Vụ đông được mùa, được giá

07:01, 29/01/2015

Vụ đông năm 2014 được triển khai trong điều kiện gặp nhiều khó khăn, bất thuận. Thời tiết diễn biến thất thường, khó dự báo. Do vụ xuân bị chậm từ 7-10 ngày nên quỹ đất cho sản xuất vụ đông sớm hạn chế, ảnh hưởng đến sản xuất vụ mùa và vụ đông. Tuy vậy, sản xuất vụ đông năm nay cũng có những thuận lợi như hệ thống các công trình thủy nông, thủy lợi nội đồng đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng tốt hơn yêu cầu sản xuất. Đồng ruộng được dồn đổi, chỉnh trang, kiến thiết tạo nhiều thuận lợi cho thâm canh và áp dụng cơ giới hóa. Nhiều tiến bộ kỹ thuật mới về giống, nhiều mô hình và cách làm hay, hiệu quả đã được khẳng định trong thực tiễn qua nhiều năm là cơ sở để áp dụng và nhân rộng nhanh. Tiêu biểu như các mô hình cánh đồng mẫu lớn liên kết sản xuất - tiêu thụ cây vụ đông chế biến xuất khẩu, mô hình trồng khoai tây bằng phương pháp làm đất tối thiểu trên ruộng 2 lúa, mô hình trồng bí xanh và dưa chuột bao tử trên ruộng 2 lúa không làm dàn… Các chính sách của tỉnh về hỗ trợ sản xuất thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển cây vụ đông tiếp tục được thực hiện.

Nông dân xã Hải Toàn (Hải Hậu) thu hoạch dưa chuột đông.
Nông dân xã Hải Toàn (Hải Hậu) thu hoạch dưa chuột đông.

Trong vụ đông năm 2014, quan điểm chỉ đạo sản xuất của tỉnh là tập trung mở rộng một số loại cây thực sự có hiệu quả kinh tế và thị trường tiêu thụ thuận lợi trên đất 2 lúa; không làm vụ đông theo phong trào. Ưu tiên phát triển bí xanh, khoai tây Đức theo phương pháp làm đất tối thiểu và các cây chế biến xuất khẩu có thị trường tiêu thụ sản phẩm trên đất 2 lúa. Xây dựng và nhân rộng nhanh các mô hình sản xuất “cánh đồng liên kết chuỗi giá trị” và các mô hình sản xuất nông sản sạch, an toàn. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở NN và PTNT xây dựng kế hoạch cơ cấu cây trồng vụ đông bảo đảm hợp lý, khoa học, đa dạng hóa cây trồng và đa thời vụ. Các địa phương áp dụng và nhân rộng nhanh các mô hình tiến bộ kỹ thuật mới. Lựa chọn, sử dụng bộ giống rau, củ, quả có năng suất và chất lượng cao, phù hợp với từng chân đất, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Sở NN và PTNT và các huyện, thành phố tích cực triển khai nhiều giải pháp phát triển sản xuất vụ đông như: thường xuyên ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc; tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình gieo trồng cây vụ đông cho các hộ nông dân ngay từ đầu vụ; phân công cán bộ kỹ thuật xuống địa bàn để hướng dẫn các hộ dân kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ cây trồng. Để khuyến khích các địa phương tích cực sản xuất vụ đông, mở rộng diện tích cây vụ đông trên đất 2 lúa, cùng với các chính sách hỗ trợ của UBND tỉnh, các huyện, thành phố, các xã, thị trấn ưu tiên sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ bảo vệ, phát triển đất trồng lúa để đầu tư kiên cố hóa kênh mương tưới tiêu vùng sản xuất vụ đông. Nhiều địa phương có chính sách hỗ trợ thêm nhằm phát triển phong trào sản xuất cây vụ đông trên đất 2 lúa. Căn cứ kế hoạch sản xuất vụ đông và đăng ký của các hộ nông dân, huyện Nghĩa Hưng đã ứng trước tiền mua giống đậu tương, bí xanh cho nông dân. Trong khi đó, huyện Hải Hậu hỗ trợ toàn bộ tiền giống lúa ngắn ngày và giống ngô cho các xã thực hiện mô hình trồng ngô đông trên đất 2 lúa. Huyện Trực Ninh hỗ trợ 20 triệu đồng/vùng sản xuất vụ đông tập trung có quy mô 20-30 ha/vùng để xây dựng cơ sở hạ tầng vùng sản xuất vụ đông. Tất cả các xã tại huyện Vụ Bản hỗ trợ 100% chi phí công bảo vệ, đánh chuột và bơm nước cho vùng sản xuất cây vụ đông… Để giúp các địa phương đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm cây vụ đông, Sở NN và PTNT đã tổ chức hội nghị mời các doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ nông sản và các huyện bàn phương án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Kết quả đã có nhiều sản phẩm cây vụ đông được ký hợp đồng liên kết sản xuất theo chuỗi là: Cty TNHH Bao bì kim loại CFC hợp đồng sản xuất cà chua, dưa chuột bao tử với 4 xã của huyện Hải Hậu là Hải Tây, Hải Ninh, Hải Toàn, Hải An; Cty CP Giống cây trồng Nam Định ký với các xã, thị trấn: Hải Phúc, Thịnh Long (Hải Hậu) và Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng) sản xuất khoai tây giống; Cty TNHH Minh Hiền hợp đồng sản xuất dưa chuột bao tử, ngô ngọt với các xã Yên Cường, Yên Thành (Ý Yên); Trung tâm chuyển giao (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) hợp đồng sản xuất ngô ngọt với xã Yên Cường; Cty CP Ớt Việt Nam hợp đồng sản xuất ớt với các xã Yên Thành, Yên Phương, Yên Dương (Ý Yên); Cty TNHH Cường Tân hợp đồng sản xuất bí xanh, bí đỏ với các xã Trực Thắng, Trực Thái, Trực Phú, Trực Hùng (Trực Ninh). Do vậy, mặc dù khởi động vụ đông với nhiều khó khăn do thời tiết, thời vụ, song vụ đông năm 2014, toàn tỉnh đã gieo trồng được 14.800ha, trong đó: ngô 2.444ha, cây bí các loại 1.388ha, cà chua 590ha, dưa chuột 288ha, đậu tương 572ha, khoai tây 1.947ha và rau màu các loại 7.571ha. Diện tích gieo trồng cây vụ đông trên đất 2 lúa đạt 4.425ha. Nhiều huyện có diện tích gieo trồng lớn như: Hải Hậu 3.300ha, Ý Yên 3.000ha, Nghĩa Hưng 2.290ha, Giao Thủy 2.000ha, Nam Trực 1.700ha…

Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh đã thu hoạch trên 72% diện tích cây vụ đông, trong đó đã cơ bản thu hoạch xong các cây trồng trên đất 2 lúa. Vụ đông năm 2014 được đánh giá đạt năng suất cao, sản lượng của nhiều loại cây rau, màu tương đương và cao hơn cùng kỳ năm 2013; sản phẩm bán được giá nên có lãi cao. Một số diện tích trồng cà chua sớm ở Nghĩa Hưng, Hải Hậu cho lợi nhuận 5-7 triệu đồng/sào. Vụ đông năm 2014, xã Hải Tây gieo trồng 170ha cây vụ đông; trong đó 100ha cà chua. Đồng chí Bùi Duy Thanh, Chủ nhiệm HTXDVNN Hải Tây cho biết: Mặc dù trong vụ đông vừa rồi có nhiều đợt không khí lạnh kéo dài, làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và năng suất nhiều loại rau màu, tuy nhiên không ảnh hưởng nhiều tới diện tích trồng cà chua sớm của xã. Do có kinh nghiệm qua nhiều vụ sản xuất, nông dân xã Hải Tây đã thực hiện tốt từ khâu chuẩn bị giống đến chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh… nên vụ này năng suất cà chua bình quân đạt 1,4-1,5 tấn/sào, thậm chí có hộ đạt trên 2 tấn/sào, giá bán dao động từ 7-10 nghìn đồng/kg, cao gấp 2-2,5 lần giá cà chua chính vụ. Cây khoai tây, cây trồng chủ lực của tỉnh thắng lớn khi năng suất bình quân đạt 6-7 tạ/sào, cao hơn hẳn mọi năm. Ông Triệu Văn Nam, xóm 3, xã Nam Hoa (Nam Trực) phấn khởi cho biết: Đợt mưa cuối tháng 10, đầu tháng 11 đã làm chậm tiến độ các cây trồng vụ đông muộn, trong đó có cây khoai tây. Rất may sau đó thời tiết thuận lợi, tạo điều kiện cho các cây trồng sinh trưởng phát triển tốt. Vụ đông này, gia đình tôi trồng 5 sào khoai tây Đức Solara, năng suất bình quân đạt 6,5 tạ/sào, hiện giá tư thương cân ngay tại ruộng là 9-10 nghìn đồng/kg, trừ chi phí mỗi sào cũng lãi 3 triệu đồng. Cây bí năng suất ước đạt trên 1 tấn/sào, lãi 1,2-2 triệu đồng/sào. Đặc biệt, trong vụ đông này, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh đã xây dựng mô hình trồng cà chua trên đất 2 lúa tại xã Yên Lợi với quy mô 5ha. Ngay từ lứa thu hoạch đầu tiên, nhiều hộ đã thu được 1,2-1,5 tấn/sào với giá bán từ đầu vụ đạt 6-7 nghìn đồng/kg, các hộ cũng đã thu về từ 7-10 triệu đồng/sào. Hiện người trồng vẫn đang tiếp tục thu hái, dự kiến mỗi sào cho thu lãi từ 6-10 triệu đồng. Thành công của mô hình đã mở ra hướng phát triển sản xuất cây vụ đông nhằm tăng vụ, đa dạng hóa cây trồng cho nông dân. Bên cạnh đó, sản xuất vụ đông năm 2014 ở một số địa phương cũng vẫn còn rất nhỏ lẻ, manh mún. Một số nơi quy hoạch vùng sản xuất vụ đông tập trung nhưng hạ tầng kỹ thuật thuỷ lợi vẫn chưa đảm bảo tưới, tiêu chủ động nên khi xảy ra mưa lớn không tiêu úng kịp thời. Nhiều địa phương chưa có sự chuẩn bị tốt về giống cây vụ đông trước thời vụ gieo trồng, ảnh hưởng đến việc mở rộng diện tích cũng như hiệu quả kinh tế. Một số cây vụ đông dễ làm, có hiệu quả kinh tế cao được tỉnh, huyện hỗ trợ tiền giống nhưng vẫn chưa được nhân rộng. Công tác chỉ đạo, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cây vụ đông hàng hóa ở một số nơi chưa được thực hiện tốt. Số lượng các doanh nghiệp, HTXDVNN hoặc tổ hợp tác tham gia tiêu thụ sản phẩm cây vụ đông còn ít; chưa có nhiều mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng.

Mặc dù sản xuất vụ đông năm 2014 gặp nhiều khó khăn nhưng được đánh giá là vụ đông được mùa, được giá, sản phẩm dễ tiêu thụ, hiệu quả kinh tế khá. Kịp thời rút ra những bài học kinh nghiệm để khắc phục hạn chế là giải pháp hữu hiệu sản xuất vụ đông hàng hoá tập trung, bền vững nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com