Gìn giữ nét đẹp văn hóa đầu Xuân

08:28, 03/02/2023

Hàng năm, mỗi dịp Tết đến, Xuân về, người dân ở khắp mọi miền quê trong tỉnh lại nô nức tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao (TDTT) mừng Xuân mới; tổ chức các đoàn, hội du xuân, trẩy hội, với mong muốn nguyện cầu một năm mới bình an, mưa thuận gió hòa, người người, nhà nhà ấm no, hạnh phúc. Đây là những sinh hoạt văn hóa lành mạnh, bổ ích, là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân đầu Xuân mới cần được gìn giữ, phát huy.

Người dân xin chữ cầu may đầu năm mới ở Chùa Đại Bi, thị trấn Nam Giang
(Nam Trực).
Người dân xin chữ cầu may đầu năm mới ở Chùa Đại Bi, thị trấn Nam Giang (Nam Trực).

Đã thành thói quen, năm nào cũng vậy, sau khi hoàn tất nghi lễ cúng gia tiên, cúng thần linh tại gia đình, chị Nguyễn Thị Hoa, ở đường Bái, phường Lộc Vượng (thành phố Nam Định) cùng chồng, 2 cô con gái đến cửa chùa làm lễ, du xuân. “Tôi quan niệm đi lễ chùa ngay sau thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới sẽ giúp gia đình có được sự an lạc, cả năm may mắn. Đồng thời, mong muốn các con, các cháu biết đến, trân trọng nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình”, chị Hoa cho biết. Cũng như chị Hoa, nhiều người Việt luôn tin rằng, đi lễ chùa đầu năm không chỉ là để ước nguyện mà đó còn là thời gian để con người tìm về với chốn tâm linh bỏ lại phía sau bao vất vả trong cuộc mưu sinh. Về nơi cửa Phật, hòa vào dòng người đi lễ đầu năm, giữa không gian thanh tịnh, bất kì ai cũng cảm nhận được sự giao hòa của đất trời khi vào xuân, sự thành tâm trong lòng mỗi người. Có lẽ vì vậy mà tại các chùa chiền, miếu mạo trên địa bàn tỉnh những ngày đầu năm mới luôn tấp nập người đến tham quan vãn cảnh, đặc biệt trong đó không thiếu những người trẻ. Hòa vào dòng người trẩy hội du xuân tại Khu di tích lịch sử - văn hóa quốc gia đặc biệt Đền Trần - Chùa Tháp, phường Lộc Vượng (thành phố Nam Định), Nguyễn Thị An, xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc), sinh viên năm 2, Trường Đại học Mỹ Thuật Công nghiệp Hà Nội chia sẻ: “Từ khi học lớp 11, Tết nào em cũng cùng 2 người bạn thân ra Đền Trần thắp hương, vãn cảnh chùa. Ngoài đi cầu may đường công danh, em còn tìm được cảm hứng sáng tác vẽ tranh phong cảnh khi ra đây. Chính từ khung cảnh ấn tượng ở Đền Trần đã giúp em vẽ được những tác phẩm ấn tượng, được thầy, cô giáo đánh giá cao”.

Mùa xuân này, về nhiều làng xã trong tỉnh, dễ dàng bắt gặp các cụ cao tuổi trong những bộ áo cánh vàng, cánh đỏ dự hội yến lão (mừng thọ). Lễ hội yến lão không chỉ là nét đẹp văn hóa đầu năm thể hiện sự tôn trọng, lòng hiếu thảo của con cháu đối với ông, bà, cha, mẹ, các bậc cao niên; mà còn là dịp giáo dục, răn dạy con cháu cách đối nhân xử thế, đồng thời động viên người cao tuổi tích cực tham gia các hoạt động xã hội góp phần xây dựng quê hương. Mỹ tục yến lão là do đạo hiếu mà ra. Khi đã vào tuổi vãn niên, tóc bạc da mồi, các cụ già được nhân dân trong làng quý trọng, quan tâm, con cháu sum vầy. Để chuẩn bị cho lễ hội yến lão, tối hôm trước ngày làm lễ, cũng như nhiều cụ cao niên khác ở xã Đại An (Vụ Bản), cụ Nguyễn Thị Hồng tất bật sửa soạn quần áo, khăn mũ để ngày mai chuẩn bị dự hội. Theo đó, dịp này những cụ tuổi từ 70 trở lên trong xã sẽ được chính quyền điạ phương, làng xóm, con cháu tổ chức lễ hội yến lão. Trong ngày hội, các cụ mặc bộ áo chùng, khăn xếp, màu sắc được phân theo tuổi tác. Cụ 70 tuổi được làng trao khăn đỏ; cụ 80 tuổi được làng may áo vàng, khăn đỏ; cụ 90 tuổi được làng may áo đỏ, khăn đỏ… Sau khi làm lễ ở chùa, lễ rước lên đền, các cụ được đại diện chính quyền địa phương trao bằng công nhận người cao tuổi. Cụ Hồng xúc động chia sẻ: “Con cháu ở gần đều đến, đứa ở xa không về được cũng gửi quà biếu bố mẹ. Niềm vui của tuổi già ngoài được thấy con cháu trưởng thành, còn nhận được sự quan tâm của xã hội. Chúng tôi rất mừng khi trong làng, ngoài xã vẫn giữ được những mỹ tục này để động viên những người già và thông qua đó giáo dục con cháu đạo lý hiếu đễ với cha mẹ, kính trọng người cao tuổi”.

