Báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh, vượt qua khủng hoảng Covid-19

03:10, 09/10/2021

Hướng tới kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, ngày 9/10, tại Hà Nội, Tạp chí Người Làm Báo – Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Trung ương Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam, Truyền hình HITV/Truyền hình Cáp Hà Nội tổ chức Diễn đàn trực tuyến "Báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh, vượt qua khủng hoảng Covid-19".

Dự diễn đàn có Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; đại diện Trung ương Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam; ông Vũ Chí Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan quản lý báo chí, lãnh đạo các doanh nghiệp/ doanh nhân, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các cơ quan báo chí và các cấp Hội Nhà báo cả nước...

Chủ trì Diễn đàn là Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; PGS,TS Nguyễn Thành Lợi, Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Người Làm Báo; Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; TS Nguyễn Tiến Luận, Ủy viên BCH Trung ương Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam.

Các đại biểu dự diễn đàn trực tuyến.
Các đại biểu dự diễn đàn trực tuyến.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công, chính quyền cách mạng còn non trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đã rất quan tâm, dành thời gian để gặp gỡ giới doanh nghiệp và doanh nhân cả nước. Ngày 13/10/1945 - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi cho giới Công thương Việt Nam, bức thư có đoạn “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới Công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng…”   

Gần 2 năm qua, đại dịch  COVID-19, như “trận cuồng phong” khủng khiếp chưa từng có càn quét khắp toàn cầu, gây ra những tổn thất hết sức nặng nề. Tại Việt Nam, đại dịch COVID-19 với sự xuất hiện của các biến chủng mới có khả năng lây lan nhanh, nguy hiểm hơn, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống xã hội, đặt ra những thách thức rất lớn cả trong công tác phòng, chống dịch lẫn những nỗ lực phục hồi, phát triển kinh tế .

Với mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân là trên hết, trước hết, Đảng, Nhà nước ta đã huy động mọi nguồn lực, cùng với sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân, sự hợp tác, ủng hộ của bạn bè quốc tế,  đến nay,  dịch bệnh đang từng bước được kiểm soát. Chính phủ cùng hàng loạt các địa phương các ngành, các cấp đã, đang lên phương án cho “cuộc sống bình thường mới”,  mở cửa  lại nền kinh tế. Cả đất nước đang vào cuộc với một tinh thần mới, sinh khí mới, động lực mới. Chúng ta thấy rõ, vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức, đội ngũ doanh nghiệp – doanh nhân Việt Nam vẫn bền gan, vững chí và đầy sáng tạo, tiếp tục trụ vững để phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo ra của cải, vật chất cho xã hội. Đó là một hiện thực rất sống động, thắp sáng niềm tin về sự phục hồi và tiếp tục đà tăng trưởng kinh tế sau thời gian giãn cách xã hội kéo dài.

Trong thời gian qua, báo chí đã phát huy vai trò quan trọng, hiệu quả to lớn, luôn đồng hành, sát cánh cùng đội ngũ doanh nghiệp doanh nhân trong việc thực hiên mục tiêu kép: kiểm soát dịch Covid-19 và khôi phục phát triển sản xuất. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp doanh nhân đã tích cực đóng góp nguồn lực tài chính, đồng thời cùng các nhà báo vận động quyên góp tiền và vật phẩm ủng hộ cho những người gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Mặc dù đang chịu nhiều tổn thất do dịch bệnh, nhưng nhiều doanh nghiệp doanh nhân vẫn dành cho báo chí sự hợp tác giúp đỡ thiết thực, góp phần giúp báo chí vượt khó, tiếp tục vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ đối với đất nước và nhân dân - Nhà báo Hồ Quang Lợi nhấn mạnh.

