Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau (kỳ 2)

20:19, 16/01/2023

Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau (kỳ 1)

(Tiếp theo và hết)

Kỳ II: “Chìa khóa” để giảm nghèo bền vững

“Thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững; hạn chế hộ tái nghèo, tái cận nghèo và phát sinh hộ nghèo, hộ cận nghèo mới; hỗ trợ người nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản; hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm, sinh kế và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh; cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và an sinh xã hội, hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 của tỉnh và các địa phương”. Đây là mục tiêu Kế hoạch 16 của UBND tỉnh triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23-6-2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030.

Nông thôn mới xã Giao Tiến (Giao Thủy).
Nông thôn mới xã Giao Tiến (Giao Thủy).

Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2016-2020, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể trong tỉnh đã tích cực thực hiện dự án hỗ trợ giảm nghèo (thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020) bằng việc huy động mọi nguồn lực, thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ các hộ nghèo phát triển sản xuất để “không ai bị bỏ lại phía sau”. Lồng ghép triển khai thực hiện mục tiêu giảm nghèo với chương trình xây dựng nông thôn mới; đảm bảo các công trình đầu tư phát huy hiệu quả, làm giảm thiểu rủi ro thiên tai, bảo vệ môi trường, cải thiện thị trường, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tạo điều kiện cho người nghèo, người cận nghèo cùng các tầng lớp dân cư cải thiện sinh kế, cải thiện điều kiện sống. 

Với sự “vào cuộc” của cả hệ thống chính trị, công tác giảm nghèo ở các địa phương trong tỉnh đã hoàn thành mục tiêu và chỉ tiêu đề ra. Riêng năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1,74% xuống còn 1,32% (giảm 0,42%, đạt chỉ tiêu Nghị quyết HĐND giao). Tỷ lệ nghèo (gồm tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo) theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 giảm 2,01% (từ 6,78% xuống còn 4,77%). Đã tổ chức 11 buổi tập huấn, hướng dẫn đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và lao động có thu nhập thấp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Tỷ lệ lao động qua đào tạo giáo dục nghề nghiệp năm 2022 đạt 48%; nhờ đó người lao động có cơ hội tìm kiếm việc làm, tạo thu nhập, thoát nghèo. Toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho 35.011 lượt người lao động (đạt 109,41% kế hoạch năm, tăng 545 lượt người so với năm 2021); trong đó xuất khẩu lao động cho 3.800 người (đạt 271,43% kế hoạch năm, tăng 2.264 người so với năm 2021). Phối hợp với các sở, ngành, địa phương thực hiện các chính sách giảm nghèo bền vững theo Nghị quyết 71/NQ-CP ngày 31-5-2018 của Chính phủ cho 11.088 hộ nghèo, 32.062 hộ cận nghèo. Thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách đối với người có công, đảm bảo không có gia đình chính sách người có công thuộc diện hộ nghèo. Triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ cho người lao động, người sử dụng lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, Nghị quyết 126/NQ-CP của Chính phủ. Hỗ trợ cho 1.025.204 lượt người lao động, người sử dụng lao động, 242 hộ kinh doanh với tổng kinh phí hơn 49.275 triệu đồng. Hỗ trợ tiền thuê nhà cho lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp đối với 1.291 người (tổng 3.869 lượt người), với tổng số tiền là 1.934,5 triệu đồng. Hỗ trợ tiền thuê nhà cho lao động quay trở lại thị trường lao động đối với 227 người (tổng 448 lượt người), với tổng số tiền là 448 triệu đồng. An sinh xã hội trên địa bàn tỉnh được đảm bảo. 

Mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa chất lượng cao tại xã Hải Hưng, huyện Hải Hậu.
Mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa chất lượng cao tại xã Hải Hưng, huyện Hải Hậu.

Theo lãnh đạo Sở LĐ-TB và XH, năm 2023 là năm có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện các mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Để tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, ngành LĐ-TB và XH quán triệt và thực hiện nghiêm các quan điểm chỉ đạo, điều hành của Trung ương, của tỉnh, tiếp tục chủ động, đổi mới, nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu về lĩnh vực giảm nghèo, bảo trợ xã hội; lao động, người có công, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Thực hiện hiệu quả Kế hoạch 16 của UBND tỉnh về công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030 với các giải pháp trước mắt cũng như dài hơi như khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế và phát huy thế mạnh nguồn lực lao động để phát triển kinh tế - xã hội; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động, ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội đối với công tác giảm nghèo bền vững, xác định giảm nghèo góp phần ổn định và từng bước nâng cao đời sống nhân dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo, tỷ lệ lao động thất nghiệp xuống mức thấp nhất, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX nhiệm kỳ 2020-2025 và các mục tiêu như: phấn đấu đến năm 2030 tỉnh cơ bản không còn hộ nghèo (trừ những hộ nghèo do không có khả năng lao động); không có hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng... Thực hiện có hiệu quả các mô hình giảm nghèo nhằm hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn toàn tỉnh.

Lãnh đạo huyện Vụ Bản thăm, tặng quà Tết cho gia đình hộ nghèo xã Cộng Hòa.
Lãnh đạo huyện Vụ Bản thăm, tặng quà Tết cho gia đình hộ nghèo xã Cộng Hòa.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, trong công tác giảm nghèo; phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, đùm bọc, tinh thần “tương thân, tương ái” của dân tộc trong công tác hỗ trợ giảm nghèo. Động viên, hướng dẫn người nghèo, hộ nghèo có kiến thức, kinh nghiệm trong lao động, sản xuất, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại. Khuyến khích doanh nghiệp và hợp tác xã liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, phát triển đa dạng các mô hình sản xuất có sự tham gia của các hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp với người nghèo, nhất là ở vùng nông thôn. Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn với giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đào tạo nghề theo nhu cầu của thị trường để tập trung giải quyết việc làm cho người nghèo. Hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên, nhất là thanh niên đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện, người ở vùng thu hồi đất nông nghiệp, vùng ảnh hưởng nặng của sự cố môi trường biển. Mở rộng đào tạo nghề, nâng cao trình độ về kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng sản xuất cho người lao động và hộ nghèo. Hướng dẫn kiến thức, bồi dưỡng văn hóa cho người nghèo để nâng cao năng lực, trí tuệ và khả năng tiếp thu khoa học kỹ thuật, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có hiệu quả cao hơn, khơi dậy ý chí vươn lên của người nghèo. Lồng ghép thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững trong thực hiện công tác đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; phát huy hiệu quả của các hoạt động đầu tư, hướng đến đạt các tiêu chí của xã, huyện nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo gắn với các chương trình, dự án khác triển khai trên địa bàn, đặc biệt ưu tiên thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo với các chính sách phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo của tỉnh ban hành./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com