Vài năm trở lại đây, mỗi độ Xuân về, Tết đến ở một số lễ hội Xuân trên địa bàn tỉnh xuất hiện hình ảnh các “ông đồ” mặc áo dài, khăn đóng ngồi viết thư pháp, cho chữ lấy may. Những nét chữ còn nguyện vẹn mùi mực được các thư pháp gia hay còn gọi là “ông đồ” viết trên nền giấy dó, giấy điệp. Người đến xin chữ “ông đồ” rất đa dạng. Có học sinh, sinh viên, có cả những người lớn tuổi, công chức, viên chức Nhà nước, các bà, các chị… Họ xin chữ với mong muốn năm mới mọi điều tốt lành, thuận lợi. Ngoài xin chữ cho mình, nhiều người còn xin chữ để tặng ông bà, cha mẹ, anh em, bạn bè nhằm gửi gắm những lời chúc may mắn. “Ông đồ” Trần Thanh Phúc, đường Trần Phú (thành phố Nam Định) cho biết: “Khách hàng đến xin chữ của tôi thường chọn các chữ như: “phúc”, “đức”, “lộc”, “an”… hoặc có người lại muốn xin chữ “duyên”, “khang”, chữ “trí”... Tuy xin các chữ khác nhau, song tựu trung, mọi người đều muốn những con chữ mà mình mang về treo trong nhà sẽ góp phần giúp ước vọng của bản thân thành hiện thực”. Chị Nguyễn Thị An, phường Hạ Long cầm trên tay chữ “thuận” cho con gái lớn thi vào đại học năm nay cho biết: “Tôi mong muốn việc thi cử, học hành của con gái thuận lợi nên đến xin chữ ông đồ mang về treo trước bàn học, động viên con. Con tôi cũng rất thích chữ này, hứa sẽ cố gắng chăm chỉ học hành hơn nữa. Tôi thấy việc xin chữ đầu năm này rất hay và văn hóa”. Cùng với nhịp sống đang ngày một hối hả, tục cho chữ, xin chữ dịp đầu xuân đã và đang trở thành “sợi chỉ” vô hình gắn kết giá trị văn hóa tinh thần, hướng con người ta đến các giá trị “chân - thiện - mỹ”.

Ngoài các sinh hoạt văn hóa trên, mỗi dịp Tết đến, Xuân về, ở hầu khắp các địa phương trong tỉnh còn diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao vui Xuân, đón Tết, tạo không khí mừng Đảng, mừng Xuân, khơi gợi và lưu giữ lại nét đẹp văn hóa của dân tộc. Theo đó, ở nhiều các miền quê, làng xã, tổ dân phố… người dân nô nức tham gia vào các trò chơi dân gian, các trận đá bóng, bóng chuyền hơi, bơi chải, các lễ hội, lễ chào cờ đầu năm… Đặc biệt, tại các đền chùa và nhiều di tích thờ cúng các thành hoàng làng, danh nhân lịch sử, văn hóa… ngoài hoạt động tín ngưỡng tâm linh còn diễn ra các tiết mục văn nghệ như hát chèo, hát xẩm… nhằm gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể - một trong những loại hình nghệ thuật trong sinh hoạt văn hóa của cộng đồng người Việt. Từ đó, góp phần làm phong phú, tươi mới đời sống tinh thần của nhân dân./. 

Bài và ảnh: Hoa Quyên
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com