Ở phiên 1 của diễn đàn, GS. TS. Hoàng Văn Cường – Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã trình bày tham luận về Cơ hội và thách thức của doanh nghiệp/doanh nhân ứng phó với những khó khăn trong đại dịch Covid -19. Ông mong rằng tiếng nói của các doanh nghiệp sẽ được báo chí lan tỏa để cùng Chính phủ và Nhà nước đồng sức đồng lòng khôi phục sản xuất kinh doanh.

TS. Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương đã chia sẻ những khó khăn thách thức của Doanh nghiệp trong đại dịch Covid 19, và những bài toán rút ra từ đại dịch… Ông đặc biệt thấu hiểu sự khó khăn của doanh nghiệp trong thời gian qua.

Ông cho biết sau nhiều tháng chúng ta thực hiện cách ly để phòng dịch covid 19, các DN rất khó khăn, khiến rất nhiều DN phải đóng cửa, hàng tháng chúng ta thấy hàng chục ngàn DN phải đóng cửa, rời bỏ thị trường. Hậu quả của nó là nền kinh tế thiệt hại rất lớn.

Ông nêu ra hai vấn đề, vấn đề thứ 1, khi các nhà quản lý thực hiện các biện pháp quản lý mà chưa tính hết đến các vấn đề của doanh nghiệp mà chỉ đi theo một mục tiêu nào đó, thì dù mục tiêu đó có đạt được nhưng hậu quả để lại sẽ khôn lường. Chúng ta không chỉ nhìn thấy hàng chục ngàn DN phải rời bỏ thị trường mà còn kéo theo những hệ lụy to lớn...

Thứ hai, ông mong muốn đưa các DN làm chủ thể tham gia đồng hành với công cuộc thực hiện mục tiêu kép là vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế thì chúng ta sẽ huy động được nguồn lực vô cùng to lớn của các doanh nghiệp, huy động được trí tuệ của các doanh nhân.

Bà Trịnh Thị Hồng Vân – Phó Tổng Giám đốc Công ty Yến Sào Khánh Hoà cho biết Công ty Yến sào Khánh Hòa là đợn vị dẫn đầu cả nước và khu vực Châu Á về quản lý số lượng hang đảo và sản lượng khai thác yến sào đảo thiên nhiên. Hiện nay, Công ty đang quản lý 33 đảo yến với hơn 173 hang yến trên vùng biển Khánh Hòa, hơn 40 dòng sản phẩm bổ dưỡng cao cấp dành cho sức khỏe và hệ thống phân phối rộng khắp 63 tỉnh thành trong nước và quốc tế. Trải qua những biến động do ảnh hưởng của dịch bệnh, Công ty Yến sào Khánh Hòa vẫn nỗ lực thực hiện mục tiêu kép vừa ứng phó với dịch bệnh, vừa ổn định sản xuất kinh doanh, toàn bộ các nhà máy và đơn vị sản xuất kinh doanh của công ty thực hiện phương án sản xuất 3 tại chỗ, 1 cung đường 2 điểm đến; tiếp tục khẳng định vị thế, đẩy mạnh xuất khẩu đến các thị trường lớn.

Bà cho biết thêm: Năm 2020, dịch Covid-19 ảnh hưởng sâu rộng đến kinh tế trong nước và thế giới, nhưng Công ty Yến sào Khánh Hòa vẫn hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu, kế hoạch năm. Doanh thu toàn công ty đạt 4.308 tỷ đồng, nộp ngân sách 405 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu công ty đạt gần 2.216 tỷ đồng, nộp ngân sách 160 tỷ đồng,thu nhập của người lao động bình quân đạt 9,8 triệu đồng/người/tháng, đảm bảo việc làm ổn định cho hơn 5.400 cán bộ, công nhân viên. Kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1.900.000 USD, đóng góp lớn vào ngân sách của tỉnh Khánh Hòa, góp phần phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.

