Thuốc trị viêm kết mạc mùa xuân

08:02, 14/02/2022

Viêm kết mạc là một bệnh nhiễm trùng gây khó chịu, đỏ và kích ứng các mô ở mắt. Hầu hết các trường hợp viêm kết mạc là do virus hoặc vi khuẩn. Tuy nhiên, viêm kết mạc mùa xuân thường là do phản ứng dị ứng.

Viêm kết mạc mùa xuân khiến mắt bị ngứa, chảy nước mắt…
Viêm kết mạc mùa xuân khiến mắt bị ngứa, chảy nước mắt…

1. Nguyên nhân gây viêm kết mạc mùa xuân

Viêm kết mạc mùa xuân thường xảy ra ở những người có tiền sử gia đình bị dị ứng (bao gồm viêm mũi dị ứng, hen suyễn và chàm). 

Bệnh phổ biến ở bé trai nhiều hơn, và xảy ra thường xuyên nhất trong những tháng mùa xuân và mùa hè ở những vùng khí hậu ấm, khô. Điều này là do sự gia tăng bình thường theo mùa của các chất gây dị ứng (như phấn hoa) trong không khí. 

Bệnh cũng có thể được gây ra bởi phản ứng dị ứng với những chất khác như: Clo trong bể bơi, khói thuốc lá, thành phần trong mỹ phẩm...

2. Triệu chứng thường gặp của viêm kết mạc mùa xuân

Các triệu chứng thường gặp bao gồm: 

- Mắt bị kích thích, 

- Đỏ mắt, sợ ánh sáng (nhạy cảm với ánh sáng chói), 

- Đau, ngứa mắt, chảy nước mắt, sưng mắt (đặc biệt là khu vực xung quanh rìa giác mạc tiếp xúc với củng mạc, hoặc lòng trắng của mắt), 

- Mí mắt thô ráp và có chất nhầy màu trắng (đặc biệt là bên trong mí trên), tầm nhìn mờ.

3. Biến chứng của viêm kết mạc mùa xuân

Hầu hết bệnh nhân đều thấy giảm các triệu chứng dị ứng khi thời tiết trở nên lạnh hơn hoặc nếu họ có thể tránh được chất gây dị ứng. Nếu tình trạng viêm kết mạc kéo dài và mạn tính, nó có thể gây khó chịu ở mắt, giảm thị lực hoặc gây sẹo giác mạc – là lớp ngoài cùng của mắt, bảo vệ mắt khỏi bụi, vi khuẩn và các tác nhân có hại khác.

4. Các biện pháp chăm sóc tại nhà

Cần khuyên trẻ tránh dụi mắt vì có thể làm mắt trẻ bị kích ứng nhiều hơn. Hầu hết các trường hợp có thể được điều trị tại nhà.

Các biện pháp khắc phục tại nhà bao gồm:

4.1. Chườm lạnh

Chườm lạnh bằng cách sử dụng một miếng vải sạch, gạc sạch ngâm trong nước lạnh và sau đó đắp lên mắt nhắm lại, thực hiện nhiều lần trong ngày. Chườm lạnh có thể giúp giảm đau tạm thời.

4.2. Nước mắt nhân tạo

Nước mắt nhân tạo có tác dụng bôi trơn nhãn cầu, cũng có thể làm dịu mắt. Có thể sử dụng: Sanlein 0,1% (natri hyaluronate) 5-6 lần/ngày x 1giọt/lần/bên mắt; systane ultra (polyethylen glycol 400 0,4%, propylen glycol 0,3%)… Các chất này giúp làm loãng các chất gây dị ứng và các chất trung gian gây viêm có trên bề mặt mắt, giúp rửa sạch bề mặt mắt.

5. Điều trị bằng thuốc

5.1. Thuốc kháng histamin

- Thuốc kháng histamine toàn thân có thể được kê đơn để làm giảm các triệu chứng cấp tính ở mắt. Tuy nhiên, bệnh nhân có thể gặp các tác dụng phụ, chẳng hạn như buồn ngủ, khô miệng. Các thuốc kháng histamin thế hệ mới ít gây tác dụng buồn ngủ hơn như: Fexofenadin, cetirizin, loratadin...

- Thuốc kháng histamine tại chỗ: Có tác dụng làm giảm ngứa và đỏ mắt, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn. Một số loại thuốc kháng histamin ở dạng nhỏ mắt như: Elestat (epinastine) và optivar 0,05% (azelastine).

