Huyền thoại về con Trâu

08:02, 07/02/2021

Con trâu thân gần, có ích cho con người, nhất là nhà nông nên người rất quí trâu, chăm sóc trâu chu đáo thường xuyên. Bởi vậy, con trâu đã là một hình ảnh đậm nét trong đời sống, trong các loại hình văn học - nghệ thuật. Con trâu có rất nhiều huyền thoại hấp dẫn, tồn tại lâu dài trong cộng đồng các nước, các nơi, trong đó có Việt Nam, như là thần thánh, có sức mạnh thần kỳ như hình tượng con người và ngoài sức tưởng tượng trong tâm linh của con người để biểu thị lòng ước vọng hình tượng của con người trước đời sống.

Chuyện kể rằng ở núi Tiên Du (Bắc Ninh) có tích trâu vàng. Các nhà sư lấy tích trượng yểm lên trán, trâu vàng bỏ chạy húc vào đất làm sụt mà thành hồ. Nơi đó, sau này được gọi là làng Húc. Trâu chạy đến vùng Văn Giang và vùng vẫy tạo thành vũng lớn, gọi là Vũng Trâu Đầm. Trâu chạy qua các nơi, sau có tên xã là Như Phương, Như Loan, Đại Lân, Đại Ngưu. Có tên như vậy, vì trâu chạy đến đâu tạo thành vết trũng đến đấy, do đó có tên như vậy. Trâu lại từ trong bến đi ra sông Cái, tới Kim Ngưu, Tô Lịch và cuối cùng tới Hồ Tây.

Cao Biền, một người giỏi tướng số, cho là, thấy trâu vào hồ Dâm Đàm rồi biến mất, còn trên đường trâu chạy đều biến thành khe ngòi, rãnh, lạch... Nên người xưa có câu:

Kim Ngưu do ẩn tại hồ trung
Thuỷ bật nan tầm bật kiến tung
Đại Việt An Nam tồn thánh chủ
Cao Biền hạ bút hận vô cùng!

Nghĩa là:

Trâu vàng còn ẩn mãi giữa hồ
Nước cạn muốn tìm chẳng thấy tung tích
Nước Việt bình yên là nhờ Thánh chúa
Cao Biền hạ bút hận còn sâu
Trâu thần và tướng Yết Kiêu

Số là làng Hạ Bì, huyện Gia Phúc (nay là Gia Lộc), tỉnh Hải Dương, có môt dị nhân là Yết Kiêu, sống bằng nghề mò sò, ốc, hến đem bán để sinh sống. Một hôm Yết Kiêu đi đến bờ biển, thấy trên bãi cát có hai con trâu húc nhau, bèn lấy tay thụi trêu, thế là hai con trâu chạy xuống biển rồi biến mất. Từ đó mọi người đồn là Yết Kiêu có sức khoẻ phi thường, thường ra sông, ngụp lặn rất lâu, khi bắt được nhiều cá, mấy ngày liền, mới về nhà.

Khi giặc Nguyên - Mông xâm lược nước ta lần thứ 2 (1285), Yết Kiêu trở thành gia tướng của Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo, được cử chuyên lặn xuống biển đục thuyền của giặc, làm đắm nhiều thuyền, khiến chúng vô cùng khiếp sợ. Có thể nói, ông chính là ông tổ của binh chủng đặc công nước của Việt Nam./.

Nguyễn Tiến Bình (Sưu tầm và biên soạn)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com