Bảo tồn và phát huy giá trị di tích từ đường dòng họ Vũ Đông

07:49, 03/02/2023

Xã Thành Lợi (Vụ Bản) là vùng đất giàu di sản văn hóa với các di tích lịch sử, phong tục tập quán và nhiều loại hình nghệ thuật văn nghệ dân gian gắn với lễ hội vẫn còn được người dân gìn giữ. Trong xây dựng đời sống văn hóa, xã luôn chú trọng công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của các di tích lịch sử tại địa phương. Từ đường họ Vũ Đông - nơi thờ Thủy tổ Đạo Thông, người có công đầu trong việc khai hoang lập ấp tại địa phương là một trong những di sản được gìn giữ và phát huy giá trị một cách hiệu quả.

Lễ rước Bằng xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh Từ đường họ Vũ Đông, xã Thành Lợi (Vụ Bản). 
Ảnh: Do cơ sở cung cấp
Lễ rước Bằng xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh Từ đường họ Vũ Đông, xã Thành Lợi (Vụ Bản).  Ảnh: Do cơ sở cung cấp

Theo lịch sử địa phương, Vũ Đông là dòng họ đầu tiên trong “Thập bát gia tiên” khai điền lập ấp hình thành nên mảnh đất Quả Linh hiện nay. Từ đường họ Vũ Đông là nơi thờ tự Thủy tổ Đạo Thông và các vị tổ kế thành. Thuỷ tổ Đạo Thông là vị tổ đầu tiên đến khai hoang lập ấp, phát triển đời sống nhân dân ở vùng đất Cảo Linh xưa (nay là xã Thành Lợi). Ông còn là người đặt nền móng cho sự hình thành, phát triển của dòng họ Vũ Đông và cộng đồng dân cư xã Thành Lợi ngày nay.

Tại Cảo Linh, Thủy tổ Đạo Thông cùng 17 vị tổ các dòng họ kế tiếp đóng góp công sức phát triển vùng đất này trên nhiều lĩnh vực. Về nông nghiệp, các vị tổ cùng nhau hợp sức đắp đê ngăn biển, đào mương vượt thổ, thau chua rửa mặn, cải tạo những cánh đồng hoang hóa để thuận lợi cho việc canh tác, trồng trọt, phát triển nền sản xuất nông nghiệp bản địa. Về thương nghiệp, mở chợ Gạo để buôn bán hàng hóa, cung cấp con giống, cây giống cho các vùng xung quanh. Nơi đây đã trở thành một trong 5 chợ lớn, là trung tâm kinh tế của miền hạ đất Thiên Bản xưa. Bên cạnh lấy nông nghiệp làm nghề chính, về thủ công nghiệp các vị tổ còn phát triển nghề dệt vải màn từ nguyên liệu cây bông gạo, trở thành một nghề truyền thống còn lưu giữ được đến tận ngày nay. Về văn hóa, tín ngưỡng, xây dựng đình, đền thờ những vị thần thiên nhiên để cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Cùng với việc thờ tự tại các từ đường từng dòng họ riêng biệt, ghi nhận công lao khai cơ lập ấp của Thủy tổ Đạo Thông và các vị tổ dòng họ khác, nhân dân địa phương đã lập đền thờ Thập bát gia tiên để tri ân công đức.

Từ đường họ Vũ Đông được xây dựng dưới thời nhà Nguyễn, thế kỷ XIX. Theo nội dung chữ Hán ghi trên thượng lương thì hậu đường được dựng vào năm Giáp Tuất niên hiệu Tự Đức (1874) và tiền đường được dựng vào năm Mậu Thìn niên hiệu Bảo Đại (1928). Trải qua nhiều lần tôn tạo, công trình hiện nay còn bảo lưu được phong cách kiến trúc truyền thống của dân tộc. Từ đường tọa lạc trong một khuôn viên rộng 326m2, mặt quay hướng nam, kết cấu kiến trúc kiểu chữ Nhị gồm 2 tòa: Tiền đường 3 gian 2 chái, hậu đường 3 gian. Bộ khung dựng bằng chất liệu gỗ lim, mái lợp ngói nam. Tại từ đường còn lưu giữ được một số hiện vật có giá trị lịch sử văn hóa tiêu biểu như: Đại tự, ngai thờ, câu đối, gia phả, thần chủ, bia đá,… Đến nay, dòng họ Vũ Đông đã truyền được 19 đời, gồm 2 chi 7 phái với 1.250 suất đinh. Nối tiếp truyền thống ông cha, các thế hệ con cháu dòng họ có nhiều đóng góp đáng tự hào trong quá trình dựng nước và giữ nước.

