Nam Hà sau ngày đất nước thống nhất và việc hợp nhất hai tỉnh Nam Hà - Ninh Bình (1975-1980) – Kỳ 1

06:04, 12/04/2016

[links()]

    Thắng lợi trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc oanh liệt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, mở ra bước ngoặt mới trong lịch sử dân tộc, đưa cách mạng Việt Nam chuyển sang thời kỳ mới - thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trên phạm vi cả nước.

    Hoà chung với khí thế của dân tộc, Đảng bộ và nhân dân Nam Hà bước vào thực hiện nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới với nhiều thuận lợi cơ bản: Đảng bộ đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm trong đấu tranh cách mạng cũng như trong xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội.

Bến cảng Nam Định những năm 1970-1980.
Bến cảng Nam Định những năm 1970-1980.

    Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã tạo ra khí thế phấn khởi trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng được nâng cao. Đây là những yếu tố quan trọng, có ý nghĩa quyết định để toàn tỉnh vượt qua khó khăn, vươn lên giành thắng lợi trong giai đoạn cách mạng mới. Bên cạnh đó, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh cũng đứng trước nhiều khó khăn, thử thách. Hậu quả của cuộc chiến tranh phá hoại do đế quốc Mỹ gây ra rất nặng nề, chưa kịp khắc phục; cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ sản xuất nghèo nàn, lạc hậu, phân tán. Cùng với đó, cơ chế quản lý kinh tế tập trung, bao cấp đã kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội; sản xuất kém phát triển, hàng hoá khan hiếm, nhu cầu thiết yếu của nhân dân chủ yếu dựa vào nguồn viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa ngày càng giảm. Trong bối cảnh trên, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế, ổn định đời sống nhân dân.

    Thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung chỉ đạo hoàn thành việc tổ chức đại hội đảng bộ từ cơ sở đến các huyện, thành, thị, đảng bộ trực thuộc; đồng thời tích cực chuẩn bị mọi mặt cho Đại hội Đảng bộ tỉnh.

    Ngày 23-6-1975, Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Hà lần thứ III đã diễn ra tại thành phố Nam Định, tham dự Đại hội có 102 đại biểu chính thức. Qua sáu ngày làm việc vối tinh thần dân chủ, xây dựng, Đại hội đã thành công tốt đẹp. Đại hội đánh giá tổng quát tình hình thực hiện nhiệm vụ ba năm từ 1972 đến 1974, đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong hai năm 1975-1976, trong đó trọng tâm là: Nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng bộ, phát huy mạnh mẽ vai trò làm chủ tập thể của quần chúng và hiệu lực quản lý của chính quyền, thấu suốt tư tưởng cách mạng, ý thức tự lực cánh sinh, tinh thần khắc phục khó khăn, ra sức khai thác, sử dụng mọi tiềm năng và những điều kiện thuận lợi mới, quyết tâm xây dựng kinh tế, phát triển văn hoá, trọng tâm là đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp; tiến hành tổ chức lại sản xuất và cải tiến quản  lý kinh tế trong các ngành , tăng cường xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, kết hợp với củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa thực hiện việc phân công mới lao động xã hội theo hướng tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, nhằm tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả kinh tế, đảm bảo làm tròn nghĩa vụ với sự nghiệp cách mạng chung của cả nước và cải thiện đời sống nhân dân. Kết hợp xây dựng kinh tế với củng cố quốc phòng, tăng cường công tác quân sự địa phương, đề cao pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tốt an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, góp phần tích cực xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

    Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 37 đồng chí, Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm 11 đồng chí. Đồng chí Phan Điền được bầu là Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Tạ Hồng Thanh là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, đồng chí Vũ Thiện là Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch uỷ ban Hành chính tỉnh.

    Trong thời gian này, Hội nghị lần thứ 24 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá III) họp từ ngày 29-9-1975 ra nghị quyết nêu rõ về nhiệm vụ cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới là: “Hoàn thành thống nhất nước nhà, đưa cả nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội. Miền Bắc phải tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; miền Nam phải đồng thời tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội”.

    Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá III đã cụ thể hoá phương hướng nhiệm vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh và nghị quyết của Trung ương để tổ chức thực hiện và đã giành được những thắng lợi quan trọng.

    Trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, phong trào thi đua làm thuỷ lợi, thâm canh, tăng vụ được chú trọng. Bốn huyện hoàn chỉnh thuỷ nông sớm hơn kế hoạch 1 năm là: Xuân Thuỷ, Nam Ninh, Hải Hậu, Nghĩa Hưng. Hệ thống đê, kè được gia cố, nhiều công trình thuỷ lợi được đào đắp, nạo vét, tu sửa để đảm bảo chủ động nước tưới tiêu, phục vụ sản xuất và đời sống.

    Cuộc vận động “tổ chức lại sản xuất và cải tiến quản lý nông nghiệp từ cơ sở tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa” theo tinh thần Nghị quyết 61 -CP của Hội đồng Chính phủ đem lại một số kết quả. Đến cuối năm 1975, trong số 845 hợp tác xã nông nghiệp có 237 hợp tác xã quy mô toàn xã, bình quân 1 hợp tác xã có 232 ha đất canh tác.

    Tuy nhiên, cơn bão cuối tháng 8-1975 đã làm hơn 43.900 ha canh tác trên địa bàn tỉnh bị ngập úng, chiếm 41% diện tích đất gieo cấy, do đó kết quả sản xuất lương thực năm 1975 đạt thấp, năng suất bình quân toàn tỉnh chỉ xấp xỉ 4,5 tấn/ha, không đạt chỉ tiêu đề ra. Riêng chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản tiếp tục phát triển, đặc biệt là chăn nuôi lợn tập thể; đàn trâu, bò và gia cầm tăng đáng kể.

(Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com