Cảnh báo lừa đảo tuyển dụng làm việc trực tuyến

05:05, 13/05/2022

Sự phát triển của thương mại điện tử trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng đang mở ra cơ hội “vàng” cho các nhà kinh doanh cá nhân. Lợi thế, tiềm năng của loại hình thương mại này đã và đang được phổ biến rộng rãi trong cuộc sống. Tuy nhiên, đây là môi trường có tính cạnh tranh cao, không phải ai cũng có thể tham gia. Đã xuất hiện một thủ đoạn lừa đảo mới núp bóng “Tuyển dụng làm việc online tại nhà”.

Người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin trước khi tham gia làm cộng tác viên bán hàng trực tuyến để tránh bị lừa đảo. Ảnh: Đỗ Tâm

Người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin trước khi tham gia làm cộng tác viên bán hàng trực tuyến để tránh bị lừa đảo.

Ảnh: Đỗ Tâm

Chị Phạm Thị Thu, lao động tự do tại chợ Rồng (thành phố Nam Định) cho biết: Thông qua mạng xã hội Facebook, tôi biết đến công việc làm cộng tác viên cho Shopee, trang thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam từ tài khoản “Thu Thảo” đăng trong nhóm “Việc làm online”. Theo tài khoản này đăng tải hãng này có số lượng đơn hàng lớn, là môi trường lý tưởng để tham gia kinh doanh bán hàng. Với người không có kinh nghiệm, không có vốn thì có thể tham gia dưới hình thức cộng tác viên để kiếm tiền, cách thức đơn giản, không phải ôm hàng, không cần kinh nghiệm, làm việc tại nhà… Khi chị Thu đăng ký tham gia làm cộng tác viên, do không phải đóng tiền cọc nên chị càng thêm tin tưởng. Công việc của chị theo hướng dẫn khi tuyển là đặt hàng được chỉ định trên Shopee nhưng không nhận hàng mà chỉ tiến hành chuyển tiền theo giá trị của sản phẩm vào một số tài khoản có sẵn. Sau 5-10 phút, chị sẽ được nhận lại số tiền đã chuyển đó cộng thêm 10% giá trị sản phẩm. Làm được khoảng 1 tuần, mọi việc khá trôi chảy, có vẻ dễ dàng có thu nhập, giá trị sản phẩm được chỉ định mua tăng dần theo thời gian. Đến khi sản phẩm được chỉ định là một chiếc tivi có giá lên tới 32 triệu đồng thì sau khi chuyển khoản như bình thường, chị không nhận lại được tiền và cũng không liên hệ được với tài khoản “Thu Thảo”.

Đã có rất nhiều người là nạn nhân của thủ đoạn lừa đảo này. Đánh vào tâm lý nhiều người quen với cách làm việc tại nhà do dịch bệnh COVID-19, muốn kiếm thêm thu nhập..., những kẻ lừa đảo giấu mặt ra tay. Những kẻ lừa đảo thường nhắm đến các bà mẹ bỉm sữa, nữ công nhân nhẹ dạ, sinh viên muốn làm thêm.., nên liên tục chạy quảng cáo trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Google với những nội dung tuyển cộng tác viên, làm việc tại nhà, kiếm tiền nhanh chóng, không cọc, không vốn, không ôm hàng… Chỉ cần có thời gian rảnh 2-3 tiếng/ngày, có điện thoại thông minh/máy tính và tài khoản ngân hàng… Sau khi có người đăng ký, thủ đoạn của chúng là chỉ định người đó mua sản phẩm nhưng không nhận hàng, mà chỉ chuyển khoản vừa nhằm làm tăng số lượng đơn hàng ảo, phục vụ mục đích chạy quảng cáo (số lượng bán ra, top bán chạy) vừa bẫy nạn nhân tin tưởng, mất cảnh giác với yếu tố ảo của “tài khoản” tuyển việc. Khi nạn nhân chuyển số tiền lớn thì chúng thực hiện hành vi chiếm đoạt và “biến mất” khỏi sự truy tìm của cộng tác viên. Với việc một lần đặt mua và chuyển khoản thành công sẽ được 10-20% tiền hoa hồng nên sau nhiều lần thành công với số tiền nhỏ, nhiều người không ngần ngại bỏ ra số tiền lớn để thực hiện công việc. Khi nạn nhân đã “cắn câu” chuyển số tiền đến vài chục triệu thì những kẻ lừa đảo không chuyển khoản ngược lại nữa. Thậm chí, chúng còn đưa ra nhiều lý do khác nhau để nạn nhân tiếp tục “say mồi” như: Nhiệm vụ hoàn thành được 95/100 điểm tín nhiệm, cần tiếp tục chuyển tiền để hoàn thành 100 điểm… nên nhiều người tiếp tục chuyển tiền và bị lừa số tiền đến vài trăm triệu đồng. Chính vì vậy, rất nhiều người đã trở thành nạn nhân của thủ đoạn này. Người dân cũng ngại trình báo với công an do tài khoản lừa đảo là tài khoản ảo, khó lòng xác minh nên các hình thức lừa đảo này vẫn ngang nhiên công khai trên các trang mạng xã hội Zalo, Facebook…

