Giao Thuỷ phát triển phong trào văn nghệ quần chúng

05:01, 19/01/2018

Những năm qua, phong trào văn nghệ quần chúng ở huyện Giao Thuỷ phát triển mạnh mẽ. Nhiều tốp, đội, CLB văn hoá, văn nghệ quần chúng ở các xã, thị trấn được thành lập và hoạt động hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.

Tiết mục biểu diễn của CLB văn nghệ xã Giao Long.
Tiết mục biểu diễn của CLB văn nghệ xã Giao Long.

Toàn huyện hiện có gần 40 CLB văn hoá, văn nghệ, 157 tốp, đội văn nghệ quần chúng sinh hoạt đa dạng nhiều thể loại như: thơ, hát chèo, chầu văn, hát ví, hát giao duyên, nhạc kèn, trống hội… Các tổ, đội, CLB văn hoá, văn nghệ đều xây dựng quy chế, nguồn quỹ hoạt động từ sự đóng góp của các thành viên và thu nhập từ những buổi biểu diễn để mua sắm trang phục, các thiết bị cần thiết để hoạt động, góp phần tuyên truyền thực hiện nhiệm vụ chính trị và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân. Nhiều địa phương có phong trào văn nghệ phát triển mạnh như: Giao Hà, Giao Thanh, Giao Thiện, Bình Hoà, Giao Hải, Giao Châu, Thị trấn Ngô Đồng… Là “vùng đất mới”, tuy không phải là “cái nôi” của nghệ thuật chèo nhưng hát chèo ở Giao Thủy đã trở thành nét văn hóa trong sinh hoạt cộng đồng của người dân các dịp hội hè, lễ, Tết. Trên địa bàn huyện có trên 20 đội, CLB chèo hoạt động sôi nổi. Nhiều CLB chèo ở các xã: Giao Tân, Giao Thịnh, Giao Lạc, Giao Thanh, Giao Phong, Giao Long... được hình thành từ cách đây trên 20 năm. CLB chèo Hương quê xã Giao Thanh thành lập năm 1976, trước đây có tên là Đội chèo sân đình đã dựng được nhiều vở chèo có nội dung sâu sắc với các “hạt nhân” văn nghệ nòng cốt được nhiều người biết đến như: Ngọc Thạch, Lệ Thanh, Minh Lý, Hồng Năm, Thu Huyền… Hiện nay, CLB có hơn 10 thành viên. Vượt ra khỏi cổng làng, CLB chèo Hương quê đã đi lưu diễn ở các tỉnh: Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nam... Ngoài những tích chèo cổ “Quan Âm Thị Kính”, “Thị Màu lên chùa”, “Trương Viên”, “Tấm Cám”, “Gieo gió gặt bão”, “Quai đê lấn biển”…, CLB còn dàn dựng biểu diễn những vở chèo ngắn như: “Vùng tôm”, “Đứa con trai”, “Hoa của mẹ”, “Chú chăn trâu và ông lão đi cày”. Hằng năm, CLB chèo Hương quê thường xuyên tham gia các hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng của huyện, tỉnh và giành  nhiều giải cao. CLB văn nghệ xã Giao Long thành lập năm 1997 có 24 thành viên chủ yếu là hội viên phụ nữ, Đoàn Thanh niên, giáo viên và học sinh các trường tiểu học, THCS xã. Với thế mạnh có nhiều thành viên biết hát dân ca, CLB đã dàn dựng được nhiều tiết mục biểu diễn đa dạng. Một số làn điệu chèo truyền thống như: Luyện năm cung, Sa lệch chênh, Tò vò, Đào liễu, Nhện giăng mùng… được CLB soạn lời mới, mang hơi thở và nhịp sống đương đại. Tại các làng quê như: Hoành Nhị (Giao Hà), Kiên Hành (Giao Hải), Duyên Thọ (Giao Nhân) nghệ thuật chèo cũng đã thấm sâu vào đời sống sinh hoạt của người dân. Mỗi CLB chèo có từ 10-20 thành viên, tự đảm nhận các công việc từ hoà âm, phối khí, sáng tác, đạo diễn, diễn viên... Ngoài ra, các CLB biểu diễn được nhiều tiết mục ca múa nhạc với các ca khúc cách mạng, hát văn… Vào mỗi dịp hội làng, người dân lại nô nức rủ nhau đi xem diễn chèo. Ở các xã Giao Nhân, Giao Hà, Hồng Thuận, Bình Hoà, các diễn viên cao tuổi đã mở lớp dạy hát chèo cho con em trên địa bàn và các vùng lân cận. Bên cạnh đó, hoạt động của các CLB