Phát huy giá trị truyền thống trong xây dựng đời sống văn hóa

07:44, 09/12/2022

Mảnh đất Nam Định là nơi hội tụ nhiều giá trị văn hóa truyền thống gắn với lịch sử hình thành, phát triển của những địa danh cổ có tuổi đời trên 1.000 năm và những miền đất mới được dựng nên trong quá trình khai hoang, lấn biển, lập ấp của cha ông. Đó là truyền thống yêu nước, đấu tranh chống giặc ngoại xâm; cần cù, đoàn kết trong lao động, sản xuất; hiếu học, vượt khó vươn lên của người dân. Không chỉ là vùng đất mang đậm dấu ấn văn hóa vật chất, Nam Định còn là nơi sản sinh, giao thoa và lan tỏa nhiều giá trị văn hóa dân gian với những câu ca truyền miệng, những làn điệu dân ca, dân vũ đặc sắc (hát chèo, hát văn, ca trù), tinh hoa văn hóa làng nghề… gắn với lịch sử, giai thoại về Đức Thánh Trần và Thánh Mẫu Liễu Hạnh, thân thế, sự nghiệp của các vị hoàng đế, tướng lĩnh, danh nhân văn hóa, các bậc hiền tài, chiến sĩ cách mạng tiền bối, nhà văn, nhà thơ, nhà giáo... Trải qua nhiều thế hệ, những giá trị tư tưởng, giàu tính nhân văn của đất và người Nam Định vẫn luôn được gìn giữ, kế thừa, trao truyền và phát huy trong cuộc sống hôm nay, tạo nên dòng chảy văn hóa xuyên suốt giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp đó trở thành nguồn sức mạnh nội sinh giúp quê hương vững bước trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa và đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.

Múa rồng trong các sự kiện văn hóa, thể thao là nét đẹp văn hóa dân gian của huyện Ý Yên.
Múa rồng trong các sự kiện văn hóa, thể thao là nét đẹp văn hóa dân gian của huyện Ý Yên.

Nhận thức sâu sắc vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh là cơ sở để ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, nếp sống văn hóa cộng đồng; chú trọng khai thác, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương và sự phát triển chung của xã hội hiện đại, tiến bộ, văn minh. Thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, Kết luận số 75-KL/TU ngày 14-12-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 07 xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh”, các địa phương đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong thực hiện công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở với các nội dung: xây dựng gia đình, khu dân cư, trường học, cơ quan, đơn vị có môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh; phát huy hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở; đẩy mạnh phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trong cộng đồng; giữ gìn, phát huy giá trị các di tích, di sản văn hóa…

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM) đóng vai trò quan trọng cốt lõi, bao trùm các lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo hiệu ứng tích cực đối với công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, nhất là trong việc củng cố mối quan hệ trong gia đình, dòng họ, làng, thôn, xóm, tổ dân phố. Từ việc kế thừa các giá trị văn hóa truyền thống và bổ sung, xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn mới về gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa đã dần hình thành những chuẩn mực về nếp sống của người dân, trở thành nét đẹp văn hóa của cả cộng đồng. Đến nay, toàn tỉnh có 87,2% gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”, 98% làng, thôn, xóm, tổ dân phố được công nhận danh hiệu “Khu dân cư văn hóa”. Những kết quả tích cực từ các phong trào tại cơ sở đã khơi dậy niềm tin, sức sáng tạo, đoàn kết trong nhân dân, khẳng định và phát huy được “sức mạnh mềm” của văn hóa vào phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội… Đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân ngày càng phong phú. Nhiều phong tục tập quán tốt đẹp được bảo tồn, phát huy, các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan dần được xóa bỏ, gắn với việc thực hiện quy ước, hương ước làng, thôn, xóm, tổ dân phố. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được chú trọng; đã huy động các nguồn lực hợp pháp cho việc tôn tạo, chống xuống cấp, bảo vệ các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được công nhận, xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, cấp quốc gia và cấp tỉnh, các di tích nằm trong danh mục kiểm kê; gìn giữ, trao truyền các di sản văn hóa đã được Bộ VH, TT và DL, UNESCO ghi danh cấp quốc gia và đại diện của nhân loại; đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong việc tổ chức các lễ hội truyền thống, nhất là các lễ hội có quy mô lớn như: Lễ hội Khai ấn Đền Trần (thành phố Nam Định), Lễ hội Phủ Dầy (Vụ Bản), Lễ hội Chùa Keo Hành Thiện (Xuân Trường), hội Chợ Viềng Xuân (Nam Trực, Vụ Bản)...

“Tiếp tục khơi dậy truyền thống văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực con người để xây dựng tỉnh Nam Định phát triển nhanh và bền vững. Chú trọng bảo vệ môi trường và phát triển toàn diện lĩnh vực văn hóa, xã hội…”. Đó là những mục tiêu đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025. Những thành tựu đã đạt được trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh sau 2 năm thực hiện Nghị quyết có vai trò quan trọng của quá trình phát huy các giá trị truyền thống của quê hương. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo, phê duyệt, thực hiện các chương trình, đề án, chiến lược trên các lĩnh vực văn hóa, thể thao, di sản trên địa bàn tỉnh như: “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới”; “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”; “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2025”; “Phát triển văn hóa đến năm 2030”; “Phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030”; “Triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2021-2026”; “Phát triển thể dục thể thao giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Các chương trình, đề án, chiến lược đã đề ra những nội dung, mục tiêu cụ thể, giải pháp thực hiện đồng bộ nhằm đạt được mục tiêu chung là phát huy các giá trị truyền thống của địa phương trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh, xây dựng văn hóa, con người quê hương Nam Định đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập, để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com