Quang Trung bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống

08:16, 09/12/2022

Xã Quang Trung (Vụ Bản) là vùng đất cổ - nơi lưu đậm dấu ấn văn hóa của đất “Thiên Bản lục kỳ” xưa. Trải qua quá trình hình thành và phát triển, đến nay nhân dân xã Quang Trung vẫn gìn giữ được những giá trị văn hóa tốt đẹp qua các biểu trưng truyền thống như cây đa, giếng nước, mái đình, những phong tục, lễ hội, làng nghề truyền thống.

Giếng cá làng Giáp Ba, xã Quang Trung (Vụ Bản).
Giếng cá làng Giáp Ba, xã Quang Trung (Vụ Bản).

Đậm đặc thiết chế văn hóa cổ

Các thôn trong xã Quang Trung đều có cơ sở tôn giáo thờ thành hoàng làng và các vị phúc thần. Trong đó, tiêu biểu là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia Đền Giáp Nhất. Đền thờ nữ danh tướng Đào Quý Nương và tướng Hoàng Đức Công có công giúp Hai Bà Trưng đánh giặc Đông Hán xâm lược. Để tưởng nhớ công ơn của 2 vị nhân dân đã lập đền thờ tri ân công đức. Trải qua thời gian, Đền Giáp Nhất vẫn bảo lưu giá trị nghệ thuật kiến trúc độc đáo với các hạng mục: Nghi môn, giếng nước, siêu hương, tiền đường, cung cấm và hành lang. Ngoài công trình kiến trúc, đền còn bảo lưu khá nguyên vẹn các di vật, cổ vật như: Các đạo sắc phong có niên đại Cảnh Hưng thứ 44 (1783), Thành Thái năm thứ nhất (1889), Khải Định năm thứ 9 (1924) cùng ngọc phả, thần vị, câu đối, đại tự... Trong đó, đáng chú ý là đôi câu đối: “Hùng xưng nữ giới song Trưng tướng; Linh hiển Nam châu Nhất Giáp thần” dịch là: “Tướng của Hai Bà Trưng là một nữ anh hùng; Linh hiển ở nước Nam là thần của Giáp Nhất”. Hàng năm, để tưởng nhớ ngày sinh và ngày kỵ của nữ tướng Đào Quý Nương, xã tổ chức trang trọng phần lễ với các nghi thức tế, phần hội với các trò chơi dân gian như đánh cờ người, thi nấu cỗ… Ở thôn Hội có đền thờ Linh Lang Đại vương là Hoàng tử thứ 7 của vua Lý Thái Tông và thờ phúc thần tiến sĩ Trần Xuân Vinh. Ngôi đền có kiến trúc độc đáo với tiền đình 4 mái, chạm trổ theo phong cách nghệ thuật điêu khắc thời Nguyễn (1928). Ở thôn Bất Di có đền thờ Vua Mây Phạm Bạch Hổ. Ông có công giúp Vua Đinh thống nhất đất nước, sau giúp Lê Hoàn chống giặc Tống. Đây là ngôi đền cổ nhất ở xã Quang Trung còn lưu giữ khá nguyên vẹn kiến trúc đời Hậu Lê với những mảng chạm bong tứ linh, long sàng điêu khắc thế kỷ XVII...

Bên cạnh các đình, đền, phủ, miếu, theo quan niệm từ xưa ở xã Quang Trung, giếng vừa là nơi cung cấp nguồn nước sạch cho cuộc sống của cộng đồng dân cư vừa mang ý nghĩa tâm linh điều hòa phong thủy. Hiện nay, xã còn lưu giữ được giếng cổ ở xóm Sôi Phủ, giếng Cá làng Giáp Ba, giếng xóm Hội, giếng xóm Làng. Theo các tài liệu cổ, giếng Cá làng Giáp Ba, xã Quang Trung có từ thời Hậu Lê. Trước kia giếng được đắp bờ đất, sau đó cụ tiên chỉ của làng là Bùi Thiện Hợi (tự Phúc Bổng) hưng công xây dựng kè bờ gạch cho giếng. Năm 2011, hậu duệ đời thứ 7 của cụ Bùi Thiện Hợi là ông Bùi Thiện Hân đã phát tâm công đức và vận động nhân dân địa phương kè giếng, nâng bờ gạch với tổng kinh phí trên 100 triệu đồng. Điểm đặc biệt ở giếng Cá làng Giáp Ba là có một giếng to và một giếng nhỏ sát nhau. Giếng nhỏ nằm ở giữa phía trước giếng to, trên bờ giếng có đặt bát hương thờ Thần Tỉnh (thần Giếng). Hàng tuần dân làng đều chăm lo việc dọn vệ sinh xung quanh giếng. Năm 2016, giếng cổ được cải tạo xây, kè bờ cao hơn mặt đường với kinh phí 150 triệu đồng do nhân dân địa phương và con em xa quê đóng góp.

