Những ngôi nhà cổ ở Thượng Trại

08:02, 07/02/2021

Thôn Thượng Trại, xã Hải Phú (Hải Hậu) nằm cạnh con sông lớn. Giữa thôn có chợ Trại là một trong hai chợ (cùng với chợ Cồn) nhất huyện. Nhà cửa trong thôn khang trang, sầm uất như ở phố. Đặc biệt, trong thôn còn giữ được vài nếp nhà xây dựng từ những năm đầu thế kỷ XX với kiến trúc Gothic của Pháp. Còn có những nếp nhà mang đặc trưng vùng đồng bằng Bắc Bộ xưa. Dưới những mái nhà yên bình, sáng sáng họ mời nhau một chén chè Tàu thơm phức, cùng thưởng lãm, bàn luận về một vài món đồ cổ quý giá trong nhà. 

Những nếp nhà cổ còn lại ở thôn Thượng Trại, xã Hải Phú (Hải Hậu).  Bài và ảnh: Hoa xuân
Những nếp nhà cổ còn lại ở thôn Thượng Trại, xã Hải Phú (Hải Hậu).

Ông Vương Văn Thực, thôn Thượng Trại là một người chơi đồ cổ có tiếng trong cả nước. Không chỉ yêu thích, đam mê thú chơi đồ cổ, ông Thực còn là người am hiểu về các nền văn hóa. Ông bảo, chơi đồ cổ mà không am hiểu về văn hóa thì coi như chưa hiểu, đánh giá hết về giá trị của các món đồ. Bởi cổ vật cũng chính là đại diện, mang “linh hồn” của một nền văn hóa cụ thể. Ông Thực cũng là một trong số ít người hiểu rõ lịch sử, gốc gác của từng nếp nhà cổ còn sót lại trong thôn. Theo ông, ở Thượng Trại người họ Lưu chiếm đến 60%, còn lại là họ Nguyễn. Trước kia, người Hoa ở Thượng Trại khá nhiều, họ làm đủ nghề, từ chữa đồng hồ cho đến thợ may, buôn bán tranh ảnh. Sau năm 1979, phần lớn họ về nước. Giờ trong xóm chỉ còn một vài gia đình có gốc gác người Hoa. Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, chúng cho xây đồn bốt trong thôn, cai quản một vùng rộng lớn của huyện. Trước đây thôn có nhiều công trình mang nét văn hóa làng quê như đình làng, hàng cây cổ thụ trăm năm tuổi. Cải cách ruộng đất rồi hòa bình lập lại, một vài công trình bị thời gian hủy hoại, một số bị phá dỡ. Sau năm 1975, trong xóm vẫn còn khoảng 40-50 ngôi nhà được xây dựng từ đầu thế kỷ XX với kiến trúc đa dạng. Có nhà xây theo kiểu Pháp, có nhà ngói 3 gian của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Nằm giữa thôn, ngôi nhà màu vàng chanh 2 tầng xây năm 1933 của gia đình ông Nguyễn Ngọc Huy nổi bật giữa các nếp nhà. Nhà hướng ra mặt sông, xây kiên cố 2 tầng với móng chắc và tường dày, nội thất và toàn bộ kết cấu ngôi nhà được dựng bằng khung gỗ; cột với nền nhà tầng 2 làm hoàn toàn từ gỗ lim đen bóng, mái lợp ngói nam truyền thống. Với đặc trưng phong cách cổ nhà rường cột, toàn bộ ngôi nhà 78m2 trước đây được chia làm 3 gian, có 1 cửa chính to rộng và cửa sổ 2 bên. Từ khi xây đến nay ngôi nhà 2 tầng của ông Huy hầu như vẫn giữ được nguyên bản với những đặc trưng của kiến trúc Gothic như nhiều gờ, đường uốn cong… Ngôi nhà ngói 3 gian của anh Trần Tiến Phong còn có tuổi đời lâu hơn, được xây dựng từ năm 1928. Nhà do ông nội anh, cụ Trần Hữu Khái để lại. Cụ Khái vốn là Tiên Chỉ lăng dưới thời Vua Bảo Đại, gia cảnh vô cùng giàu có, trong nhà thường có 3-4 người giúp việc. Tổng diện tích nhà là 410m2, bao gồm 1 gian chính và hệ thống nhà ngang. Từ ngày xây dựng, căn nhà chưa phải sửa, chỉ duy nhất một lần lợp lại mái ngói và lát lại gạch. Dưới mỗi nếp nhà, các thế hệ gia đình cùng nhau sinh sống thuận hòa, duy trì nghề cha ông để lại. Quanh năm suốt tháng ngôi nhà của ông Huy lúc nào cũng tỏa ra mùi các vị thuốc quý sao tẩm thơm lừng. Đối với anh Phong, kỷ niệm về ngôi nhà gắn với những năm tuổi thơ nhiều biến động. Theo ghi nhớ của anh, trong nhà hồi đó có rất nhiều đồ quý. Cải cách ruộng đất, nhà anh từng bị tịch thu, trưng dụng thành cửa hàng hợp tác xã mua bán. Sau cải cách, gia đình anh được trả lại nhà. Mặc dù cũng có điều kiện để sửa sang, xây mới nhưng tạm thời anh Phong không muốn sửa: “50 năm nay tôi thấy ngôi nhà vẫn vậy, không hư hại gì. Tôi chưa muốn xây mới, phần vì nghĩ nếu phá đi chúng tôi sẽ mất ngôi nhà cũ mãi mãi”. 