Cách dùng: Nhỏ 1 giọt mỗi bên mắt, ngày 2 lần, có thể tăng liều lên 4 lần/ngày khi cần thiết. Hai loại này đều là thuốc kháng histamine mạnh có tác dụng khởi phát nhanh chóng và có hiệu quả trong việc giảm các dấu hiệu và triệu chứng của viêm kết mạc dị ứng.

5.2. Thuốc co mạch

Các thuốc co mạch có thể ở dạng đơn chất hoặc dạng kết hợp với thuốc kháng histamin để làm giảm xung huyết và đỏ mắt trong thời gian ngắn. Các thuốc co mạch phổ biến như: Naphazoline, phenylephrine, oxymetazoline và tetrahydrozoline.

Tác dụng phụ phổ biến của các thuốc này là gây ra tình trạng lệ thuộc thuốc, chỉ nên sử dụng thuốc từ 3 – 5 ngày, dùng kéo dài có thể gây tình trạng "viêm kết mạc dội ngược". Các thuốc này không có hiệu quả đối với các trường hợp dị ứng nghiêm trọng.

5.3. Chất ổn định tế bào mast

Tác dụng của những thuốc này là làm giảm sự phân huỷ của tế bào mast, ngăn cản sự giải phóng histamin và các chất hoá học khác.

Các chất ổn định tế bào mast thường không làm giảm triệu chứng hiện có và được sử dụng để dự phòng, nhằm ngăn chặn sự suy giảm tế bào mast khi tiếp xúc với chất gây dị ứng sau đó. Do đó, các thuốc này cần được sử dụng lâu dài cùng với nhiều loại thuốc khác. Các chất ổn định tế bào mast phổ biến bao gồm: Cromolyn natri phối hợp với lodoxamide, alcaftadine, bepotastine, và ketotifen...

5.4. Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs)

Có thể dùng NSAIDs trong điều trị viêm kết mạc mùa xuân. NSAID phổ biến được kê đơn cho các trường hợp dị ứng là ketorolac tromethamine 0,5% (acular), mỗi ngày nhỏ 4 lần x 1 giọt/lần.

5.5. Corticoid

Đây là một trong những tác nhân dược lý mạnh nhất được sử dụng trong điều trị dị ứng mắt mãn tính. Corticoid ức chế cả cyclooxygenase và lipoxygenase, nên có tác dụng mạnh hơn các NSAID.

Tuy nhiên, thuốc có nhiều tác dụng không mong muốn trên mắt như: Chậm lành vết thương, nhiễm trùng thứ phát, tăng nhãn áp và hình thành đục thuỷ tinh thể. 

Ngoài ra, tác dụng chống viêm và ức chế miễn dịch không đặc hiệu. Do đó, corticoid tại chỗ chỉ nên được kê đơn ở nồng độ hiệu quả thấp nhất trong thời gian ngắn nhất có thể và cho những trường hợp viêm kết mạc mùa xuân nặng không đáp ứng với liệu pháp điều trị thông thường.

5.6. Liệu pháp miễn dịch

Một số nghiên cứu cho thấy rằng các chế phẩm nhỏ mắt tại chỗ của cyclosporine A và tacrolimus, có thể hữu ích trong các đợt viêm kết mạc kéo dài, cải thiện đáng kể các dấu hiệu và triệu chứng mà không có tác dụng phụ đáng kể. Thuốc cũng có thể giúp ngăn ngừa bệnh tái phát.

6. Lời khuyên của thầy thuốc

Viêm kết mạc mùa xuân là một tình trạng mạn tính, có thể tái phát và các triệu chứng có thể cải thiện khi trưởng thành.

- Tránh dụi mắt ngứa vì điều này khiến tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn.

- Tránh các tác nhân kích thích không cụ thể như nắng, gió, nước muối… làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh, sử dụng kính râm, mũ có kính che mặt, kính bơi khi cần thiết.

- Tránh tiếp xúc với các chất dị ứng thường được biết đến.

- Nên rửa tay, mặt, và tóc thường xuyên để giảm tiếp xúc với các chất gây dị ứng.

- Lên kế hoạch đi nghỉ ở những vùng khí hậu thích hợp.

- Thực hiện thường xuyên các biện pháp chăm sóc tại nhà: chườm lạnh, dùng nước mắt nhân tạo,

- Tần suất nhỏ thuốc tại chỗ thích hợp: 4 – 6 lần/ngày.

- Không lạm dụng các thuốc co mạch và corticoid. Các thuốc này chỉ được dùng theo chỉ định của bác sĩ./.

Theo suckhoedoisong.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com