Qua 2 năm thực hiện các chính sách tăng cường phát triển giáo dục mầm non 

08:20, 20/12/2022

Giáo dục mầm non (GDMN) từ nhiều năm qua luôn nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở và đông đảo người dân rất đồng tình, ủng hộ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nên chất lượng GDMN tại tỉnh ta đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Đặc biệt, việc ban hành Nghị định 105/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quy định chính sách phát triển GDMN áp dụng đối với các nhà trẻ, nhóm trẻ độc lập; trường mẫu giáo, trường mầm non độc lập càng tạo thêm nền tảng vững chắc để tỉnh ta triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển GDMN, phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi và hướng tới phổ cập GDMN cho trẻ mẫu giáo 3-4 tuổi.

Một buổi vận động ngoài trời của các cháu Trường Mầm non xã Hiển Khánh (Vụ Bản).
Một buổi vận động ngoài trời của các cháu Trường Mầm non xã Hiển Khánh (Vụ Bản).

Ngay khi Nghị định 105 của Chính phủ về quy định chính sách phát triển GDMN được ban hành, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) đã tích cực tham mưu với HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố triển khai thực hiện nghiêm túc các chính sách theo Nghị định; đồng thời ban hành các văn bản về phát triển GDMN phù hợp với địa phương từng giai đoạn; chỉ đạo, hướng dẫn phòng GD và ĐT các huyện, thành phố kịp thời triển khai các văn bản và thực hiện nghiêm chế độ chính sách đối với trẻ và đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các cơ sở giáo dục (CSGD) mầm non trên địa bàn tỉnh. Ngành cũng chỉ đạo rà soát thực trạng và nhu cầu đầu tư, xây dựng kế hoạch cải tạo, nâng cấp trường lớp, cơ sở vật chất; đầu tư trường mầm non theo hướng chuẩn hóa, xanh - sạch - đẹp - an toàn; ưu tiên nguồn vốn từ các chương trình dự án và các nguồn thu hợp pháp khác để xây dựng đủ phòng học, đảm bảo cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi. Theo đó, tiến hành sáp nhập các trường mầm non lẻ có quy mô nhỏ trên địa bàn 1 xã, thị trấn thành 1 trường mầm non; nâng cấp cải tạo cơ sở vật chất để từng bước đạt chuẩn quốc gia, đáp ứng tiêu chí nông thôn mới (NTM). Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 230 trường mầm non; trong đó có 226 trường công lập, 4 trường tư thục, 115 nhóm trẻ độc lập tư thục, 190/230 trường đạt chuẩn quốc gia (156 trường đạt chuẩn mức độ I, 34 trường đạt chuẩn mức độ II), 166/230 trường đạt chuẩn xanh - sạch - đẹp - an toàn. Toàn tỉnh có 90,57% cán bộ quản lý, giáo viên khối mầm non đạt trình độ cao đẳng trở lên; 42,96% trình độ từ đại học trở lên.

Để đầu tư quy hoạch, phát triển mạng lưới trường, lớp GDMN, các Phòng GD và ĐT tích cực tham mưu UBND huyện, thành phố rà soát, bổ sung quy hoạch quỹ đất cho các CSGD mầm non với mục tiêu đảm bảo diện tích đất khi huy động 100% số trẻ ở tuổi nhà trẻ và mẫu giáo ra lớp; tham mưu, phối hợp với các ngành trong công tác duyệt thiết kế xây dựng trường, phòng học mới đảm bảo theo quy định của Bộ GD và ĐT, theo tiêu chuẩn Việt Nam 3907/TCVN. Trong năm học 2021-2022, toàn tỉnh xây dựng mới 124 phòng học, trong đó có phòng diện tích lên tới 106m2-113m2, kinh phí được đầu tư từ 1,3 đến 1,5 tỷ đồng. Để tăng cường các hoạt động cho trẻ ngoài không gian lớp học, các CSGD chú trọng đầu tư sân vườn với không gian xanh, an toàn, thân thiện, tăng cường vận động và các hoạt động trải nghiệm cho trẻ, có đơn vị được đầu tư với kinh phí 15 tỷ đồng. Trên địa bàn toàn tỉnh, tỷ lệ phòng học/nhóm đạt 1,0. 

Các CSGD đã xây dựng kế hoạch huy động các nguồn lực hợp pháp từ các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm để đầu tư phát triển GDMN, phục vụ việc dạy - học, tăng cường cơ sở vật chất theo đúng quy định. Trong năm học 2021-2022, các CSGD huy động được hơn 11 tỷ đồng. Đội ngũ giáo viên giảng dạy tại các cơ sở độc lập tư thục được các trường mầm non công lập tại địa bàn hỗ trợ về chuyên môn; tham dự các cuộc tập huấn do Phòng GD và ĐT, Sở GD và ĐT tổ chức; tham dự các hội thảo, hội nghị tập huấn chuyên đề; được trang bị đầy đủ tài liệu của lớp tập huấn. Trong 2 năm học 2020-2021 và 2021-2022, đã có 15.471 trẻ mầm non được hỗ trợ trên 10,204 tỷ đồng tiền ăn trưa theo Nghị định số 06/2018/NĐ-CP và Nghị định số 105/2020/NĐ-CP. 

