Tăng cường phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm

07:03, 17/03/2016
Nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh bảo vệ đàn gia súc, gia cầm tạo điều kiện để chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững, cung cấp sản phẩm đảm bảo VSATTP cho tiêu dùng, bảo vệ môi trường được UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành chủ động triển khai bằng nhiều biện pháp đồng bộ và toàn diện ngay từ những tháng đầu năm 2016.
 
Các cấp, các ngành chức năng đã tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức như đưa tin, bài, phóng sự trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống loa truyền thanh xã về: kỹ thuật chăn nuôi; quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP); quy trình phòng bệnh tổng hợp; cơ chế chính sách hỗ trợ của Nhà nước… để người dân nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác phòng, chống dịch bệnh, từ đó tự giác thực hiện. Sở NN và PTNT phối hợp với các địa phương tổ chức các hội nghị, hội thảo, tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người chăn nuôi; người sản xuất, kinh doanh con giống, kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi về các biện pháp phòng, chống dịch và tác hại của việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Thường xuyên tổ chức tập huấn bồi dưỡng kiến thức chuyên môn về giám sát phát hiện và xử lý ổ dịch cho lực lượng thú y cơ sở, Ban nông nghiệp xã, cán bộ thôn, xóm, các tổ chức đoàn thể... Để thực hiện tốt công tác giám sát phát hiện, xử lý dịch, UBND các xã, thị trấn đã giao trưởng thôn, xóm chịu trách nhiệm thống kê tổng đàn, giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm đến tận các hộ chăn nuôi, thực hiện báo cáo ngay khi phát hiện dịch; quản lý chặt chẽ người hành nghề thú y trên địa bàn, tạo điều kiện và khuyến khích họ tích cực tham gia giám sát, phát hiện, báo cáo khi có dịch xảy ra, tham gia tiêm phòng vắc-xin cho đàn vật nuôi. Chi cục Thú y tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh, lấy mẫu huyết thanh, mẫu bệnh phẩm ở những khu vực nguy cơ cao để xét nghiệm cảnh báo sớm tình hình dịch bệnh. Trong 2 ngày 23 và 24-2-2016, Chi cục Thú y đã lấy 200 mẫu huyết thanh, 450 mẫu dịch mũi lợn tại các hộ chăn nuôi của các xã Yên Lợi, Yên Hồng, Yên Tân (Ý Yên) và Trực Thắng, Trực Thái (Trực Ninh) để giám sát bệnh cúm trên lợn. Hiện các mẫu đã được gửi lên Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương để xét nghiệm. Cùng với công tác giám sát, phát hiện, báo cáo và xử lý dịch bệnh, công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật được thực hiện hết sức nghiêm túc, đúng theo quy định. Chi cục Thú y đã phối hợp với các địa phương có lễ hội tăng cường kiểm tra việc nhập trâu, bò, kiểm tra việc đảm bảo vệ sinh thú y tại các điểm giết mổ trâu, bò. Bên cạnh đó, Chi cục còn thành lập đội kiểm dịch lưu động tăng cường hoạt động ngăn chặn các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép. Từ đầu năm đến nay, Chi cục kiểm dịch vận chuyển 7.899 con lợn thịt, 6.078 con lợn sữa, 115.313 con gia cầm giống, 21.250 con vịt thịt, 78.885 con gà thịt, gần 2,2 triệu quả trứng gia cầm và 24.653kg thịt lợn mảnh… góp phần ngăn ngừa các dịch bệnh phát sinh, lây lan.
Cán bộ Chi cục Thú y tỉnh lấy mẫu dịch mũi để giám sát bệnh cúm lợn tại xã Yên Lợi (Ý Yên).
Cán bộ Chi cục Thú y tỉnh lấy mẫu dịch mũi để giám sát bệnh cúm lợn tại xã Yên Lợi (Ý Yên).
