Các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ ở Nghĩa Hưng

06:01, 26/01/2018

Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Nghĩa Hưng luôn quan tâm chỉ đạo, đa dạng hóa hoạt động văn hóa, văn nghệ, góp phần bảo lưu những giá trị văn hóa truyền thống, làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân. Đến nay, các địa phương trong huyện đã duy trì và phát triển được nhiều CLB văn hóa, văn nghệ như: hát chèo, cải lương, cà kheo, múa rối, múa tứ linh, trống hội, kèn đồng…

Để chuẩn bị các tiết mục chào xuân mới Mậu Tuất 2018, các CLB văn nghệ trong huyện đang tích cực luyện tập, xây dựng chương trình biểu diễn để phục vụ nhân dân. Gần đây các CLB, tổ, đội văn hóa, văn nghệ trên địa bàn huyện đã đổi mới để hoạt động hiệu quả hơn. Nhiều CLB văn nghệ đã tích hợp một số loại hình nghệ thuật như thơ - ca - múa để thu hút các thành viên sinh hoạt; nhiều CLB chèo thành lập thêm tổ hát văn, múa trống hội; một số môn nghệ thuật dân gian như: múa rối, múa rồng không chỉ bó hẹp hoạt động ở địa phương mà năng động tìm đầu mối duy trì biểu diễn ổn định. Các loại hình nghệ thuật trước đây chuyên phục vụ việc lễ ở nhà thờ như: kèn đồng, trống cà rùng, múa hạc, trống trắc đã tích cực tham gia các hoạt động văn hóa - xã hội… CLB đàn, hát dân ca Thị trấn Rạng Đông là một trong những điểm sáng trong phong trào văn nghệ quần chúng của huyện. CLB thành lập năm 2007, với 25 thành viên, duy trì sinh hoạt vào tối thứ 7 và chủ nhật hằng tuần. Thời gian gần đây, CLB đã dàn dựng thành công 6 giá đồng gồm: Mẫu, Cô đôi Cam Đường, Quan lớn Tuần Tranh, Cậu Bé, Ông Hoàng Mười, Cô Bé. Để đa dạng hóa các loại hình biểu diễn, các thành viên CLB còn thành lập đội trống hội với 19 thành viên nữ tham gia. Được sự giúp đỡ về kinh phí của ông Vũ Ngọc Đức, người con quê hương đang sinh sống tại Hà Giang, đội trống đã có đầy đủ trang phục, đạo cụ biểu diễn. Trên sân khấu, những thành viên trong đội là những nghệ sĩ vừa đánh trống hay, vừa múa giỏi. Về với đời thường, họ lại tiếp tục công việc của người làm nghề nông. Tiếng trống hội được hòa quyện cùng những điệu múa uyển chuyển, nhịp nhàng của từng thành viên trong đội. Hiện nay, đội biểu diễn được nhiều bài trống như: “Trống khai hội”, “Trống múa lân”…, mỗi bài có thời lượng từ 4-8 phút. Từ khi thành lập đến nay, đội trống của CLB đã tham dự nhiều sự kiện văn hóa, tiêu biểu trong và ngoài tỉnh như: biểu diễn ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, các hội chợ cấp tỉnh...

Hội trống cà rùng xã Nghĩa Sơn biểu diễn tại ngày hội VH-TT huyện.
Hội trống cà rùng xã Nghĩa Sơn biểu diễn tại ngày hội VH-TT huyện.

CLB văn nghệ NCT xã Nam Điền được thành lập đầu năm 2017 với 22 thành viên. Trong CLB có tổ hát chèo, hát văn, tổ nhạc dân tộc, tổ thơ. Hiện tại, CLB đã dàn dựng được nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc, tiêu biểu như các bài múa - hát văn “Cô đôi Thượng Ngàn”, “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”, các trích đoạn chèo: “Lưu Bình - Dương Lễ”, “Phạm Công - Cúc Hoa”… Gần đây, CLB còn lồng ghép các nội dung tuyên truyền về xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, công tác Dân số - KHHGĐ, phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội… vào nội dung các trích đoạn, tiểu phẩm văn nghệ, thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân.

