Cờ vua là một trong số ít môn thể thao tại Việt Nam mà phong trào phát triển khá sâu rộng, nhận được sự quan tâm, đầu tư của không ít các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, điều đáng tiếc và đáng bàn là đến nay Việt Nam mới chỉ có 12 Đại kiện tướng quốc tế nam dù rằng tiềm năng này là rất lớn.
Giải vô địch cờ vua toàn quốc năm 2020 đang diễn ra tại Hà Nội (từ ngày 1 đến 12-10) đã thu hút được 127 kỳ thủ xuất sắc đua tài. Việc Ban tổ chức tính hệ số elo quốc tế là dịp để các kỳ thủ tích lũy hệ số, nâng cao vị thế trên bảng xếp hạng. Bởi hệ số elo là cơ sở là Liên đoàn Cờ vua thế giới xét trao cho các kỳ thủ danh hiệu Kiện tướng quốc tế và Đại kiện tướng quốc tế. Theo đó, một kỳ thủ muốn trở thành Kiện tướng quốc tế thì phải đạt hệ số elo từ 2.400 trở lên. Trong khi, con số này với Đại Kiện tướng quốc tế là từ 2.500 elo trở lên.
Kỳ thủ Nguyễn Anh Khôi đang là Đại Kiện tướng quốc tế trẻ nhất của cờ vua Việt Nam. |
Đến nay, cờ vua Việt Nam mới chỉ có 12 Đại Kiện tướng quốc tế nam. Nhiều kỳ thủ Việt Nam đang trầy trật để đạt yêu cầu tối thiểu này vì thiếu cơ hội thi đấu ở những giải đấu với nội dung cờ tiêu chuẩn có xét hệ số elo. Trong khi đó, để có thể ra nước ngoài thi đấu nhằm tích lũy hệ số elo quốc tế lại không đơn giản. Kinh phí cho một chuyến thi đấu quốc tế không hề rẻ bởi ước tính, một chuyến thi đấu tại Lào (được xem là có chi phí rẻ nhất) cũng lên đến khoảng 10 triệu đồng/người. Không kể, đi thi đấu quốc tế như vậy tốn nhiều chi phí nhưng chưa chắc tích lũy được hệ số elo quốc tế do nguy cơ thua trận hoặc thậm chí bị cầm hòa những đối thủ có hệ số elo quốc tế thấp hơn.
Việc tổ chức một giải đấu tính hệ số elo quốc tế không quá khó khăn bởi chỉ cần xin phép và được sự đồng ý của Liên đoàn Cờ vua thế giới. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là đơn vị nào sẽ đứng ra tổ chức, nguồn kinh phí từ đâu, kêu gọi tài trợ như thế nào? Tính tới thời điểm hiện tại, số giải đấu tính hệ số elo tại Việt Nam không có nhiều. Ngay trong hệ thống thi đấu quốc gia, Giải vô địch cờ vua toàn quốc gần nhất vào năm 2019 cũng không tính hệ số elo vì muốn thu hút nhiều kỳ thủ tham dự. Đó là nghịch lý với một nền cờ vua có sức phát triển mạnh mẽ về số người chơi, trong đó riêng giải cờ vua trẻ toàn quốc thường xuyên có hơn 1.000 kỳ thủ tham dự.
Trên địa bàn Hà Nội, chỉ một số câu lạc bộ như “Vietchess”, “Kiện tướng tương lai” thể hiện rõ nỗ lực tổ chức các giải đấu có tính hệ số elo. Giải đấu có tính hệ số elo gần đây nhất tại Hà Nội là Giải Đường đến danh hiệu Kiện tướng quốc tế do câu lạc bộ “Vietchess” phối hợp với câu lạc bộ “Kiện tướng tương lai” tổ chức, vừa kết thúc vào cuối tháng 9. Đại kiện tướng quốc tế Bùi Vinh, thành viên Ban tổ chức Giải Đường đến danh hiệu Kiện tướng quốc tế cho biết: “Nhiều kỳ thủ trên địa bàn Hà Nội muốn tham dự nhưng vì phải đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 nên chúng tôi chỉ tổ chức cho 16 kỳ thủ nhí, những em đang có hệ số elo dưới mức 1.750. Các em cần nhiều giải đấu như thế này để nâng hệ số elo”.
Vị thế của nền cờ vua mỗi quốc gia phụ thuộc vào số lượng Kiện tướng quốc tế, Đại Kiện tướng quốc tế hay hệ số elo trung bình của 10 kỳ thủ hàng đầu chứ không phải là danh hiệu vô địch ở các giải đấu. Theo Đại Kiện tướng quốc tế Bùi Vinh, các quốc gia như Ấn Độ, Mông Cổ, Trung Quốc có chiến lược cụ thể cho việc này, thể hiện rõ qua việc tổ chức nhiều giải đấu trong nước nhằm giúp các kỳ thủ trẻ tích lũy hệ số elo. Nhờ đó, không ít kỳ thủ dưới 18 tuổi đã giành danh hiệu Đại Kiện tướng quốc tế. Trong khi đó, ở Việt Nam, nhiều kỳ thủ ở tuổi 18 vẫn loay hoay tìm chuẩn Kiện tướng quốc tế. Thế nên, đến lúc này, Việt Nam mới có 12 Đại kiện tướng quốc tế nam.
Phải được thi đấu nhiều ở các giải đấu tính hệ số elo quốc tế thì các kỳ thủ mới mong đạt chuẩn Kiện tướng quốc tế hay Đại Kiện tướng quốc tế. Điều đáng bàn là thủ tục xin phép Liên đoàn Cờ vua thế giới tổ chức các giải đấu có xét hệ số elo không phức tạp. Vấn đề là ai đứng ra tổ chức và tổ chức như thế nào mà thôi!
Theo qdnd.vn