Ngoài ra, trên mạng xã hội còn có quảng cáo tuyển dụng rất đơn giản, đó là chỉ cần ngồi xem các video, đọc tin tức thì tiền sẽ tự động vào tài khoản. Chiêu lừa đảo này xuất hiện đánh vào tâm lý của nhiều người tìm đến những kênh giải trí trên mạng xã hội, đặc biệt là YouTube, TikTok... Dựa trên nhu cầu có thật về việc tăng lượt xem (view), lượt theo dõi (follow) các video nhằm mục đích quảng cáo hoặc tăng độ đánh giá (rating) của kênh, một số đối tượng đã nhân cơ hội này để thực hiện các phi vụ lừa đảo. Kẻ lừa đảo sẽ chọn những người có thời gian rảnh, có mong muốn kiếm thêm thu nhập để lừa đảo chiếm đoạt thời gian, tiền bạc. Công việc của “nạn nhân” khá đơn giản, đó là chỉ cần ngồi một chỗ, xem video, đọc tin tức trên mạng là “sẽ có tiền”. Kẻ lừa đảo cam kết cứ xem 10 giây thì được 50 đồng. Mỗi ngày người làm công việc này được cung cấp hàng trăm video để gia tăng thu nhập. Tuy nhiên, để làm loại công việc này, người được tuyển dụng phải đóng vài trăm nghìn đồng gọi là phí kích hoạt tài khoản. Thấy khoản phí này cũng không đáng là bao so với những lời hứa hẹn kiếm tiền triệu mỗi ngày từ việc xem video, nhiều người đã sập bẫy. Theo phản ánh của nhiều nạn nhân, sau thời gian tích cực “cày view”, họ liên hệ với đầu mối thuê để nhận tiền nhưng chẳng ai nhận được đồng nào, “sàn” giao dịch việc làm ảo này cũng âm thầm đóng cửa hoặc chuyển qua một website khác để tìm “nạn nhân” mới.

Do đó, theo khuyến cáo của cơ quan chức năng liên quan, người dân cần nâng cao cảnh giác, tránh mắc bẫy của các đối tượng lừa đảo. Không có chuyện “việc nhẹ, lương cao”, làm việc tại nhà, ngày làm 2-3 tiếng, chỉ cần đặt mua sản phẩm (nhưng không nhận hàng) đã có thể hưởng hoa hồng 10-20%, ngày kiếm 300 nghìn  đến 1 triệu đồng. Khi phát hiện hoặc nghi ngờ có trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an để xác minh, ngăn chặn và xử lý theo quy định. Người tìm việc nên đến những địa chỉ giới thiệu việc làm tin cậy. Người lao động nên đến các trung tâm dịch vụ việc làm thuộc các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh để kiểm tra thông tin về doanh nghiệp tuyển dụng, mức lương, điều kiện… trước khi ứng tuyển. Tại trung tâm dịch vụ việc làm cũng không thu bất kỳ khoản phí dịch vụ nào. Bên cạnh đó, người dân còn được tư vấn và giới thiệu việc làm phù hợp với nhu cầu, năng lực và thu nhập của bản thân. Cùng với việc đề cao cảnh giác, thông tin cảnh báo, người dân mong muốn các cơ quan chức năng sớm vào cuộc xử lý những đối tượng sử dụng thủ đoạn tuyển dụng để lừa đảo giúp không có thêm những người bị mất tiền oan, làm minh bạch thị trường lao động và phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19./.

Đức Toàn


 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com