Xã Nghĩa Hải có 1 CLB đàn hát dân ca, 16 đội văn nghệ xóm, 4 đội văn nghệ ở các trường học. Truyền thống hát dân ca ở Nghĩa Hải có từ những năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Sau một thời gian trầm lắng, năm 1990, các cụ Trịnh Hồng Tiến, Vũ Thế Hùng đã đứng ra tập hợp những người yêu ca hát để lập CLB. Đến nay, CLB có 21 thành viên, trong đó có 4 nhạc công. Cùng với những diễn viên, nhạc công kỳ cựu như bà Lại Thị Oanh (64 tuổi), Trịnh Hồng Tiến (77 tuổi), CLB đã bồi dưỡng khả năng ca hát cho các thành viên trẻ như các chị: Trần Thị Ngát, Lại Thị Hương… CLB hoạt động theo phương thức xã hội hóa với sự hỗ trợ về kinh phí, tâm sức của các thành viên như ông Vũ Thế Hùng, Trần Văn Đệ, Lại Thị Oanh. Đến nay, cả trang phục và nhạc cụ mà CLB mua sắm có trị giá gần 20 triệu đồng. Vào các dịp lễ, tết, CLB thường xuyên được mời biểu diễn. Các trích đoạn chèo, làn điệu dân ca do ông Trần Văn Đệ sáng tác có nội dung ca ngợi quê hương Nghĩa Hải, làng quê thời kỳ đổi mới đã gây ấn tượng với người xem.

Múa rối nước Nghĩa Trung (nay là phường múa rối nước Nghĩa Hưng) từ lâu đã nổi tiếng trong cả nước với các tích trò cổ được gìn giữ qua các thế hệ nghệ nhân. Sau một thời gian trầm lắng, đến nay phường rối nước Nghĩa Hưng đã khẳng định được chỗ đứng trong lòng khán giả. Với những tích trò đặc sắc và sự tài hoa của các nghệ sĩ, phường rối nước Nghĩa Hưng được mời biểu diễn ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước và là một trong số ít phường rối dân gian được mời biểu diễn định kỳ tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Hiện nay, phường múa rối nước Nghĩa Hưng có 2 bể biểu diễn, 2 bộ con trò. Ngoài việc chọn lọc và tập theo các tích trò cổ, các nghệ nhân còn sáng tạo được một số trò mới liên quan đến đời sống đương đại. Hiện nay, phường rối nước Nghĩa Hưng đang dàn dựng tiết mục múa rối hát văn như “Quê em đẹp lắm mình ơi!” và biểu diễn múa rối “Trống cơm”… Để đáp ứng thị hiếu khán giả, thời gian qua, các thành viên trong phường ngoài biểu diễn múa rối nước còn luyện tập, dàn dựng cả những tiết mục múa rối cạn đặc sắc như: “Thạch Sanh chém trăn tinh”, “Chọi trâu”, “Múa lân, sư, rồng”… được khán giả đánh giá cao.

Nhiều loại hình nghệ thuật ở Nghĩa Hưng trước đây chỉ bó hẹp phục vụ việc lễ ở nhà thờ xứ đạo thì đến nay đã tích cực tham gia các hoạt động văn hóa xã hội. Tiêu biểu như hội kèn, trống cà rùng, trống trắc ở các thị trấn: Liễu Đề, Quỹ Nhất và các xã Nghĩa Sơn, Nghĩa Phong, Nghĩa Lạc, Nghĩa Hải... Thị trấn Liễu Đề có 2 hội kèn gồm: Hội kèn giáo xứ Đền Thánh Liễu Đề và hội kèn TDP Nam. Hội kèn giáo xứ Đền Thánh Liễu Đề với hơn 100 thành viên. Trong hội hiện có khoảng 10 loại nhạc cụ được sử dụng thường xuyên như kèn Cơ-la-ri-nét, Sắc-xô-phôn, Trum-pét, An-tô Ba-ri-ton và dàn trống… Nhiều ca khúc do hội kèn biểu diễn đã khơi dậy trong lòng người nghe những cảm xúc cách mạng, lòng biết ơn công lao của Đảng, của Bác Hồ kính yêu như “Chào mừng Đảng Cộng sản Việt Nam”, “Ca ngợi Hồ Chủ tịch”. Hội kèn giáo xứ Đền Thánh Liễu Đề hoạt động sôi nổi nhất vào dịp đầu xuân như ở các lễ mừng thọ, lễ hội ở các di tích trong và ngoài huyện. Xã Nghĩa Sơn có đông đồng bào Công giáo với 9 họ lẻ, tất cả đều có hội trống Cà Rùng, mỗi hội có từ 40-60 người tham gia, trong đó tiêu biểu như xứ Quần Liêu. Các hội trống, trắc đã tạo nên không khí rộn ràng, tạo niềm hứng khởi trong nhân dân, góp phần nâng cao sự đoàn kết trong xã hội, thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Các CLB văn hóa - nghệ thuật ở Nghĩa Hưng phát triển sâu rộng với nhiều hoạt động phong phú đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, thắt chặt tình làng nghĩa xóm, khích lệ các địa phương trong công cuộc xây dựng NTM./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com