Công ty hưởng ứng mạnh mẽ lời kêu gọi “Toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19” do UBMTTQ Việt Nam tỉnh Khánh Hòa phát động: Vận động CB CNV ủng hộ 1 ngày lương để mua vacxin phòng chống Covid với tổng 4 đợt trao là 720 triệu đồng. Mua 3.800 kg vải thiều hỗ trợ nông dân tỉnh Bắc Giang. Hỗ trợ tỉnh Hải Dương phòng chống dịch Covid-19. Đóng góp gian hàng 0 đồng chia sẽ với người dân gặp khó khăn trong đại dịch Covid-2019. Tặng các nhu yếu phẩm đến các bà con vùng dịch tại Ninh Hòa, xã Cam Lâm, xã Cam Thịnh Đông, thị trấn Cam Đức - Cam Lâm, Cam Ranh, Ninh Hải – Ninh Thuận. Hỗ trợ kinh phí và nhu yếu phẩm phòng chống Covid-19 cho Ủy ban MTTQ phường Ninh Hải, các lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch tại Khánh Hòa, Hồ Chí Minh. Hỗ trợ mua nông, thủy sản cho bà con nông dân, ngư dân trên địa bàn tỉnh. Tổng số tiền Công ty Yến sào Khánh Hòa và các đơn vị trực thuộc ủng hộ phòng chống Covid hơn 2 tỷ đồng.

Bà nhấn mạnh: Mặc dù dịch bệnh bùng phát, sản xuất kinh doanh gặp khó nhưng công ty vẫn đảm bảo chăm lo đời sống cho toàn thể cán bộ, công nhân viên, không để người lao động mất việc. Bên cạnh đó, công ty luôn duy trì nhiều hoạt động, chú trọng đời sống văn hóa tinh thần cho người lao động; tạo sự chuyển biến tích cực, hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh, xây dựng công ty ngày càng phát triển vững mạnh gắn với Thương hiệu quốc gia Yến sào Khánh Hòa.

Đánh giá cao vai trò của báo chí - kênh thông tin rất quan trọng của doanh nghiệp, bà mong muốn báo chí sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp cả nước nói chung và Yến sào Khánh Hòa nói riêng để khích lệ những thành quả lao động sáng tạo của doanh nghiệp đến toàn thể công chúng, xã hội và người tiêu dùng, góp phần xây dựng thương hiệu doanh nghiệp và giúp doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Doanh nhân Phan Thanh Thiên – Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn Trường sinh đã trình bày nội dung "Trong nguy có cơ - những thách thức và những cơ hội của Doanh nghiệp trong đại dịch Covid 19".

Doanh nhân Chu Tiến Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, Tổng Giám đốc Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn nêu những khó khăn của Doanh nghiệp trong thời kỳ đại dịch Covid-19 và sự đồng hành của Báo chí truyền thông. Trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4, các doanh nghiệp TP. HCM đã tổ chức hàng trăm cuộc thảo luận trực tuyến từ cấp Hiệp hội đến các thành viên doanh nghiệp để tìm ra những mô hình sản xuất hợp lý đến các giải pháp phòng chống dịch. Tại những cuộc thảo luận, doanh nghiệp đều nhận được sự đồng hành nhiệt tình của các cơ quan báo chí, truyền thông. Qua đó, những khó khăn, giải pháp của doanh nghiệp vượt khó đã được báo chí phản ánh kịp thời: như mô hình ba tại chỗ,… Có thể nói, báo chí đã trờ thành người bạn tri kỷ của doanh nghiệp. Báo chí đã tạo động lực, tiếp thêm phần sức mạnh giúp doanh nghiệp vượt qua những thách thức mà đại dịch Covid-19 tạo ra. Mặc dù, con đường phía trước còn muôn vàn khó khăn khi TP.HCM bắt đầu chuyển dần sang trạng thái bình thường mới từ ngày 1/10, khi các doanh nghiệp từng bước phục hồi sản xuất. Trong những ngày giãn cách, doanh nghiệp đã gặp rất nhiều khó khăn, nhưng những ngày phục hồi sản xuất lại càng khó khăn hơn, khi ranh giới giữa tiếp tục phát triển hay chia tay thị trường rất mong manh và chưa biết kéo dài đến lúc nào.

