Quyết liệt thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán và lễ hội mùa Xuân 2023

09:17, 18/01/2023

Nhu cầu tiêu thụ thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 đang ngày càng tăng cao. Đây chính là thời điểm người kinh doanh phi pháp lợi dụng để trà trộn đưa vào tiêu thụ các loại hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Trước những yếu tố nguy cơ mất an toàn thực phẩm và dịch bệnh, để bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng, Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm (ATTP) tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp đảm bảo ATTP và phòng chống dịch bệnh.

Test nhanh kiểm tra chất lượng thực phẩm đầu tại bếp ăn khách sạn Nam Cường (thành phố Nam Định). 
Test nhanh kiểm tra chất lượng thực phẩm đầu tại bếp ăn khách sạn Nam Cường (thành phố Nam Định). 

Đồng chí Hoàng Tiến Cường, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết: Ngay từ giữa tháng 12-2022, Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP tỉnh ban hành Kế hoạch số 88/KH-BCĐ chỉ đạo các ngành chức năng, các đoàn thể, Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP các huyện, thành phố kiện toàn Ban Chỉ đạo; xây dựng kế hoạch, chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp: Tuyên truyền, hướng dẫn, quản lý công tác ATTP; tăng cường kiểm soát, xử lý việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và mùa Lễ hội Xuân năm 2023. Ban Chỉ đạo liên ngành VSATTP tỉnh phối hợp với Báo Nam Định, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tổ chức chiến dịch truyền thông về bảo đảm chất lượng, VSATTP; tích cực tuyên truyền các thông điệp đảm bảo ATTP trên các loại hình khác như các trang website của Sở Y tế, Chi cục AT VSTP, Sở NN và PTNT, Sở Công Thương, hệ thống bảng điện tử ở các nơi công cộng có đông người qua lại… Hệ thống đài phát thanh, truyền thanh các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn thường xuyên tuyên truyền về công tác VSATTP. Nội dung tập trung tuyên truyền kiến thức, thái độ, thực hành về VSATTP; làm rõ vai trò, trách nhiệm của người quản lý, người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trong việc bảo đảm chất lượng, ATTP theo quy định hiện hành; tuyên truyền phòng ngừa ngộ độc rượu, các kiến thức về lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm trong dịp Tết và mùa lễ hội… Các thông điệp về sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo pháp luật, quản lý ATTP tại nơi diễn ra lễ hội, quản lý thực phẩm được phổ biến bằng nhiều hình thức cho người dân, người sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Qua đó, nâng cao nhận thức và huy động toàn xã hội tham gia phòng ngừa, đấu tranh với việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng; phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, kịp thời cảnh báo nguy cơ mất ATTP trong dịp trước, trong và sau Tết, mùa lễ hội Xuân 2023.

Cùng với đẩy mạnh công tác truyền thông, Ban Chỉ đạo liên ngành VSATTP các cấp thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thuộc phạm vi được phân công, tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và lễ hội, có yếu tố nguy cơ mất ATTP cao như: thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, các cơ sở dịch vụ ăn uống; các làng nghề chế biến thực phẩm nhằm kiểm soát, xử lý việc sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng; phòng ngừa, hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm; kiểm tra công tác triển khai Kế hoạch bảo đảm ATTP trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và mùa lễ hội xuân năm 2023 của các đơn vị; kiểm tra, kiểm soát, xử lý việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng theo Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19-6-2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng. Sở Y tế phối hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; chuẩn bị sẵn các phương án xử lý các trường hợp ngộ độc thực phẩm, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do ngộ độc thực phẩm; tăng cường kiểm soát dịch bệnh, nhất là dịch COVID-19, dịch bệnh đường tiêu hoá, không để lây lan trong cộng đồng. Sở NN và PTNT thanh tra, kiểm tra các cơ sở chế biến hàng thủy sản, các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, các cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn gia súc, gia cầm, thuốc kích thích tăng trưởng, phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm, đảm bảo chất lượng hàng hóa nông nghiệp, ATVSTP nông lâm thủy sản. Ngành Công Thương kiểm tra các cơ sở kinh doanh thực phẩm, xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không xác định nguồn gốc xuất xứ… đang được sản xuất và lưu thông trên thị trường trong tỉnh. Phối hợp với Sở Y tế rà soát các điều kiện sản xuất, kinh doanh của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Công an tỉnh phối hợp với các ngành chức năng thanh tra, kiểm tra, xử lý các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh vi phạm về chất lượng ATTP, gây ô nhiễm môi trường.

Tại tuyến tỉnh, 3 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành VSATTP của tỉnh gồm các ngành: Y tế, NN và PTNT, Công Thương, Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh) tiến hành thanh tra, kiểm tra tại các đơn vị gồm: Thành phố Nam Định và các huyện: Trực Ninh, Giao Thủy, Mỹ Lộc, Hải Hậu và Vụ Bản. Trong đó tập trung thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm với số lượng lớn, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại. Các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn đã thành lập 214 đoàn kiểm tra. Đến nay, các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành các cấp đã thanh tra, kiểm tra 417 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; trong đó có 393 cơ sở đạt yêu cầu về VSATTP, chiếm 94,2% tổng số cơ sở được kiểm tra. Cũng qua thanh tra, kiểm tra, đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vi phạm về ATTP, hạn chế ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về ATTP. Các đoàn thanh tra, kiểm tra đã phát hiện 24 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm có vi phạm về VSATTP; phạt hành chính 24 cơ sở, với tổng số tiền phạt 116 triệu đồng; hàng hóa vi phạm bị tịch thu, tiêu hủy gồm 264 kg nội tạng lợn và các sản phẩm từ động vật không đảm bảo ATTP, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ; Đã lấy 133 mẫu làm xét nghiệm nhanh, kết quả 100% số mẫu đều đạt yêu cầu về ATTP. Qua kiểm tra thực tế, tại một số cơ sở vẫn còn một số người lao động chưa sử dụng trang phục bảo hộ đầy đủ; còn thiếu găng tay, mũ... Các đoàn kiểm tra đã nhắc nhở cơ sở sửa chữa, khắc phục, đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn các quy định của pháp luật về ATTP, công tác phòng chống dịch COVID-19 và phòng chống các bệnh truyền nhiễm.

Từ nay đến Tết Nguyên đán và lễ hội xuân 2023, Ban Chỉ đạo liên ngành VSATTP các cấp, các ngành chức năng tiếp tục tăng cường quản lý Nhà nước về ATTP. Cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, mỗi người dân và các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm cần tự nâng cao ý thức tự giác trong công tác đảm bảo ATVSTP, đảm bảo an toàn sức khỏe cho mọi người, mọi nhà đón Tết, vui Xuân./.

Bài và ảnh: Minh Tân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com