Nét độc đáo của các lễ hội mùa xuân ở các vùng quê trong tỉnh là sự đa dạng, phong phú trong các hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân, thể hiện đạo lý tôn kính tổ tiên, tưởng nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc đã có công xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước cũng như những bậc tiền nhân đã truyền nghề, mang lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Đến với các lễ hội mùa xuân ở các địa phương trong tỉnh, đông đảo người dân và khách thập phương không chỉ tỏ đạo “uống nước nhớ nguồn” đến 14 vị vua triều Trần và Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, tưởng nhớ đến Mẫu Liễu Hạnh…, mà còn được tham quan các di tích lịch sử - văn hoá và cầu tài, lộc, may mắn. Trong đó có Khu di tích Đền Trần - Chùa Tháp được xếp hạng “Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia đặc biệt”; “Nghi lễ Chầu văn của người Việt ở Nam Định”, “Lễ hội Phủ Dầy”, “Lễ hội Đền Trần” được công nhận “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”… Nhiều lễ hội được tổ chức với quy mô lớn như Lễ Khai ấn Đền Trần (TP Nam Định), Lễ hội Phủ Dầy (Vụ Bản), Lễ hội chùa Lương (Hải Hậu), Lễ hội Hoa làng Vị Khê, Lễ hội chùa Đại Bi (Nam Trực), Lễ hội làng Ngọc Tiên (Xuân Trường)… Đặc biệt, lễ hội Chợ Viềng Xuân năm mở một phiên vào mùng Tám tháng Giêng tại Nam Giang (Nam Trực) và Kim Thái (Vụ Bản) với những sắc thái văn hoá độc đáo là “địa chỉ” du xuân của nhân dân vùng đất Nam Sơn Hạ, nay đã thu hút đông đảo nhân dân trong cả nước và du khách quốc tế. Ngoài đặc sản “Thịt bò thui”, thì phiên chợ Viềng Xuân ngày nay thực sự trở thành một ngày hội giao lưu của các sản phẩm hàng hoá. Bên cạnh những giá trị kinh tế, chợ Viềng Xuân là nét đẹp văn hoá đầy giá trị nhân văn về đời sống tinh thần, tâm linh của cư dân nông nghiệp. Lễ Khai ấn đầu Xuân tại Đền Trần ngày càng được tổ chức với quy mô lớn, số lượng du khách ngày càng đông. Lễ Khai ấn Đền Trần 2015, lễ rước nước và tế cá đã được phục dựng và đưa vào như là một thành phần quan trọng trong lễ hội tháng Giêng.
Đông đảo du khách về dự Chợ Viềng Xuân 2015. |
Lễ hội mùa xuân ở Nam Định đa dạng về phương thức tổ chức, trong đó có nhiều lễ hội gắn với di sản văn hóa làng tự bao đời nay. Du khách về với các lễ hội sẽ được thưởng thức nhiều loại hình nghệ thuật, dân ca, dân vũ mang tính độc đáo của quê hương Nam Định. Trong đó, nghệ thuật rối đầu gỗ và rối nước trở thành “báu vật” gắn với lễ hội làng chỉ có ở Nam Định. Trong lễ hội chùa Đại Bi, xã Nam Giang (Nam Trực) diễn ra trong 3 ngày (20, 21, 22 tháng Giêng hằng năm), thu hút đông đảo du khách, nhân dân trong và ngoài tỉnh hội tụ về lễ hội để tỏ lòng thành kính hướng tới Thiền sư Từ Đạo Hạnh, đồng thời được thưởng thức nghệ thuật hát rối đầu gỗ có niên đại trên 900 năm, do Thiền sư Từ Đạo Hạnh về chùa Đại Bi tu hành truyền dạy cho người dân. Đây là một nghi lễ thờ cúng với những lời hát múa ca ngợi triều đại thanh bình, thịnh trị, ca ngợi đời sống ấm no, yêu lao động. Tại lễ hội chùa Đại Bi hằng năm, các nghệ nhân trình diễn các trích đoạn giáo trò, hát dâng tràng, dâng và múa tiên, hát giáo về luân lý. “Nhân vật chính” của trò nghệ thuật hát rối đầu gỗ là sáu cái đầu tượng cùng cỡ làm bằng gỗ phủ sơn ta, vẽ mày, vẽ mặt rất đẹp gọi là “sáu ông Lộng”. Mỗi đầu tượng này làm bằng gỗ, hình đầu người rỗng, có cán cầm tay ở gáy tượng, dài khoảng 40cm. Trong sáu đầu tượng này thì chia ra hai đầu tượng “chúa Lộng”, hai pho này mặt đỏ, miệng rộng có râu ria (thôn Vân Tràng cầm múa). Tiếp theo là hai tượng “cóc vàng”, hai pho này sơn mặt màu hồng nhạt (thôn Giáp Tư cầm múa). Cuối cùng gọi là hai pho tượng “Tùy trắng”, hai pho này mặt sơn trắng, có đặc điểm là mũi rất to, miệng rất rộng (do người của thôn Giáp Tư cầm múa). Sáu đầu tượng nhỏ hơn làm bằng gỗ đặc, người cầm ở cổ tượng, dài khoảng 30cm. Gồm các pho: Hai pho tượng Tiên; một tượng gọi là tượng Chàng; một tượng Hậu (hoặc gọi là tượng Nàng Ruông); một