chèo còn lồng ghép với hoạt động của CLB phụ nữ không sinh con thứ 3; CLB gia đình hạnh phúc; CLB tiền hôn nhân; CLB văn hoá nghệ thuật. Với các tiểu phẩm ngắn gọn, các CLB chèo ở Giao Thuỷ đã thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong các tầng lớp nhân dân, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Ở các miền quê ven biển của huyện còn phát triển mạnh loại hình nghệ thuật nhạc kèn và trống hội. Trên địa bàn huyện hiện có gần 30 đội nhạc kèn và trên 10 đội trống. Nhiều đội kèn xứ, họ đạo phát triển cả về số lượng và chất lượng; tiêu biểu như đội kèn đồng nữ Sa Châu (xã Giao Châu), đội kèn đồng Lạc Nội (xã Hồng Thuận)… Vào dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước hoặc những kỳ lễ hội tại các di tích, nhà thờ Công giáo không thể thiếu âm thanh nhạc kèn cùng tiếng trống hội. Nếu như trước đây nhạc kèn chủ yếu phục vụ các nghi lễ của đồng bào theo đạo Thiên Chúa, thì nay đã mở rộng phạm vi biểu diễn phục vụ các sự kiện chính trị và tham gia vào các hoạt động, sinh hoạt âm nhạc xã hội. Các đội kèn đã tập trung dàn dựng, biểu diễn những bản nhạc ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi quê hương đất nước. Nhiều bản nhạc: “Quốc ca”, “Xuân chiến thắng”, “Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh”, “Lên đàng”, “Hát mãi khúc quân hành”, “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, “Bác đang cùng chúng cháu hành quân”… được công chúng đánh giá cao, góp phần củng cố tinh thần đoàn kết lương - giáo, khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc. Xã Giao Yến có 1 đội trống nam và 1 đội trống nữ chuyên biểu diễn phục vụ lễ hội đình làng Thanh Khiết và đình làng Đan Phượng. Những buổi biểu diễn của đội trống nam, nữ nơi đây ngoài âm sắc hay mà còn có cả vũ đạo hấp dẫn thu hút người xem với các bài trống cổ truyền: Trống tiến rượu, trống tế, trống rước… Xã Giao Thiện 1 hội trống nữ, gồm 35 người do Đại đức Thích Thanh Tòng, trụ trì chùa An Lạc quy tụ những người đam mê tiếng trống và vận động những nhà hảo tâm, tín đồ phật tử và con em xa quê hỗ trợ kinh phí. Hằng năm, hội trống nữ xã Giao Thiện biểu diễn phục vụ lễ hội truyền thống Chùa An Lạc vào ngày 20 tháng Giêng; các ngày lễ Yến Lão (mồng 4 Tết), Phật Đản (15-7 âm lịch), Vu Lan (14-4 âm lịch) tại các di tích: Chùa Phúc Hải (xã Giao An), Chùa Thanh Quang (xã Giao Thanh), Chùa Nam Thái (xã Giao Hương) và nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, sự kiện chính trị, xã hội của địa phương. Vừa qua tại Hội thi nghệ thuật quần chúng toàn tỉnh năm 2017, Đoàn nghệ thuật quần chúng huyện Giao Thủy đã xuất sắc giành HCV với tiết mục “Trống hội quê hương”.

Sự phát triển mạnh mẽ của phong trào văn nghệ quần chúng ở Giao Thuỷ đã góp phần nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hoá ở địa phương. Thực tế ở các địa phương có phong trào văn nghệ phát triển mạnh đều là những đơn vị tiêu biểu trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”. Ở đó chất lượng các phong trào xây dựng “Gia đình văn hoá - NTM”, “Xóm văn hoá - NTM” từng bước được nâng lên. Đến nay, toàn huyện có 85% số hộ đạt tiêu chuẩn “Gia đình văn hoá - NTM”; 231/332 khu dân cư đạt danh hiệu “Xóm văn hóa - NTM”; 80% khu dân cư thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, mừng thọ và lễ hội./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com