Sôi nổi phong trào văn nghệ quần chúng

06:08, 16/08/2019

Những năm qua, phong trào văn nghệ quần chúng ở các địa phương trong tỉnh phát triển mạnh. Hàng năm, các liên hoan, hội diễn, chương trình nghệ thuật được tổ chức như: Liên hoan nghệ thuật quần chúng toàn tỉnh; hội diễn văn nghệ câu lạc bộ các trung tâm văn hóa, nhà văn hóa; các chương trình ca - múa - nhạc tổng hợp nhân dịp chào năm mới, kỷ niệm Ngày thành lập Đảng (3-2), Chiến thắng 30-4 và Quốc tế Lao động (1-5); hội diễn “Nghệ thuật quần chúng” kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh (2-9) ở các huyện: Hải Hậu, Xuân Trường, Nghĩa Hưng, Vụ Bản…

Tiết mục hát văn “Cô đôi Thượng Ngàn” của Đoàn nghệ thuật quần chúng huyện Ý Yên tại Liên hoan Nghệ thuật quần chúng toàn tỉnh.
Tiết mục hát văn “Cô đôi Thượng Ngàn” của Đoàn nghệ thuật quần chúng huyện Ý Yên tại Liên hoan Nghệ thuật quần chúng toàn tỉnh.

Với sự đầu tư nghiêm túc, chất lượng nghệ thuật của các đơn vị nghệ thuật quần chúng ngày càng nâng cao. Các tiết mục văn nghệ quần chúng luôn đậm chất quê hương, trong sáng và chân thật; nội dung phản ánh những vấn đề hiện thực của đời sống trên các lĩnh vực như: thương binh, liệt sĩ; dân số - kế hoạch hoá gia đình; chuyển đổi cơ cấu kinh tế cây trồng, vật nuôi; xây dựng làng văn hoá, gia đình văn hoá. Phong trào văn nghệ quần chúng ở các địa phương trong tỉnh phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu là có sự tham gia tích cực từ những người có niềm say mê, yêu thích ca hát ngay cả khi hoạt động của các đội văn nghệ cơ sở gặp khó khăn. Ở nhiều địa phương, các lớp truyền dạy dân ca, dân nhạc, dân vũ miễn phí do các nghệ nhân văn hoá, văn nghệ dân gian được tổ chức thường xuyên đã thu hút đông đảo học viên tham gia. Từ các lớp truyền dạy, nhiều thành viên đã trở thành những hạt nhân truyền lửa nghệ thuật truyền thống. Trung tâm Văn hóa - Thể thao các huyện, thành phố thường xuyên phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức các cuộc liên hoan, hội diễn văn nghệ nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Từ các hội thi, hội diễn nhiều địa phương có những cách làm hay, hiệu quả tạo nguồn lực phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ cơ sở; tiêu biểu như các huyện: Hải Hậu, Giao Thuỷ, Xuân Trường, Nghĩa Hưng, Ý Yên, Vụ Bản… Toàn tỉnh hiện có 870 đội văn nghệ quần chúng, 60 câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ. Huyện Hải Hậu là địa phương có phong trào văn nghệ quần chúng phát triển mạnh, đa dạng các loại hình nghệ thuật như: hát chèo, chầu văn, kịch, ca múa nhạc đương đại...; trong đó xã Hải Minh là điểm sáng trong phong trào văn hoá, văn nghệ của huyện. Xã có 1 câu lạc bộ hát chèo, 1 câu lạc bộ hát quan họ; mỗi câu lạc bộ có từ 10-15 thành viên. Với hệ thống thiết chế nhà văn hoá xóm được đầu tư xây dựng đồng bộ ở cả 26 xóm, các câu lạc bộ văn nghệ của xã luôn duy trì hoạt động ổn định. Mặc dù còn nhiều khó khăn về kinh phí hoạt động nhưng bằng tình yêu, niềm đam mê nghệ thuật, thành viên trong các câu lạc bộ đã sáng tác, dàn dựng được nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc để tham gia các hội thi, hội diễn của huyện. Ở xã Hải Thanh, ngoài đội văn nghệ và câu lạc bộ thơ, ca người cao tuổi, cả 13 xóm của xã đều thành lập đội văn nghệ hoạt động theo phương thức xã hội hóa. Các câu lạc bộ văn nghệ ở xã Hải Thanh luôn duy trì hoạt động bởi có một thế hệ luôn quan tâm đến lớp hạt nhân văn nghệ kế cận như các ông: Nguyễn Văn Tơn dạy nhạc cụ dân tộc, Phạm Thanh Hoài dạy đàn, hát dân ca… Nhiều năm qua, trong Ngày hội Văn hoá - Thể thao huyện Hải Hậu tổ chức nhân dịp Quốc khánh (2-9), các hoạt động diễn ra đồng bộ từ công tác tuyên truyền đến các loại hình vui chơi giải trí, thi đấu các môn thể thao. Niềm vui ngày “Tết Độc lập” còn được nhân lên khi có sự tham gia của các tiết mục văn nghệ đặc sắc cùng các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc như: đi cà kheo, múa lân, sư, rồng, trống cà rùng, kèn đồng... Huyện Ý Yên hiện có 4 câu lạc bộ văn nghệ hoạt động dưới sự quản lý của Trung tâm Văn hoá - Thể thao huyện gồm: Câu lạc bộ dân ca Thị trấn Lâm, Câu lạc bộ chèo các xã: Yên Phong, Yên Xá, Yên Ninh và trên 20 tổ, đội, câu lạc bộ văn nghệ quần chúng ở 32 xã, thị trấn. Vào Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân (18-11) hàng năm, các địa phương trong huyện đều tổ chức giao lưu văn hoá, văn nghệ giữa các thôn, xóm, tổ dân phố, thu hút hàng trăm lượt diễn viên, nhạc công không chuyên tham gia. Ở xã Yên Phong, nhiều đội chèo gia đình có các thế hệ từng là nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công của Nhà hát Chèo Nam Định và có nhiều đóng góp trong phong trào văn nghệ quần chúng ở địa phương. Ở các huyện Giao Thuỷ, Xuân Trường, Vụ Bản, Mỹ Lộc, trong các kỳ hội diễn văn nghệ, các địa phương đặc biệt khuyến khích các tiết mục dân ca, nhạc cổ truyền mang đặc trưng của mỗi vùng miền. Các đội văn nghệ làng xã, đặc biệt là các làng chèo truyền thống từng bước được khôi phục. Các tiết mục tham dự đều do các nghệ sĩ đồng quê “tự biên, tự diễn”, sâu sắc về nội dung, độc đáo về nghệ thuật. Nhiều xã có thế mạnh về nghệ thuật chèo, ca trù như: Giao Tân, Giao Thịnh, Giao Thanh, Giao Phong (Giao Thuỷ), Mỹ Hà, Mỹ Thịnh, Mỹ Hưng, Thị trấn Mỹ Lộc (Mỹ Lộc), Xuân Kiên, Xuân Ninh (Xuân Trường), Kim Thái, Hợp Hưng, Cộng Hoà (Vụ Bản) với nhiều “hạt nhân” văn nghệ có khả năng tập hợp, tổ chức, sáng tác và biểu diễn. Ở huyện Xuân Trường, hội diễn nghệ thuật quần chúng hàng năm có sự tham gia của 26 đội văn nghệ ở các cơ quan, đơn vị, trường học, xã, thị trấn. Nhiều đơn vị mạnh về văn nghệ dân gian ở các xã Xuân Ninh, Xuân Tân, Xuân Hồng, Xuân Kiên, các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở… đã mang đến hội diễn nhiều làn điệu dân ca mang âm hưởng quê hương: “Trầu cau quan họ”, “Non nước hữu tình”, “Hoa sen dâng Bác”, “Nam Định quê tôi”. Ở huyện Vụ Bản, hội diễn văn nghệ quần chúng luôn có sự “góp mặt” của 18 đội văn nghệ của các xã, thị trấn trên địa bàn huyện với 30-40 tiết mục chèo, chầu văn đặc sắc. Các tiết mục tập trung vào chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu, ca ngợi quê hương, đất nước. Tiêu biểu như các tiết mục múa hầu đồng “Cô đôi Thượng Ngàn”, “Cô bé Đông Cuông”, hát văn “Quê hương Vụ Bản”, múa “Nông thôn ngày mới”… Đặc biệt, tại hội diễn, các đội văn nghệ quần chúng đều có lực lượng diễn viên, nhạc công trẻ tuổi là lực lượng kế cận cho phong trào văn nghệ quần chúng ở địa phương.

