Trực Ninh xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh

06:02, 02/02/2018

Thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 9-6-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIX) về xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, Huyện ủy Trực Ninh đã tổ chức quán triệt, cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết đến các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động từ đó nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Bơi chải tại lễ hội Chùa Cổ Lễ, Thị trấn Cổ Lễ.
Bơi chải tại lễ hội Chùa Cổ Lễ, Thị trấn Cổ Lễ.

Các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã tập trung chỉ đạo, thực hiện những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Nghị quyết số 07-NQ/TU gồm: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền trong việc xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh. Tiếp tục xây dựng và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hoá. Bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hoá. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về văn hoá. Huy động nguồn lực, đẩy mạnh công tác xã hội hoá các hoạt động văn hoá. Sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU, huyện đã đạt được những kết quả bước đầu. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được đẩy mạnh gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã tạo môi trường văn hóa lành mạnh, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, ngăn chặn các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình được đẩy mạnh với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Đến nay, có trên 90% hộ gia đình cam kết thực hiện; 90% nam, nữ thanh niên trước khi kết hôn được trang bị kiến thức cơ bản về gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình. Tỷ lệ hộ dân đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa chiếm 84%. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội có nhiều chuyển biến tích cực; nhiều tập quán lạc hậu, cưới hỏi, ma chay tốn kém được loại bỏ. Toàn huyện hiện có 345/391 thôn, xóm, tổ dân phố được công nhận là đơn vị đạt chuẩn văn hóa, đạt tỷ lệ 88,2%. Phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị, trường học văn hóa được triển khai sâu rộng đã củng cố kỷ cương, nền nếp nơi công sở, nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật công tác, xây dựng môi trường văn hóa nơi làm việc. Hằng năm, các cơ quan, đoàn thể, đơn vị, phát động các phong trào: “Thi đua sản xuất kinh doanh giỏi”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo”, “Thi đua yêu nước”, cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”... Đến nay, toàn huyện có 46/46 cơ quan, 21/21 trạm y tế, 90/92 trường học đạt chuẩn văn hóa.

Trong công tác huy động các nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất văn hóa, Ban chỉ đạo xây dựng NTM huyện đã hướng dẫn các xã, thị trấn tham quan, học tập kinh nghiệm, vận dụng các mô hình “Văn hóa - NTM”. Ủy ban MTTQ và các tổ chức đoàn thể trong huyện tích cực tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên làm tốt chức năng giám sát cộng đồng, thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” gắn với xây dựng NTM. Các xã, thị trấn đều phát động phong trào thi đua xây dựng NTM giữa các thôn, xóm; phát huy vai trò lãnh đạo của chi bộ, thôn, xóm, các đoàn thể, sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên, các chức sắc tôn giáo, dòng họ trong công tác vận động nhân dân hiến đất, giải phóng mặt bằng, góp công sức, kinh phí xây dựng, cải tạo NVH, xây dựng thôn xóm sạch đẹp, văn minh... Đến nay, toàn huyện có 19/19 NVH xã và 2 NVH thị trấn, 391/391 NVH thôn, xóm. Với hệ thống NVH đồng bộ cùng việc đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, phong trào văn nghệ, TDTT trên địa bàn huyện phát triển mạnh. Số người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên của huyện đạt 47%, tăng 5% so với năm 2016; số gia đình thể thao đạt tỷ lệ 30% so với tổng số hộ, tăng 5% so với năm 2016. Trên địa bàn huyện hiện có hàng chục tổ, tốp, CLB, đội văn nghệ ở 21 xã, thị trấn; mỗi tổ, đội có từ 15 đến 30 thành viên. Các thành viên trong các CLB, đội văn nghệ, đều tự nguyện đóng góp kinh phí xây dựng, luyện tập, tổ chức nhiều buổi biểu diễn phục vụ nhân dân.

Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa được cấp ủy Đảng, chính quyền trong huyện quan tâm. Trên địa bàn huyện có 35 di tích lịch sử - văn hóa được Nhà nước xếp hạng, trong đó có 7 di tích cấp quốc gia, 28 di tích cấp tỉnh; tiêu biểu như: Chùa Cổ Lễ (Thị trấn Cổ Lễ), Đền - Chùa Cự Trữ, Đền - Chùa Cổ Chất (xã Phương Định), Ba đồn binh thời Trần (xã Trung Đông), Chùa Ninh Cường (xã Trực Cường)... Nhiều di tích có nguy cơ xuống cấp đã được bảo tồn, tôn tạo đúng nguyên trạng, phát huy giá trị giáo dục lịch sử - văn hóa truyền thống, đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhân dân. Phòng VH-TT huyện phối hợp với Huyện Đoàn, Phòng GD và ĐT… triển khai các hoạt động bảo vệ, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa. Hằng tháng, các trường tiểu học và THCS ở các xã, thị trấn có di tích phân công học sinh dọn vệ sinh, trồng hoa, cây xanh tại các điểm di tích; tổ chức cho học sinh tham quan, tìm hiểu về di tích nhằm giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa và cách mạng của quê hương. Hằng năm, các xã, thị trấn đều kiện toàn ban quản lý di tích, lập kế hoạch bảo vệ và quản lý di tích, đồng thời đề ra các giải pháp thúc đẩy công tác xã hội hóa, khuyến khích các cá nhân, tổ chức doanh nghiệp đóng góp kinh phí để tu bổ di tích. Với các di tích là chùa, thực hiện phong trào “Ba an toàn” về ANTT, Ban đại diện Phật giáo huyện đã vận động tăng ni, tín đồ phật tử tăng cường đầu tư các thiết bị bảo vệ an toàn tài sản ở các chùa như: khóa chống trộm, lắp đặt máy báo động, camera... Ban quản lý di tích các địa phương thực hiện tốt công tác tổ chức và quản lý lễ hội, đảm bảo cảnh quan môi trường, an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm, từng bước khôi phục các hoạt động văn hóa, các trò chơi dân gian gắn lễ hội với việc giáo dục truyền thống của địa phương.

Để tiếp tục xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh theo tinh thần Nghị quyết số 07-NQ/TU của Tỉnh ủy, thời gian tới các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Trực Ninh đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các tiêu chí, tiêu chuẩn danh hiệu “Làng văn hóa”, “Gia đình văn hoá” trong các tầng lớp nhân dân. Đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, tăng cường cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động văn hóa, thể thao; phát triển phong trào văn nghệ quần chúng và hoạt động của các CLB văn nghệ thu hút sự tham gia của nhân dân. Các ngành, đoàn thể cụ thể hoá các nội dung phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao; biểu dương, khen thưởng kịp thời các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong quá trình thực hiện ở cơ sở./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com