét dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), Chính phủ cần chuẩn bị trình dự án luật về hoạt động giám sát của nhân dân trên cơ sở những quy định về vấn đề này trong Luật Thanh tra hiện hành. Hoặc giữ Chương Thanh tra nhân dân trong Luật Thanh tra để bảo đảm ổn định tổ chức và hoạt động của Thanh tra nhân dân, một phương thức quan trọng bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân. Đồng thời bảo đảm phù hợp quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đang đặt ra nhiệm vụ là nâng cao vai trò của Ban Thanh tra nhân dân trong cơ quan nhà nước và ở xã, phường, thị trấn, nhằm đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Quốc hội tiếp tục làm việc./.

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com