Doanh nhân Chu Tiến Dũng mong muốn, thời gian tới, các doanh nghiệp cần đưa ra những phương thức, mô hình quản lý mới nhằm đảm bảo những điều kiện bình thường mới của xã hội. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp rất mong các cơ quan báo chí tiếp tục đồng hành với các doanh nghiệp phản ảnh kịp thời những cách làm hay, các mô hình điển hình, phương thức sản xuất tiên tiến giúp các doanh nghiệp có thể áp dụng để phát triển kịp thời.

Ông Vũ Chí Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc trình bày những giải pháp của tỉnh Vĩnh Phúc trong giai đoạn Covid-19 vừa qua. Ngoài giải pháp phòng chống dịch, tỉnh Vĩnh Phúc đã có những quyết sách giúp các doanh nghiệp dần khôi phục sản xuất kinh doanh tại tỉnh. Đến nay, các hoạt động trong tỉnh đã ổn định trở lại, lòng tin của doanh nghiệp và người dân được nhân lên. Ông nhấn mạnh để có sự thấu hiểu giữa chính quyền và doanh nghiệp chính là cần có sự đồng hành của báo chí. 

Doanh nhân Bùi Thơ – CEO Công ty cổ phần dược phẩm Vinapharma Group đã trình bày những lĩnh vực của Công ty với những sản phẩm nông nghiệp dành cho người Việt Nam. Tiếp đó, bà chia sẻ những khó khăn vướng mắc, đồng thời là những giải pháp của Công ty để biến thách thức thành cơ hội trong thời khủng hoảng Covid-19.

TS. Mạc Quốc Anh – Bi thư Đảng uỷ, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội đã nêu những quyết sách của Doanh nghiệp, nỗ lực trong sản xuất kinh doanh, ứng phó với đại dịch Covid-19.

Tổng kết phiên thứ nhất, PGS,TS Nguyễn Thành Lợi, Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Người Làm Báo nhấn mạnh lại những khó khăn thách thức của Doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh, sự hỗ trợ của Chính phủ/Nhà nước đối với Doanh nghiệp... đồng thời nêu những khó khăn của báo chí trong bối cảnh Covid-19.

Tiếp theo ở phiên thứ 2, Nhà báo Trần Trọng Dũng – Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM nêu chủ đề: Báo chí đồng cảm với khó khăn của Doanh nghiệp và cần đồng hành vượt qua khủng hoảng Covid-19. Với góc độ của một nhà báo, ông đã nêu những giải pháp để báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp dần khôi phục sản xuất kinh doanh, vượt qua khủng hoảng Covid-19. Ông mong rằng Hội Nhà báo TPHCM và Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM tổ chức các chương trình để vực dậy kinh doanh sản xuất cho các doanh nghiệp. Hội Nhà báo TPHCM đã tổ chức các câu lạc bộ phóng viên chuyên ngành để giúp các doanh nghiệp từng mảng sản xuất kinh doanh, qua đó giúp hoạt động truyền thông của các doanh nghiệp đi vào cụ thể và lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa. Về phía các cơ quan báo chí, ông mong muốn các cơ quan báo chí tích cực chuyển đổi số và đẩy mạnh các hoạt động sau mặt báo với các doanh nghiệp để quảng bá, xúc tiến thương mại. Ngoài ra ông mong rằng các tỉnh các vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ phối hợp với TPHCM để tổ chức các sự kiện liên kết vùng, qua đó giúp kinh tế TPHCM và các tỉnh lân cận khôi phục trở lại.

TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia Kinh tế tài chính Ngân hàng đã nêu mối tương quan giữa Báo chí và Doanh nghiệp. Ông nêu ra 2 câu hỏi đó là: Xã hội cần làm gì cho báo chí và Báo chí cần làm gì cho xã hội  Ông đề nghị các cơ quan quản lý sớm có những biện pháp hỗ trợ các cơ quan báo chí trong đại dịch Covid -19 đồng thời, ông mong muốn báo chí cung cấp những thông tin chính xác về Covid-19 để giúp người dân và doanh nghiệp yên tâm sinh sống và khôi phục sản xuất.

Nhà báo Phạm Hữu Chương – UVBCH Hội Nhà báo TP.HCM – Phó Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế Sài Gòn nêu chủ đề: Báo chí và Doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid -19, những vấn đề đặt ra. Ông cho biết: Trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4, bên cạnh lực lượng y tế, lực lượng công an, quân đội, thì báo chí cũng được xem là một trong những tuyến đầu chống dịch. Các phóng viên, nhà báo đã xông pha không ngại khó khăn, xuất hiện ở các điểm nóng của dịch bệnh, tại các bệnh viện dã chiến, bệnh viện thu dung điều trị Covid-19, các khu phong tỏa, cách ly y tế,…những điểm nóng như vậy nhằm để thu thập được những thông tin, hình ảnh chân thực nhất, sống động nhất. Thậm chí, có một số nhà báo đã nhiễm bệnh.

Ông cho biết: Trong hơn 4 tháng TP. HCM chịu giãn cách ở những mức độ khác nhau, hầu hết các hoạt động dịch vụ, kinh doanh, thương mại đều phải dừng lại. Tuy nhiên, các báo, trong đó có báo in, báo điện tử, đài truyền hình – phát thanh vẫn phải nỗ lực duy trì hoạt động mặc dù có muôn vàn khó khăn. Nguồn thu của các tờ báo bị sụt giảm nghiêm trọng.

Khó khăn kế tiếp là việc hạn chế đi lại. Chẳng hạn như cơ quan của chúng tôi, có hơn 100 nhân viên, trong đó lực lượng phóng viên cũng khá lớn. Tuy nhiên chỉ có hơn 10 giấy đi lại. Do vậy, hoạt động vô cùng khó khăn. Và một khi có một phóng viên bị phơi nhiễm, gây ảnh hưởng đến lực lượng tác nghiệp của chúng tôi. Trong bối cảnh đó, tạp chí kinh tế Sài Gòn nhận thức rằng cần phải truyền đến cho độc giả, đặc biệt là giới doanh nhân, năng lượng tích cực nhất định. Thông qua các chuyên trang, chuyên mục trên các ấn phẩm điện tử, như “Họ sống thế nào trong đại dịch”, “Các nguồn kinh tế phía Nam trước thách thức từ đại dịch”, “Sống chung với dịch”, “Cần gì để kinh tế hồi phục”, chúng tôi đã hỗ trợ, khích lệ các doanh nghiệp trên chiến trường chống dịch và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Thông qua việc phản ánh những khía cạnh, vấn đề kiến giải, đề xuất giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp. Đồng thời, chia sẻ mang tính xây dựng để giúp doanh nghiệp khắc phục các khó khăn về thị trường, quản trị, tài chính, lao động.

Ông nhấn mạnh: Không chỉ giúp cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp có một kênh truyền thông để nói lên câu chuyện vượt khó trong đại dịch, những sản phẩm của chúng tôi trong giai đoạn vừa qua còn phát huy vai trò kiến giải, đề nghị với chính phủ, cơ quan chức năng để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, những chuyên mục của Tạp chí Kinh tế Sài Gòn cũng trở thành kết nối giữa cộng đồng chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp với các cơ quan chức năng. Thông qua đó, chính phủ và các cơ quan chức năng có thể lắng nghe ý kiến, đánh giá của giới phân tích, doanh nghiệp đối với việc xây dựng và ban hành, thực hiện các chủ trương, chính sách. Qua đó giúp chính phủ, các cơ quan chức năng có những chỉ đạo hiệu quả trong việc quản lý điều hành nền kinh tế trong giai đoạn bình thường mới.