Gìn giữ không gian làng quê 

Về xã Quang Trung hiện nay, du khách cảm nhận được nhiều đổi thay từ diện mạo của làng quê nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; trong đó có những con đường hoa rực rỡ chạy dài, những bức tường rêu phong hay loang lổ vôi vữa trước đây được thay bằng những bức tranh sinh động, giàu ý nghĩa. Từ năm 2018, UBND xã Quang Trung đã triển khai kế hoạch mời các họa sĩ về vẽ tranh bích họa làm đẹp làng quê. Để chuẩn bị các điều kiện vẽ tranh, các họa sĩ đã khảo sát các địa điểm, sau đó tiến hành đo đạc, hoàn thiện hàng trăm bản mẫu phác thảo để UBND xã Quang Trung phê duyệt. Nhiều bức tranh thể hiện sự kỳ công của các họa sĩ như: cây đa, giếng nước, sân đình, nông thôn ngày nay, tháp Phổ Minh, cổng làng… Bức tranh tường “Cây đa, giếng nước, sân đình” với kích thước dài 6m, rộng 2m với gam màu xanh của bầu trời và lá cây bao quanh thể hiện sự trong lành của làng quê. Trung tâm bức tranh là gam màu nóng nổi bật với chi tiết giếng làng và người phụ nữ đang quét lá rơi biểu đạt sự ấm áp, giản dị của người dân thôn quê. Còn ở Trường THCS Quang Trung, bức tường dài hơn 70m được các họa sĩ sáng tác nhiều tác phẩm với nội dung dễ hiểu, dễ tiếp cận đối tượng học sinh như: chung tay nhặt rác, biển, đảo quê hương, hãy chăm đọc sách… Từ khi có những bức tranh tường, cảnh quan làng quê của xã Quang Trung đã sống động hơn. Đặc biệt ý thức bảo vệ môi trường của người dân được nâng cao, tình trạng quảng cáo rao vặt lem nhem trên tường đã không còn. 

Các bức tranh bích họa ở xã Quang Trung (Vụ Bản) với thông điệp bảo vệ môi trường góp phần nâng cao ý thức của thế hệ trẻ.
Các bức tranh bích họa ở xã Quang Trung (Vụ Bản) với thông điệp bảo vệ môi trường góp phần nâng cao ý thức của thế hệ trẻ.

Với đặc thù có làng nghề rèn truyền thống có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường như tiếng ồn, tro bụi, khí than. Để thực hiện có hiệu quả phong trào xây dựng làng quê sáng - xanh - sạch - đẹp, Đảng ủy, UBND xã Quang Trung đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các đoàn thể chính trị - xã hội vận động hội viên, nhân dân hưởng ứng phong trào. Trong đó, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ trồng các loại cây bóng mát, hoa theo quy hoạch của UBND xã. Riêng khu vực làng nghề, xã đã chỉ đạo thành lập “Đội tuyên truyền viên bảo vệ môi trường làng nghề”, ‘‘Phụ nữ với phong trào bảo vệ môi trường làng nghề’’ để quản lý, giám sát việc thực hiện đảm bảo vệ sinh môi trường theo đúng quy định của pháp luật. Xã còn phát động phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”, thường xuyên huy động đội tuyên truyền viên, đoàn viên, hội viên phụ nữ và cộng đồng dân cư tham gia tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh, sông ngòi; trồng và bảo vệ cây xanh, làm cỏ, trồng thêm hoa tại các tuyến đường gắn biển Hội Phụ nữ tự quản, Đoàn Thanh niên tự quản. Đến nay, ý thức của người dân trong công tác bảo vệ môi trường đã nâng lên rõ rệt. Địa phương đã quy hoạch, xây dựng 2 bãi chôn lấp, xử lý rác thải tập trung. Tỷ lệ hộ dân tham gia dịch vụ thu gom vận chuyển và xử lý rác thải của xã đạt 98%. Các hộ sản xuất nghề rèn thủ công thực hiện lập đề án bảo vệ môi trường đơn giản, cam kết bảo vệ môi trường đạt 100%; không để xảy ra tình trạng vứt rác bừa bãi ra hành lang đường và xuống các kênh mương. Toàn xã đã trồng cây bóng mát cho 7 tuyến đường với tổng chiều dài là 8km; 8 tuyến đường hoa kiểu mẫu với tổng chiều dài 5km; lắp đặt, trang bị các thùng đựng rác tại các khu vực công cộng, trụ sở cơ quan, trường học, trạm y tế xã...

Những di tích lịch sử - văn hoá, những tín ngưỡng dân gian, làng nghề truyền thống cùng với không gian văn hoá “cây đa, giếng nước, sân đình” đã tạo nên vẻ cổ kính của vùng đất Quang Trung. Trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, xã Quang Trung đang “thay da, đổi thịt” từng ngày nhưng các giá trị văn hóa thuần Việt vẫn hiện hữu và được gìn giữ, phát huy. Đó là sức mạnh nội lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã tạo ra bước phát triển bền vững về kinh tế - xã hội trong thời kỳ mở cửa, hội nhập./.

Bài và ảnh: Viết Dư
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com