tượng ông Mách (tựa như nhân vật dẫn chuyện) và cuối cùng là tượng ông Chớp. Những tượng này đội mũ hoặc vấn tóc theo lối cổ, chân dung cũng rất tươi tỉnh. Mỗi một loại tượng đều có bài múa và hát kèm theo (múa hát Dâng Chàng, Dâng Tiên...). Lễ hội truyền thống rối nước làng Bàn Thạch (còn gọi là làng Rạch), xã Hồng Quang (Nam Trực) cứ 5 năm mở hội một lần vào ngày 16 tháng Giêng âm lịch nhằm tưởng nhớ vị tổ nghề là Thành hoàng làng Linh ứng Đại vương - người sáng lập ra nghệ thuật múa rối nước. Khách phương xa, dù một lần đến thăm và dự lễ hội rối nước truyền thống làng Bàn Thạch, chứng kiến nét độc đáo trong phần lễ và những trò chơi dân gian đậm đà bản sắc dân tộc, đặc biệt là được “mục sở thị” các nghệ sĩ trong làng biểu diễn các tiết mục múa rối nước, tiếp xúc với nếp sống, nếp nghĩ của người dân nơi đây sẽ có được những cảm xúc, những ấn tượng riêng cho mình. Làng Bàn Thạch (hay là làng Rạch) được xếp vào 3 làng múa rối nước sớm nhất của miền Bắc cùng với Vĩnh Bảo (Hải Phòng), Nguyên Xá, Đông Hưng (Thái Bình). Loại hình nghệ thuật rối nước chính thức ra đời trở thành phường rối nước Nam Trấn được thành lập vào khoảng năm Cảnh Hưng thứ 16 (1755) do nghệ nhân Mai Văn Kha đứng ra tổ chức. Trong nghệ thuật múa rối nước, Bàn Thạch cũng là phường rối có nhiều tích trò với hơn 40 trò cổ. Các tích trò của phường rối nước Bàn Thạch phản ánh sinh động về cuộc sống, có nội dung sâu sắc, ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, cổ vũ truyền thống “uống nước, nhớ nguồn”, tương thân, tương ái mang ý nghĩa nhân văn, nhân đạo. Tiêu biểu như: Trần Hưng Đạo 3 lần đại thắng quân Nguyên Mông, cấy lúa, đấu vật, múa tứ linh, chọi châu, múa sư tử. Trước Cách mạng Tháng Tám, phường rối làng Rạch từng đi biểu diễn ở nhiều nơi với các tiết mục thiên về những điển tích Trung Quốc và các trò mang yếu tố tâm linh, như: Tiền Hán, Hậu Hán, Tây Du, Tây Bá đi săn, Hàn Tín điếu ngư, Vua Thuấn, rước kiệu, tế thần, và một số tiết mục giải trí như múa Tễu, hề chăm, hề lười, bật cờ, cáo leo cây bắt gà. Thế rồi, nghệ thuật rối nước Bàn Thạch đã vượt qua khỏi lũy tre làng, có mặt trên mọi miền đất nước và quốc tế, được nhân dân yêu thích, trân trọng, tạo nên một sản phẩm nghệ thuật truyền thống độc đáo của quê hương và dân tộc.
Trong các lễ hội, ngoài phần lễ, phần hội có nhiều hoạt động văn hóa, thể thao với các trò chơi dân gian đặc sắc mang đặc trưng từng vùng, miền như: lễ hội chùa Đại Bi (Nam Trực), lễ hội chùa Hải Anh (Hải Hậu), lễ hội đền Hạ Kỳ (Nghĩa Hưng), lễ hội làng An Nhân, làng Hồ Sen (Vụ Bản)... Các trò chơi như chọi gà, đua thuyền, đấu vật, cờ người, thổi cơm thi, kéo chữ… đã trở thành nét sinh hoạt văn hoá dân gian đậm đà bản sắc của từng địa phương, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, động viên nhân dân hăng say lao động sản xuất, học tập, đáp ứng nhu cầu giải trí văn hoá lành mạnh cho người dân ở các vùng nông thôn. Tiêu biểu là hội "Trư kiên bảo" (hội chọn lợn), "Kê kiên bảo" (hội chọn gà) và hội chọn cá trong các lễ hội làng Thượng Linh, Côi Sơn, Quả Linh (Vụ Bản), Hữu Dụng, Làng Mụa (Ý Yên) và một số lễ hội làng ở các huyện Nghĩa Hưng, Mỹ Lộc... Nguồn gốc của hội chọn vật gắn liền với tín ngưỡng phồn thực, với khát vọng mùa màng bội thu của nhân dân.
Trên nền tảng văn hóa tâm linh, lễ hội mùa xuân ở Nam Định được tổ chức và quản lý theo Luật Di sản văn hóa trong những năm qua đã đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần cho nhân dân, là nơi hội tụ những giá trị văn hóa truyền thống cao đẹp. Nếp sống văn hoá và truyền thống văn hiến của đất và người Nam Định được kết tinh từ sự nâng niu, trân trọng của mỗi cá nhân đối với từng giá trị nhỏ bé, giản đơn trong cuộc sống do chính bàn tay, công sức của cha ông gây dựng bền vững; coi trọng và phát huy văn hoá truyền thống, có kế thừa và tiếp thu có chọn lọc những nét tinh hoa văn hoá để sáng tạo nên những nét văn hoá mới trong thời kỳ phát triển và hội nhập./.
Bài và ảnh: Việt Thắng