Trong thời gian qua, các địa phương tích cực hướng dẫn người chăn nuôi, người giết mổ, người kinh doanh động vật, sản phẩm động vật thường xuyên thực hiện tốt công tác vệ sinh, khử trùng, tiêu độc khu vực sản xuất kinh doanh; quản lý, xử lý tốt chất thải chăn nuôi, chất thải trong quá trình giết mổ, sơ chế, chế biến gia súc, gia cầm đảm bảo VSATTP, không gây ô nhiễm môi trường… nên đã ngăn chặn sự phát sinh, bùng phát và lây lan dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Thực hiện việc tăng cường kiểm tra chất cấm trong chăn nuôi, từ trước Tết Nguyên đán đến nay, Chi cục Thú y đã kiểm tra 20 cơ sở chăn nuôi, 12 cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi, 18 cơ sở kinh doanh thuốc thú y, 18 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; lấy 51 mẫu nước tiểu, 8 mẫu thức ăn chăn nuôi, 17 mẫu thịt tại tất cả các huyện, thành phố, đặc biệt tại các địa phương mật độ chăn nuôi cao, nơi tập trung buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm, nơi diễn ra các hoạt động lễ hội… Đã sử dụng bộ Kit kiểm tra nhanh hormon tăng trọng (Salbutamol) do Cty Thời đại xanh sản xuất. Kết quả tất cả các mẫu đều âm tính với chất Salbutamol. Trong đợt tiêm phòng vắc-xin cho gia súc, gia cầm vụ xuân năm nay, tỉnh đã hỗ trợ kinh phí để mua 350 nghìn liều vắc-xin dịch tả lợn, 20 nghìn liều lở mồm long móng trâu, bò. Hiện Chi cục Thú y đã nhập về 200 nghìn liều vắc-xin dịch tả lợn; 20 nghìn liều vắc-xin lở mồm long móng trâu, bò; 35 nghìn liều vắc-xin bệnh dại; 5.000 liều tụ huyết trùng lợn nhằm cung ứng đầy đủ, kịp thời các loại vắc-xin, vật tư, dụng cụ tiêm phòng đảm bảo số lượng, chất lượng cho các địa phương. Các huyện, thành phố chỉ đạo các xã, thị trấn hoàn thành công tác thống kê tổng đàn gia súc, gia cầm; xây dựng kế hoạch chi tiết, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, dụng cụ và đã bắt đầu tổ chức tiêm phòng. Đồng chí Ninh Văn Hiểu, Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho biết: Tháng 3 là thời điểm giao mùa nên thời tiết diễn biến thất thường, tạo điều kiện thuận lợi để mầm bệnh tồn tại, phát triển. Bên cạnh đó, việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm trước và sau Tết Nguyên đán tăng mạnh là điều kiện để mầm bệnh phát tán, lây lan. Trước đây trung tuần tháng 3-2013 trên địa bàn tỉnh đã phát sinh dịch lợn tai xanh, sau đó lây lan ra diện rộng nhanh, gây thiệt hại nặng nề cho chăn nuôi của tỉnh. Do vậy, Chi cục Thú y đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm túc Kế hoạch số 13/KH-UBND của UBND tỉnh về phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; đặc biệt là tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai công tác tiêm phòng vụ xuân đảm bảo hoàn thành nhanh gọn, đồng loạt, đúng thời gian, đúng kỹ thuật để phát huy tối đa hiệu quả của vắc-xin. Những năm qua, tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng dại chỉ đạt 25%, trong khi đó năm 2014 bệnh dại đã phát sinh ở huyện Trực Ninh sau nhiều năm không xuất hiện trên địa bàn tỉnh. Chính vì vậy các địa phương cần chỉ đạo quyết liệt để tỷ lệ tiêm vắc-xin dại cho chó đạt kết quả cao.
 
Do thực hiện sớm, đồng bộ và toàn diện công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm nên đến nay, toàn bộ đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh đang được đảm bảo an toàn dịch bệnh và phát triển ổn định, góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân./.
 
Bài và ảnh: Ngọc Ánh


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com