Doanh nhân Lê Minh Hoa - Chủ tịch Hiệp hội nữ doanh nhân doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư XD và thương mại Thiên Sinh đánh giá cao vai trò của đội ngũ báo chí truyền thông đã hỗ trợ và đồng hành với Doanh nghiệp trong suốt quá trình phát triển kinh tế của VN trong thời gian qua. Theo bà, báo chí đã phát huy vai trò quan trọng, hiệu quả to lớn, luôn đồng hành, sát cánh cùng đội ngũ doanh nghiệp doanh nhân trong việc thực hiên mục tiêu kép: kiểm soát dịch Covid-19 và khôi phục phát triển sản xuất. Báo chí hỗ trợ công tác tuyên truyền về đường lối chủ trương chính sách pháp luật của Nhà nước. Báo chí giới thiệu quảng bá thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ, nêu gương những Doanh nhân – gương người tốt việc tốt.

Bà cho rằng, mặc dù đang chịu nhiều tổn thất do dịch bệnh, nhưng nhiều doanh nghiệp doanh nhân vẫn dành cho báo chí sự hợp tác giúp đỡ thiết thực, góp phần giúp báo chí vượt khó, tiếp tục vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ đối với đất nước và nhân dân. Doanh nghiệp doanh nhân đã tích cực đóng góp nguồn lực tài chính, đồng thời cùng các nhà báo vận động quyên góp tiền và vật phẩm ủng hộ cho những người gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Bà nhấn mạnh, Doanh nghiệp sẽ tiếp tục đồng hành, sát cánh cùng Báo chí khôi phục sản xuất kinh doanh vượt qua khủng hoảng Covid-19. 

Tiếp theo là phần trình bày của Doanh nhân Huy Long - Chủ tịch Hội doanh nhân Lào Cai với tham luận Báo chí và Doanh nhân cần có tiếng nói chung, cùng hỗ trợ nhau để vượt qua đại dịch Covid19. Nhà báo Trần Thanh Hải – TKTS phụ trách Toà sọan báo SGGP Đầu tư – Tài chính với chủ đề: Báo chí và Doanh nghiệp cùng nhau tháo gỡ Khó khăn, trong đại dịch Covid-19.

Tổng kết phiên thứ hai của diễn đàn, Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã nhấn mạnh lại mối quan hệ tương hỗ giữa Báo chí và Doanh nghiệp để thúc đẩy sản xuất kinh doanh sau đại dịch Covid-19. Những giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong đại dịch Covid-19. Những giải pháp để báo chí đồng hành cùng Doanh nghiệp, hỗ trợ trong công tác truyền thông cho thương hiệu và sản phẩm của doanh nghiệp.

LS. Nguyễn Văn Chiến - Đại biểu Quốc hội Khóa XIV, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam chia sẻ những góc nhìn pháp luật về báo chí và doanh nghiệp. Ông mong rằng, thời hậu Covid-19, báo chí cần sát cánh cùng các doanh nghiệp để giúp các doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp hoạt động trên cơ sở hành lang pháp luật. Báo chí tuyên truyền pháp luật cho các doanh nghiệp. Tất cả đều dựa trên tinh thần "Thượng tôn pháp luật" để phát triển.

Nhà báo Đoàn Minh Long - Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo Khánh Hòa chia sẻ những hoạt động của Hội Nhà báo Khánh Hòa cùng các doanh nghiệp trong những năm qua. Bên cạnh hoạt động hội thảo đồng hành doanh nghiệp, Hội Nhà báo Khánh Hòa còn tổ chức các chuyến thiện nguyện tại các doanh nghiệp trong thời gian qua. Ngoài ra ông cũng chia sẻ những khó khăn đối với cơ quan báo chí trong Covid-19 và mong muốn có những chính sách thiết thực hỗ trợ báo chí.

