Xử lý nghiêm hành vi lợi dụng việc đưa lao động ra nước ngoài trục lợi

06:06, 10/06/2020

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 10-6, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án: Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Luật Thỏa thuận quốc tế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 với tỷ lệ 95,24% số đại biểu tán thành.  Ảnh: Trọng Đức - TTXVN
Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 với tỷ lệ 95,24% số đại biểu tán thành. Ảnh: Trọng Đức - TTXVN

Thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, một trong những nội dung trong dự án luật được các đại biểu thảo luận sôi nổi là việc bổ sung quy định “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vi phạm”. Theo ý kiến các đại biểu, vấn đề đặt ra là có nên coi đây là biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hay chỉ là biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính.

Ủng hộ quan điểm coi đây là biện pháp cưỡng chế nhằm ngăn chặn tối đa việc tiếp tục vi phạm, đảm bảo trật tự kỷ cương, theo đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh), thực tế là có khá nhiều đơn vị không chấp hành nghiêm túc các quyết định xử phạt vi phạm hành chính, không tích cực có biện pháp bảo vệ môi trường mà cơ quan thanh tra, kiểm tra đã chỉ ra, thậm chí không những không chấp hành mà còn tiếp tục hoạt động gây ô nhiễm môi trường. Theo ý kiến đại biểu Ngô Trung Thành (Đắk Lắk), nếu áp dụng ngừng dịch vụ cung cấp điện, nước là biện pháp cưỡng chế hay ngăn chặn thì cần suy xét đến tính chất của hành vi vi phạm và việc áp dụng biện pháp này gây ảnh hưởng ra sao. Tuy nhiên, theo quan điểm của đại biểu Nguyễn Văn Thể (Sóc Trăng), quy định “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vi phạm” chỉ là “giải pháp không cần thiết và suy cho cùng chỉ về kinh tế”.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính trình Quốc hội tại kỳ họp này nhằm tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, trình tự, thủ tục trong pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và khắc phục tối đa những hạn chế, bất cập trong các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành, góp phần bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên thực tế, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung nội dung của 61/142 điều, sửa kỹ thuật 9/142 điều, bổ sung mới 3 điều, bãi bỏ nội dung liên quan đến 5 điều của Luật hiện hành. Đáng chú ý, về mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực so với Luật hiện hành, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung nội dung này theo hướng tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực, bổ sung quy định mức phạt tiền tối đa của 6 lĩnh vực và sửa đổi tên của 7 lĩnh vực.

Cũng trong sáng 10-6, các đại biểu thảo luận tại tổ về dự án Luật Thỏa thuận quốc tế. Dự luật trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp này gồm 7 chương, 53 điều, quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục ký kết, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực, tạm đình chỉ thực hiện và tổ chức thực hiện thỏa thuận quốc tế. Các đại biểu Quốc hội thảo luận tập trung vào những nội dung chủ yếu về phạm vi điều chỉnh; khái niệm thỏa thuận quốc tế; bên ký kết Việt Nam; bên ký kết nước ngoài; nguyên tắc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế; về việc ký kết thỏa thuận quốc tế; chấm dứt hiệu lực, tạm đình chỉ thực hiện thỏa thuận quốc tế.

Thảo luận ở tổ về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi). Dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) gồm 8 chương, 79 điều; giảm 1 điều so với Luật hiện hành; bãi bỏ 8 điều; bổ sung mới 9 điều và sửa đổi, bổ sung khoảng 70 điều của Luật hiện hành. Đối tượng áp dụng là doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Luật nhằm đáp ứng, giải quyết những vấn đề mới phát sinh về lao động, nhất là từ các vướng mắc, bất cập qua thực tiễn thi hành sau gần 13 năm áp dụng trên thực tế; điều chỉnh những vấn đề mới từ thực tế hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong bối cảnh tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và quản lý vấn đề di cư, dịch chuyển lao động quốc tế, phát triển việc làm ngoài nước và bảo hộ quyền làm việc của công dân… Thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu đều cho rằng, dự luật cần phải là bước cải tiến về cải cách hành chính, tạo sự minh bạch và thuận lợi cho doanh nghiệp. Đồng thời, luật cần quy định rõ, chặt chẽ để xử lý nghiêm hành vi lợi dụng việc đưa lao động ra nước ngoài nhằm trục lợi, vô trách nhiệm, bỏ rơi người lao động khi gặp khó khăn, bỏ rơi người lao động ở nước ngoài...

Theo ý kiến đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội), dự luật cần phải bổ sung việc giảm chi phí cho người lao động và tránh tình trạng lừa đảo người lao động. Đồng thời, cần phải có sự hài hòa trong chính sách xuất khẩu lao động và chính sách đảm bảo nguồn nhân lực cho phát triển đất nước. Đặc biệt, việc này phải đặt trong bối cảnh già hóa dân số đang diễn ra ở nước ta. Đất nước cần có nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Nhắc lại sự việc 39 người Việt thiệt mạng trong xe container năm ngoái tại nước Anh, đại biểu Thích Bảo Nghiêm (Hà Nội) cho rằng, người Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài theo nhiều hình thức, từ đi làm hợp pháp theo hợp đồng lao động, nhưng cũng có tình trạng đi làm chui và để xảy ra những sự việc gây hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy, dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ra đời vào thời điểm này là rất kịp thời.

Tại phiên họp tổ, nhấn mạnh dự luật không điều chỉnh đối với người đi lao động không theo hợp đồng và vừa qua có nhiều trường hợp bị lừa đưa đi làm việc rất vất vả ở nước ngoài, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chỉ rõ: Phải làm rõ việc phí doanh nghiệp phải nộp khi đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là bao nhiêu. Ba năm đi làm theo hợp đồng thì phí thu mấy tháng lương và đặt cọc để họ không trốn. Tuy nhiên, nếu lợi dụng, làm trái là vi phạm pháp luật và phải xử lý.

Phải nhận thức lại cho đúng, không được dùng xuất khẩu lao động mà là đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc, cử đại diện khi đưa lao động đi. Các quốc gia có nhiều lao động Việt Nam sang làm việc phải có tham tán thương mại để xử lý, bảo hộ công dân. Tai nạn lao động xử lý theo pháp luật sở tại. Doanh nghiệp nào lợi dụng để thu phí môi giới trái pháp luật phải xử lý, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Từ 16 giờ 15 phút, Quốc hội tiến hành công tác nhân sự. Quốc hội nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Tờ trình đề nghị phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ đối với ông Vương Đình Huệ; Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với bà Nguyễn Thanh Hải. Sau đó, Quốc hội thảo luận tại Đoàn về: Dự kiến nhân sự bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia; phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ đối với ông Vương Đình Huệ; miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với bà Nguyễn Thanh Hải./.

Theo TTXVN

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com