Quyết liệt thực hiện các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông

07:06, 23/06/2022

Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh, những tháng đầu năm 2022, khi dịch COVID-19 được kiểm soát, hoạt động giao thông vận tải (GTVT) dần trở lại trạng thái bình thường mới như thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh, lưu lượng phương tiện và mật độ giao thông gia tăng nhưng tình hình trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh vẫn đảm bảo, có những chuyển biến tích cực. Thống kê của Ban ATGT tỉnh cho thấy, đến tháng 5-2022, toàn tỉnh xảy ra 30 vụ tai nạn giao thông, giảm 3 vụ (tương đương 9,1%) so với cùng kỳ; không xảy ra các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trên cả 3 lĩnh vực đường bộ, đường sắt và đường thuỷ. Số người chết do tai nạn giao thông là 15 người nhưng số người bị thương là 17 người, giảm sâu so với cùng kỳ (giảm 8 người, tương đương tỷ lệ 32%). Để có được kết quả trên, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Uỷ ban ATGT quốc gia, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban ATGT tỉnh quyết liệt, tích cực triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông. Ngay từ đầu năm, Ban ATGT tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 21/KH-UBND ngày 21-2-2022 đề ra 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm của Năm ATGT 2022 với chủ đề “Xây dựng văn hóa giao thông an toàn gắn với kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” với mục đích nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật và xây dựng văn hóa giao thông an toàn; giảm tai nạn giao thông từ 5-10% về số vụ, số người chết và số người bị thương; không để xảy ra ùn tắc giao thông trên địa bàn khi kiểm soát dịch bệnh; không để lây nhiễm, bùng phát dịch bệnh trong hoạt động GTVT. Công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự ATGT được các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động triển khai đa dạng bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật về trật tự ATGT của người dân. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật về trật tự ATGT của người dân. Các lực lượng chức năng (Công an, Thanh tra Giao thông) đã tích cực phối hợp với UBND các huyện, thành phố Nam Định đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát; mở các đợt cao điểm xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trật tự ATGT nhằm tăng tính răn đe. Nhờ đó, những tháng đầu năm 2022, tình hình đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. 

Lực lượng Thanh tra Giao thông (Sở GTVT) kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về vận tải hành khách bằng ô tô trên địa bàn huyện Giao Thuỷ.
Lực lượng Thanh tra Giao thông (Sở GTVT) kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về vận tải hành khách bằng ô tô trên địa bàn huyện Giao Thuỷ.

Thực hiện Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 4-5-2022 của Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự ATGT và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025, ngày 26-5 UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 72/KH-UBND thực hiện Nghị quyết của Chính phủ. Mục tiêu là thực hiện toàn diện, đồng bộ, thường xuyên, liên tục các chủ trương, giải pháp nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ đối với công tác đảm bảo trật tự ATGT; phấn đấu giảm số thương vong do tai nạn giao thông mỗi năm từ 5-10%, hướng tới năm 2030 giảm ít nhất 50% số người chết và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ so với năm 2020. UBND tỉnh chủ trương tập trung thực hiện quyết liệt 7 nhóm giải pháp trọng tâm. Trong đó, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành, địa phương nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, trước hết là tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kết luận số 45-KL/TW ngày 1-2-2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông; kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Ban ATGT tỉnh, Ban ATGT các huyện, thành phố Nam Định đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Cụ thể hóa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về trật tự ATGT của Trung ương đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, áp dụng kịp thời, hiệu quả các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào công tác đảm bảo trật tự ATGT; lồng ghép mục tiêu nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT vào các quy hoạch tỉnh, quy hoạch sử dụng đất, xây dựng đô thị, nông thôn và các quy hoạch về GTVT; quản lý chặt chẽ quá trình thực hiện quy hoạch, bảo đảm việc xây dựng mới hoặc chỉnh trang các khu công nghiệp, đô thị, các trung tâm thương mại, trường học, bệnh viện... phù hợp với năng lực kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải công cộng. Bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm; tổ chức giao thông khoa học, hợp lý; bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông gắn với rà soát, xử lý dứt điểm các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông; xóa bỏ lối đi tự mở trái phép qua đường sắt; ngăn ngừa, xử lý hoạt động lấn chiếm hành lang an toàn đường thủy nội địa. Tập trung khôi phục hoạt động vận tải sau thời gian dài bị ảnh hưởng dịch COVID-19, đồng thời nâng cao thị phần vận tải đường sắt. Đẩy mạnh phát triển vận tải đường thủy nội địa tương xứng với tiềm năng của tỉnh, giảm dần phụ thuộc vào đường bộ; nâng cao chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện GTVT; khuyến khích đầu tư, phát triển hệ thống vận tải công cộng trong đô thị và liên tỉnh…

Để thực hiện và hoàn thành các mục tiêu kế hoạch đã đề ra, UBND tỉnh giao Ban ATGT tỉnh phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan trong công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT, chống ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường nhằm vận động toàn dân xây dựng văn hóa tham gia giao thông an toàn và thân thiện môi trường. Sở GTVT tập trung rà soát tham mưu cho UBND tỉnh hoàn chỉnh quy hoạch phát triển GTVT, huy động hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông theo quy hoạch đã phê duyệt, trong đó nghiên cứu triển khai các giải pháp về ATGT, chống ùn tắc giao thông ngay từ khi tổ chức thực hiện các quy hoạch; ưu tiên đầu tư các công trình hạ tầng kết nối và khu dịch vụ hậu cần của các cảng thủy nội địa trọng điểm, bảo đảm hiệu quả kết nối giữa các phương thức vận tải nhằm tái cơ cấu thị phần các lĩnh vực vận tải và thúc đẩy phát triển logistics; phát triển mạng lưới giao thông tĩnh (bến, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận, các đầu mối giao thông công cộng...) theo quy hoạch, trong đó đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng, tổ chức giao thông gắn với đẩy mạnh công tác duy tu, bảo trì; tập trung xóa bỏ kịp thời các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm trật tự ATGT, gồm: thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trên tuyến… Công an tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng và tuyên truyền về việc xây dựng dự án Luật Trật tự ATGT đường bộ theo ý kiến của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ; nghiên cứu, chủ động đề xuất đa dạng hóa phương thức tuyên truyền về hoạt động bảo đảm trật tự ATGT của lực lượng Công an nhân dân trên mạng xã hội để theo kịp với xu hướng phát triển hiện nay, kịp thời tuyên truyền, định hướng dư luận; huy động tối đa lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về trật tự ATGT, tập trung xử lý các hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn giao thông./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com