Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thực hiện chuyển đổi số

08:06, 24/06/2022

Bên cạnh đầu tư bao phủ hệ thống thiết bị, công nghệ thông tin (CNTT) thì xây dựng, phát triển nguồn nhân lực kích hoạt, vận hành hiệu quả hạ tầng CNTT là nhiệm vụ quan trọng các cấp chính quyền, ngành chức năng phải quan tâm trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số (CĐS), xây dựng chính quyền điện tử. Theo đó, tỉnh bám sát tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền Thông (TT và TT), chủ động kiện toàn, đào tạo, nâng cao trình độ đội ngũ nòng cốt thực hiện chương trình CĐS của tỉnh.

Cán bộ bộ phận
Cán bộ bộ phận "một cửa" UBND xã Giao An (Giao Thủy) ứng dụng công nghệ thông tin tiếp nhận hồ sơ và giải quyết công việc trên môi trường điện tử.

Đến nay, tỉnh đã thành lập đội nòng cốt CĐS từ cấp tỉnh đến cấp xã với tổng số 280 người. Trong đó, cấp tỉnh đã kiện toàn Ban chỉ đạo về CĐS tỉnh do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng Ban; cấp sở, ngành đã thành lập Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo do đồng chí Giám đốc Sở TT và TT làm Tổ trưởng và đại diện lãnh đạo cấp phòng chuyên môn hoặc chuyên viên của các sở, ngành, đơn vị là thành viên. Ở cấp huyện cũng có hệ thống tương tự. Riêng cấp xã, lực lượng nòng cốt CĐS được giao cho một chuyên viên. Sau kiện toàn nhân sự, tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ cho đội ngũ nòng cốt CĐS của tỉnh. Huy động nhân sự nòng cốt CĐS cấp tỉnh, cấp huyện tham gia đầy đủ các chương trình bồi dưỡng, tập huấn trực tiếp, trực tuyến do Bộ TT và TT thực hiện với các nội dung phổ biến kiến thức về CĐS, kinh tế số, xã hội số, kỹ năng tổ chức triển khai CĐS tại địa phương, đơn vị. Thông qua các đợt đào tạo, tập huấn đã chuyển đổi nhận thức đội ngũ cán bộ nòng cốt CĐS cấp tỉnh, cấp huyện theo hướng chuyên sâu, từng bước nâng cao chất lượng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp về CĐS cũng như tổ chức triển khai hiệu quả, thiết thực hơn các nhiệm vụ về CĐS của cơ quan, đơn vị mình phụ trách. Ở cấp tỉnh, huyện đã từng bước khắc phục được các nhược điểm cố hữu trong CĐS thời gian trước; cụ thể thay vì chỉ triển khai ứng dụng CNTT trong hoạt động nội bộ dẫn đến sự thiếu đồng bộ thì hiện nay đã nắm bắt và từng bước thực hiện CĐS theo quy mô toàn ngành, toàn lĩnh vực. 

Theo Sở TT và TT, đơn vị chủ trì thực hiện chương trình CĐS, xây dựng chính quyền của tỉnh, hiện Sở đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai kế hoạch đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng thực hiện các phần việc trong CĐS cho đội ngũ cán bộ nòng cốt các cấp; dự kiến trong năm 2022 sẽ tổ chức 7 khóa tập huấn. So với chỉ đạo chung của Chính phủ, Bộ TT và TT cũng như thực tế triển khai tại nhiều tỉnh, thành phố trên toàn quốc, chương trình đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ nòng cốt thực hiện chương trình CĐS của tỉnh có sự linh hoạt, khác biệt. Chẳng hạn nhiều địa phương trên toàn quốc đang tập trung thành lập, nâng cao trình độ, hiệu quả hoạt động của các tổ công nghệ số cộng đồng tại cấp xã theo phương án lấy thanh niên tại các thôn, xóm làm hạt nhân để đi đến từng hộ gia đình giúp bà con cài đặt, sử dụng các nền tảng số. Tuy nhiên, căn cứ vào thực tế mặt bằng trình độ nhân lực CNTT của đại đa số người dân trên toàn tỉnh tương đối cao, có thể tự cập nhật, sử dụng các nền tảng số nên Nam Định không thành lập tổ công nghệ số cộng đồng. Tỉnh dồn lực để đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ nòng cốt CĐS cấp xã theo hướng ưu tiên đào tạo nâng cao nhận thức về CĐS và trực tiếp chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu các kỹ năng sử dụng thuần thục, hiệu quả các ứng dụng công nghệ, nền tảng phục vụ vận hành hệ thống chính quyền số. Tuy nhiên, theo định hướng này vấn đề nhân lực nòng cốt CĐS của tỉnh hiện đang tồn tại một số bất cập cần lưu tâm. Cụ thể là đội ngũ nòng cốt CĐS cấp xã trên địa bàn tỉnh thường được các địa phương lựa chọn người từ các bộ phận văn phòng, thống kê, không chuyên trách mà chỉ kiêm nhiệm về CNTT nên thường xuyên chuyển đổi vị trí công tác. Điều này vừa gây lãng phí kinh tế do phải thường xuyên đầu tư để đào tạo về CĐS cho nhân sự mới; đặc biệt, chất lượng thực thi các phần việc trong CĐS, xây dựng chính quyền điện tử giai đoạn đầu sẽ không cao. 

Để khắc phục Sở TT và TT đề xuất các địa phương cần quán triệt mục tiêu của tỉnh là sớm đồng bộ việc chỉ đạo, điều hành thông qua môi trường điện tử, không sử dụng văn bản giấy trong điều hành và xử lý công việc; tăng cường ký số văn bản điện tử, lập hồ sơ điện tử và lưu trữ điện tử, tiến tới làm việc ba “không”: không giấy tờ văn bản, hội họp không tập trung nhiều, làm việc không gặp mặt; dữ liệu được tiếp cận phải được số hóa hoàn toàn. Từ đó, quan tâm lựa chọn, bố trí nhân lực tham gia lực lượng nòng cốt CĐS cấp xã theo hướng khoa học, thiết thực, đảm bảo chất lượng CĐS; trong lộ trình dài hơi rất cần đội ngũ chuyên trách vận hành hệ thống chính quyền điện tử và đảm bảo an toàn cho các hệ thống thông tin tại địa phương. Trong điều kiện khó khăn chung về nguồn nhân lực CNTT, bên cạnh việc tập trung đào tạo, tập huấn, nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực nòng cốt CĐS cấp xã hiện có, các địa phương cần quan tâm ban hành một số chính sách lồng ghép thu hút, tạo nguồn từ sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành về CNTT. Đồng thời có cơ chế đặc thù đối với đội ngũ công chức chuyên trách CNTT tại các cơ quan, đơn vị; khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp công nghệ tham gia trực tiếp vào quá trình giáo dục và đào tạo nhân lực, xây dựng một số trung tâm giáo dục, đào tạo về công nghệ.

Với các giải pháp kể trên, Nam Định hy vọng sẽ sớm nâng cao chất lượng đội ngũ nòng cốt CĐS, từ đó góp phần đẩy nhanh tiến độ CĐS, xây dựng chính quyền điện tử của tỉnh./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com