Quá trình tổ chức thực hiện Nghị định 105/2020/NĐ-CP của Chính phủ, tỉnh ta có thuận lợi, đó là: Tiêu chí xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, trường đạt chuẩn xanh - sạch - đẹp - an toàn là một trong những tiêu chí trong bộ đánh giá đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu nên tạo điều kiện thuận lợi cho các trường mầm non được đầu tư xây dựng môi trường giáo dục, cơ sở vật chất, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng gặp phải khó khăn: Tỉnh có 6 khu công nghiệp (KCN) được phê duyệt thành lập, song mới có 3 trong 6 khu đi vào hoạt động. Tại các KCN chưa thành lập các trường mầm non, con công nhân làm việc trong các KCN chủ yếu học ở các trường nơi địa bàn công nhân cư trú; các doanh nghiệp hoạt động trong KCN chưa thực hiện việc hỗ trợ các CSGD trên địa bàn. 

Kết quả thực tiễn qua 2 năm thực hiện Nghị định 105/2020/NĐ-CP là căn cứ quan trọng cho thấy cần tiếp tục thực hiện chế độ, chính sách ưu đãi đối với trẻ mẫu giáo thuộc các đối tượng ưu tiên; quan tâm đến đối tượng là con công nhân, giáo viên giảng dạy tại các nhóm độc lập, tư thục gắn với KCN. Tại Nam Định, việc hỗ trợ ăn trưa cho trẻ mẫu giáo được thực hiện theo đúng quy định, đối tượng theo Quyết định 2984/QĐ-BGDĐT. Tuy nhiên, việc thực hiện một số chính sách khác tại tỉnh ta như: Chính sách hỗ trợ con công nhân, hỗ trợ nhóm trẻ độc lập tư thục được cấp phép hoạt động gắn liền với KCN, chính sách hỗ trợ giáo viên giảng dạy tại các nhóm/lớp có 30% là con công nhân được cân đối từ nguồn ngân sách địa phương còn gặp khó khăn do điều kiện nguồn thu ngân sách tỉnh còn hạn hẹp. Để từng bước tháo gỡ khó khăn, thực hiện chính sách đối với CSGD mầm non độc lập dân lập, tư thục ở địa bàn có KCN, nơi có nhiều lao động, mới đây, tại kỳ họp thứ chín, HĐND tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2021-2026, HĐND tỉnh đã ra Nghị quyết về “Quy định chính sách đối với CSGD mầm non độc lập dân lập, tư thục; trẻ em mầm non là con công nhân, người lao động; giáo viên mầm non làm việc tại CSGD mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có KCN của tỉnh Nam Định”. Theo đó: Hỗ trợ 160 nghìn đồng/trẻ/tháng đối với trẻ em đang học tại các CSGD mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập và hoạt động theo đúng quy định, có cha hoặc mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em là công nhân, người lao động đang làm việc tại các KCN được doanh nghiệp ký hợp đồng lao động theo quy định. Thời gian hưởng hỗ trợ tính theo số tháng học thực tế, nhưng không quá 9 tháng/năm học. Hỗ trợ 800 nghìn đồng/giáo viên/tháng đối với giáo viên mầm non đang làm việc tại CSGD mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập và hoạt động theo quy định ở địa bàn có KCN bảo đảm những điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định 105/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách phát triển GDMN. Thời gian hưởng hỗ trợ tính theo số tháng dạy thực tế trong năm học, mức hỗ trợ này nằm ngoài mức lương thỏa thuận giữa chủ CSGD mầm non dân lập, tư thục với giáo viên và không dùng để tính đóng hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp. Hỗ trợ 1 lần đối với các CSGD mầm non độc lập dân lập, tư thục ở địa bàn có KCN đã được cấp có thẩm quyền cấp phép thành lập theo đúng quy định có từ 30% trẻ em là con công nhân, người lao động làm việc tại KCN. Mức hỗ trợ 20 triệu đồng/cơ sở.

Để phát huy kết quả đạt được trong phát triển GDMN của tỉnh, thời gian tới ngoài việc phát triển chương trình GDMN phù hợp điều kiện của địa phương, nhà trường và khả năng, nhu cầu của trẻ, cần tập trung quản lý và tiếp tục đổi mới các hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ trong các cơ sở GDMN. Đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hóa giáo dục, huy động mọi nguồn lực xã hội, các tổ chức, cá nhân cùng tham gia phát triển GDMN, nhất là hệ thống GDMN ngoài công lập. Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm thêm đồ dùng dạy học, đồ chơi sáng tạo, nâng chất và chuẩn hóa đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non… để trẻ được nuôi dưỡng, giáo dục trong một môi trường lành mạnh, thân thiện, an toàn, tốt nhất cho sự phát triển của trẻ. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần ban hành một số chính sách đặc thù cho các địa phương chưa tự cân đối nguồn ngân sách để thuận lợi trong triển khai chính sách với các CSGD mầm non, đội ngũ và đối với trẻ./.

Bài và ảnh: Minh Thuận 
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com