Sản xuất tại châu Á gặp nhiều trở ngại do diễn biến phức tạp của Covid-19

06:09, 03/09/2021

Theo phóng viên TTXVN tại New York, tờ Wall Street Journal số ra ngày 1/9 cho biết hoạt động sản xuất của nhiều nhà máy trên khắp châu Á gặp nhiều khó khăn trong tháng 8, do tình hình phức tạp của dịch Covid-19 tại khu vực này. Tình trạng này làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và gây ra nhiều trở ngại cho quá trình phục hồi kinh tế của khu vực.

Hoạt động sản xuất tại Châu Á sẽ còn gặp nhiều khó khăn, nếu tình hình Covid-19 còn diễn biến phức tạp.
Hoạt động sản xuất tại Châu Á sẽ còn gặp nhiều khó khăn, nếu tình hình Covid-19 còn diễn biến phức tạp.

Thực tế cho thấy, do các biện pháp phong tỏa nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, sự tắc nghẽn trong vận chuyển hàng hóa và tăng chi phí đầu vào, các chỉ số đánh giá hoạt động sản xuất tại nhiều nền kinh tế lớn của châu Á đã giảm mạnh. Trong khi đó, với lối sống “thắt lưng buộc bụng”, người tiêu dùng phương Tây cũng đã điều tiết nhu cầu với một số mặt hàng tại châu Á.

Cụ thể, tại Malaysia, hầu hết các nhà máy được yêu cầu giảm công suất, nếu dưới 80% công nhân được tiêm vaccine Covid-19. 

Tại Trung Quốc, lần đầu tiên, Chỉ số Quản lý mua hàng sản xuất Caixin giảm trong tháng 8 kể từ quá trình phục hồi kinh tế của nước này vào tháng 4/2020. Chỉ số này đã giảm xuống còn 49,2 so với mức 50,3 trong tháng 7. Hơn thế, Trung Quốc đã phải đóng cửa một phần cảng đông đúc thứ ba thế giới trong tháng trước. 

Theo thông tin của hãng IHS Markit cho thấy, hoạt động của các nhà máy tại 7 quốc gia Đông Nam Á  trong tháng 8 cũng giảm so với tháng trước đó, thậm chí Chỉ số quản lý thu mua (PMI) của các nước này đã giảm tháng thứ 3 liên tiếp, xuống còn 44,5.

Hoạt động sản xuất của Hàn Quốc được mở rộng trong tháng 8. Tuy nhiên, Chỉ số phụ về sản lượng lại có dấu hiệu giảm lần đầu tiên xuống dưới 50 trong vòng một năm qua, do nguyên liệu thiếu hụt và quá trình vận chuyển hàng hóa bị trì hoãn.

Dịch Covid-19 còn phức tạp và khó lường, chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ còn gặp nhiều vấn đề đáng quan tâm, từ tình trạng thiếu chất bán dẫn đến chi phí vận chuyển tăng cao. Thực tế, cung cấp hàng hóa trung gian như các linh kiện dùng để sản xuất điện tử tiêu dùng và ô-tô lại là thế mạnh của nhiều quốc gia Đông Nam Á. Do đó, việc khó có thể sớm cải thiện tình hình này là điều dễ hiểu.

Đầu tháng 8, Malaysia cho biết sẽ nới lỏng các hạn chế đi lại đối với những người được tiêm chủng đầy đủ ở một số khu vực của quốc gia này. Chính quyền ở Indonesia cũng thông báo sẽ xem xét việc nới lỏng một số hạn chế vì các ca lây nhiễm có chiều hướng đi xuống. 

Tuy nhiên, nhiều quốc gia châu Á vẫn phải đối mặt với tình trạng thiếu vaccine, ngoại trừ Trung Quốc. Các chuyên gia lo ngại việc nới lỏng hạn chế, mà chưa thúc đẩy được quá trình tiêm chủng Covid-19 toàn dân, sẽ dẫn đến sự gia tăng của các ca nhiễm, kèm theo đó là sự thiếu hụt về nhân công.

Những dữ liệu mới nhất cũng cho thấy thị trường ở các nước phương Tây đã kiếm chế chi tiêu vì lo ngại về biến thể Delta. Nhu cầu tiêu dùng giảm có thể giúp các nhà máy châu Á “dễ thở hơn” trong vấn đề cung ứng, tuy nhiên cũng ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phục hồi kinh tế của các quốc gia khu vực này, vốn phát triển dựa vào xuất khẩu.

Theo nhandan.com.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com