Doanh nhân Nguyễn Xuân Diệu, Tập đoàn Đại Việt nêu chủ đề: Sứ mệnh tiên phong của Doanh nhân trên mặt trận kinh tế cần, đặc biệt trong giai đoạn công nghệ số, cần có sự đồng hành của báo chí truyền thông.

Doanh nhân Lê Tuấn Anh – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty thương mại Hà Nội – Hapro nêu những khó khăn của các doanh nghiệp cung cấp thực phẩm trong việc phân phối vận chuyển hàng hóa trong đại dịch Covid-19. Ông mong muốn các nhà quản lý có những biện pháp thiết thực để giúp doanh nghiệp lưu thông hàng hóa, khôi phục sản xuất kinh doanh.

TS. Hoàng Xuân Trọng – Chuyên gia kinh tế - Trưởng khoa kinh tế Trường Đại học Tây Bắc nêu những giải pháp cho báo chí và doanh nghiệp, trong đó việc chuyển đổi số, kinh tế số là rất quan trọng để các đơn vị đồng hành cùng nhau.

TS Nguyễn Tiến Luận, Ủy viên BCH Trung ương Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam tổng kết những ý kiến của phiên thứ ba. Ông nhấn mạnh lại những đề xuất, tham mưu về cơ chế chính sách với Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan quản lý báo chí. Ngoài ra, ông nêu lại những kiến nghị đề xuất của doanh nghiệp đến cơ quan quản lý. Những giải pháp để Báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp giải quyết khủng hoảng do đại dịch Covid-19.

Kết luận diễn đàn, nhà báo Hồ Quang Lợi đã rút ra 4 nội dung: Thứ nhất, thời gian qua, báo chí đã phát huy vai trò quan trọng, hiệu quả to lớn, luôn đồng hành, sát cánh cùng đội ngũ doanh nghiệp doanh nhân trong việc thực hiên mục tiêu kép: kiểm soát dịch Covid-19 và khôi phục phát triển sản xuất. Thứ hai, khẳng định những đóng góp hiệu quả của các doanh nghiệp, doanh nhân trong việc hỗ trợ nguồn lực tài chính, đồng thời cùng các nhà báo vận đồng quyên góp tiền và vật phẩm ủng hộ cho những người gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Thứ ba, trong khó khăn chúng ta, những người làm báo và doanh nhân càng phải chia sẻ, gắn bó, tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh sau đại dịch Covid-19. Thứ tư, các đại biểu đã đề xuất một số kiến nghị, nhằm tháo gỡ những khó khăn cho các cơ quan báo chí và doanh nghiệp, sớm vượt qua giai đoạn khủng hoảng Covid-19.

Nhà báo Hồ Quang Lợi cũng trân trọng cảm ơn các vị lãnh đạo các cơ quan quản lý, chỉ đạo báo chí, lãnh đạo Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI), lãnh đạo các cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương, cơ quan Tw Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam đã phối hợp thực hiện chương trình này. Ông cũng cảm ơn, các cơ quan đơn vị Truyền hình HITV/Truyền hình Cáp Hà Nội, Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội, Hiệp hội Tp Hồ Chí Minh, Hội đồng Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam, Hapro, Ecopark, Vinapharma Group, Tập đoàn Đại Việt, lãnh đạo các Doanh nghiệp, Doanh nhân đã đồng hành cùng chương trình Diễn đàn này.

Nhà báo Hồ Quang Lợi hy vọng rằng, qua chương trình này, Đội ngũ những Nhà báo, Doanh nhân sẽ thắt chặt hơn nữa mối quan hệ nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác vì sự phát triển bền vững, cùng nhau chia sẻ khó khăn thuận lợi để cùng nhau xây dựng một mối quan hệ tốt đẹp giữa hai bên Báo chí và Doanh nghiệp./.

Theo nguoilambao.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com