Phong trào văn nghệ quần chúng ở tỉnh ta ngày càng phát triển đã tạo khí thế hăng say trong lao động sản xuất và đời sống của các tầng lớp nhân dân, góp phần đẩy mạnh công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Đến nay, toàn tỉnh có 82,5% gia đình văn hóa; 83% làng (thôn, xóm, tổ dân phố) văn hoá; 10 nhà văn hoá cấp huyện, 3.005/3.634 làng (thôn, xóm, tổ dân phố) có nhà văn hoá; 100% xã, phường, thị trấn có nhà văn hoá trung tâm, góp phần nâng cao văn hoá tinh thần của nhân dân thông qua hoạt động của các tổ, tốp, đội, câu lạc bộ văn nghệ... Để phát huy vai trò của phong trào văn nghệ quần chúng trong công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của người dân, các cấp uỷ Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở cần quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho các câu lạc bộ, tổ, đội văn nghệ quần chúng hoạt động hiệu quả; từ việc hỗ trợ đạo cụ, loa đài, trang phục tới việc đầu tư nghiên cứu, xây dựng các tiết mục nghệ thuật có nội dung phong phú, đạt chất lượng cao. Trung tâm Văn hóa - Thể thao các huyện, thành phố tăng cường đổi mới tổ chức các hoạt động tại chỗ để thu hút nhân dân tham gia. Đẩy mạnh xã hội hóa, đầu tư nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa nghệ thuật; phối hợp với các đơn vị tổ chức sự kiện để tổ chức những hoạt động văn hóa nghệ thuật có chất lượng. Khuyến khích nhân dân tham gia sáng tạo, bảo tồn, truyền dạy và phát huy các giá trị văn hoá, văn nghệ truyền thống của địa phương. Tổ chức các lớp bồi dưỡng năng khiếu nghệ thuật cho cán bộ văn hoá cơ sở; đồng thời xây dựng, đào tạo đội ngũ văn nghệ sĩ trẻ có chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển xã hội và thị hiếu ngày càng cao của nhân dân./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng
 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com