Về Thượng Trại, có dịp vào một số gia đình chơi, chúng tôi được mời uống loại chè Tàu thơm ngọt, dư vị đọng mãi trong miệng. Theo ông Thực các hộ ở thôn nhà nào cũng uống chè Tàu, gặp khách quý, gia chủ hào phóng thêm vài cánh chè, đun nước thật sôi rồi mới hãm, vừa lấy mùi, vừa tạo vị. Người dân trong thôn giữ thói quen sinh hoạt kín đáo, khiêm nhường. Mọi sinh hoạt đều thu nhỏ trong phạm vi gia đình. Trong thôn, nhà ít nhà nhiều đều giữ được một vài món đồ cổ quý giá. Từ lâu, dân chơi đồ cổ truyền tai nhau, đây là địa điểm tập trung đông những tay buôn có tiếng trong giới săn tìm cổ vật. Riêng nhà ông Thực có nhiều món đồ quý giá như chiếc long sàng đế vương thuộc hàng hiếm có ở Việt Nam. Bộ đoản ngự dụng 4 món (2 ghế, 1 đoản, 1 bàn) của vua nhà Nguyễn. Theo ông Thực, đây là bộ đoản độc nhất ở xứ ta hiện nay. Đặc biệt hoa văn chạm khắc trên bộ đoản này được giới nghề đánh giá là đạt đến mức “kỳ, mỹ” vẽ tích long cuốn thủy. Ngoài ra ông còn có một bộ ghế Louis khảm bề mặt được định giá tiền tỷ. 

Soi bóng bên dòng sông hiền hòa, nhịp sống ở thôn Thượng Trại hàng ngày vừa mang dáng vẻ của một vùng quê đang trong quá trình đô thị hóa vừa giữ được những thói quen sinh hoạt, công trình xây dựng độc đáo. “Ẩn” sau dáng vẻ tấp nập là sự “tĩnh” của một thôn làng có bề dày văn hóa lâu đời, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp. Nhịp sống, phong cảnh làng quê ở đây rất dễ khiến người ta yêu mến. Và chắc hẳn ai đó có dịp xem bộ phim Ngày lễ thánh (dựa theo tiểu thuyết Bão Biển của Chu Văn) do Nghệ sĩ nhân dân Bạch Diệp đạo diễn lấy một phần bối cảnh của thôn sẽ còn cảm nhận sâu sắc hơn điều đó./. 

Bài và ảnh: Hoa Xuân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com