Doanh nghiệp “thắt lưng buộc bụng” - Lao động ngành may vẫn yên tâm

07:03, 08/03/2012

Chủ trương “thắt lưng buộc bụng” bằng cách tiết kiệm chi phí, tăng năng suất lao động nhằm ứng phó với biến động thị trường mà vẫn tăng thêm lợi nhuận 172,5 tỷ đồng so với năm 2011 là chủ trương hợp lý trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, chủ trương này ảnh hưởng thế nào đến người lao động lại là vấn đề khiến không ít người quan tâm?

“Thắt lưng buộc bụng”

Theo Tập đoàn Dệt May Việt Nam, trong năm 2011, các doanh nghiệp dệt may đã nỗ lực vượt qua những khó khăn do suy thoái kinh tế toàn cầu để đạt được kết quả rất khả quan, trong đó đã xuất siêu đạt 6,5 tỷ USD, giảm mạnh nhập siêu. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp vẫn lao đao trong tìm kiếm đơn hàng, nhất là đơn hàng từ thị trường châu Âu, dẫn đến thiếu việc làm, thu nhập của người lao động bị giảm…

Trong bối cảnh trên, chủ trương “thắt lưng buộc bụng” được coi là lựa chọn số một nhằm giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn mà vẫn tăng năng suất lao động; đồng thời góp phần cùng cả nước khắc phục khó khăn. Theo đồng chí Trần Quang Nghị, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May, để đạt được mục tiêu này, trong năm 2012, các doanh nghiệp phải quyết tâm tiết giảm chi phí sản xuất, giảm định mức tiêu hao nguyên liệu và giảm các chi phí gián tiếp với tổng số tiền 489,6 tỷ đồng (chiếm 1,3% tổng chi phí sản xuất). Các doanh nghiệp trong ngành đã ký giao ước sản xuất kinh doanh và thực hành tiết kiệm; theo đó ngoài số tiền tiết kiệm theo kế hoạch đề ra từ đầu năm, các doanh nghiệp sẽ tiết kiệm thêm 178,6 tỷ đồng, nâng tổng lợi nhuận sau tiết kiệm lên 1.691,3 tỷ đồng…

Sản xuất tại Cty CP May 4 (Tổng Cty CP Dệt may Nam Định). Ảnh: Thanh thúy
Sản xuất tại Cty CP May 4 (Tổng Cty CP Dệt may Nam Định).  Ảnh: Thanh Thúy

Để đạt chỉ tiêu tiết kiệm, các doanh nghiệp phải nâng cao năng lực quản trị để hạ giá thành, tăng hiệu quả kinh doanh với chi phí thấp nhất. Trước mắt 15 Tổng Cty lớn trong Tập đoàn đã cam kết thực hiện mục tiêu này; đồng thời sẽ triển khai tới từng Cty thành viên để cùng nhau liên kết nguồn lực; mở rộng diện tích vùng trồng nguyên liệu (mục tiêu cuối năm 2012 đạt diện tích 15.000ha), góp phần tạo nguồn cung vững chắc cho sản xuất; nâng cao chất lượng và gia tăng thị phần tại các thị trường truyền thống, khai thác thị trường mới. Đặc biệt, luôn chú trọng cải tiến chất lượng, mẫu mã để khẳng định vị thế của mình.

Để người lao động vững tâm

Với những doanh nghiệp lớn, đơn hàng đã ổn định, rõ ràng, chủ trương này càng giúp họ mạnh hơn, thu nhập của người lao động được cải thiện. Tuy nhiên, đối với đa số doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt là doanh nghiệp vệ tinh chuyên gia công cho những doanh nghiệp lớn thì việc tiết giảm chi phí chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn.

Nhiều vụ lãn công của người lao động thời gian qua cho thấy, hầu hết đều do thu nhập thấp, đời sống công nhân gặp khó khăn. Khi chủ doanh nghiệp giảm bớt thu nhập sẽ khiến người lao động không thể đặng đừng phải lên tiếng đòi quyền lợi, dẫn đến nhiều hệ luỵ cho xã hội. Thậm chí một số doanh nghiệp còn dùng tiền BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp để tái đầu tư sản xuất kinh doanh, dẫn đến nợ đọng lớn không thể truy nộp được…

Theo đồng chí Trương Văn Cầm - Phó Chủ tịch Công đoàn Dệt May, hiện nay ngành may có 101.890 lao động thuộc 101 công đoàn cơ sở. Để đảm bảo quyền lợi người lao động, công đoàn cùng với hiệp hội và các đơn vị thành viên đã triển khai thí điểm thoả ước lao động tập thể ngành, điều chỉnh thu nhập tối thiểu vùng cho người lao động. Qua đó, nâng thu nhập bình quân của người lao động năm 2011 đạt trên 3,8 triệu đồng/người/tháng; thậm chí có nhiều đơn vị đạt gần 5 triệu đồng/người/tháng. Trong năm 2012, dù phải “tiết kiệm”, nhưng chắc chắn quyền lợi người lao động sẽ được đảm bảo theo hướng tăng, chứ không thể tiết giảm thu nhập khiến họ thêm khó khăn được./.

Theo Báo Bảo hiểm Việt Nam
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com