Bên cạnh những giá trị về lịch sử, những sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng diễn ra tại từ đường hàng năm là dịp để con cháu hướng về cội nguồn, thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” góp phần gìn giữ gia phong, nâng cao tinh thần đoàn kết trong dòng họ. Theo các bậc cao niên trong dòng họ thì trước đây tại từ đường tổ chức nhiều ngày lễ, ngày giỗ nhằm tôn vinh, tưởng nhớ công lao của Thủy tổ và các vị tổ dòng họ. Trải qua thời gian, những nghi thức tế, lễ tại từ đường đã có nhiều thay đổi. Hàng năm, tại từ đường dòng họ Vũ Đông diễn ra 2 kỳ lễ chính tổ chức vào tháng Chín và tháng Chạp âm lịch. Lễ kỵ Thủy tổ Đạo Thông được tiến hành trong 2 ngày 4 và 5-9 âm lịch. Sáng ngày mồng 5, ngày chính kỵ, trong không khí trang nghiêm hòa cùng tiếng nhạc, tiếng trống, đội tế lễ với phẩm phục theo quy định tiến vào sân hành lễ thực hiện nghi lễ tế và rước lễ vật dâng lên tiên tổ với tấm lòng thành kính. Đội tế mở cửa từ đường, con cháu trong dòng họ bắt đầu tiến vào dâng hương cúng tổ. Sau khi nghi thức dâng hương kết thúc, Ban trị sự dòng họ đọc chúc văn ôn lại công lao của các vị tổ đối với quê hương, đất nước, cầu mong tiên tổ phù hộ cho con cháu có một năm “mưa thuận gió hòa”, người người khỏe mạnh, công danh sự nghiệp hiển vinh. Ngày lễ tiếp tục diễn ra với việc con cháu thăm hỏi chúc thọ các cụ thái lão trong họ. Buổi tối tiếp diễn với hoạt động hát văn chầu tổ và hoạt động khuyến học, khuyến tài tuyên dương con em trong dòng họ đạt thành tích học tập tốt. Lễ tất niên thường được tổ chức ngày 15-12 âm lịch. Đây là dịp để dòng họ bàn tổng kết những việc đã làm được trong một năm qua và đề ra kế hoạch cho năm mới. Sau đó con cháu tiến hành lễ tạ và đóng cửa từ đường kết thúc kỳ lễ cuối cùng của năm. Bên cạnh những kỳ lễ diễn ra tại từ đường, con cháu dòng họ Vũ Đông cũng tích cực đóng góp công sức, tham gia vào các lễ hội chung của làng. Ba năm một lần vào các năm Dần - Thân - Tỵ - Hợi, làng tổ chức Lễ hội Thái bình xướng ca từ ngày 9 đến ngày 11 tháng 3 âm lịch nhằm tưởng nhớ sự kiện vua Trần đánh thắng giặc Nguyên - Mông. Với vị thế là dòng họ có vị tổ đầu tiên về khai hoang lập ấp ở Quả Linh, trong nghi lễ rước kiệu Thánh và nhang án của các dòng họ tập trung tại Đám Hát, nhang án họ Vũ Đông được đi đầu tiên trong số các dòng họ và được sắp đặt ở vị trí trang trọng. Sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng hàng năm tại Từ đường họ Vũ Đông đã phản ánh được lòng biết ơn của con cháu đối với Thủy tổ và các vị tổ của dòng họ, những người đã sinh thành và gây dựng nên cuộc sống tốt đẹp cho con cháu ngày nay. Đó là nét đẹp văn hóa truyền thống cần được bảo tồn và phát huy.

Với những giá trị văn hóa tiêu biểu, ngày 15-12-2022, Từ đường họ Vũ Đông, xã Thành Lợi (Vụ Bản) đã được UBND tỉnh cấp bằng xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh tại Quyết định số 2349/QĐ-UBND. Ngày 6-1-2023, UBND xã Thành Lợi đã tổ chức lễ đón nhận Bằng công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh cho từ đường. Việc công nhận, xếp hạng di tích Từ đường họ Vũ Đông không chỉ là sự cổ vũ, động viên con cháu dòng họ Vũ Đông mà còn là niềm vui, tự hào của cả cán bộ và nhân dân xã Thành Lợi. Như vậy đến nay trên địa bàn xã đã có 5 di tích lịch sử văn hóa được công nhận và xếp hạng, gồm 1 di tích cấp quốc gia và 4 di tích cấp tỉnh./.

Huyền Trang



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com