Cộng đồng trách nhiệm đảm bảo chất lượng bữa ăn bán trú cho học sinh

08:48, 06/01/2023

Thời gian gần đây, tại một số trường học trên toàn quốc xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP) với số lượng học sinh bị ngộ độc nhiều khiến các bậc phụ huynh không khỏi lo lắng về nguy cơ mất an toàn thực phẩm (ATTP) bữa ăn bán trú trong trường học. Sau một loạt sự việc đáng tiếc và đáng trách vừa xảy ra, nhiều cơ sở giáo dục (CSGD) trên địa bàn tỉnh đã phối hợp các cơ quan chức năng ráo riết kiểm tra, rà soát lại các quy trình sản xuất bữa ăn bán trú tại trường.

Học sinh trong giờ ăn trưa.
Ảnh minh họa: internet

Học sinh trong giờ ăn trưa.

Ảnh minh họa: internet

Toàn tỉnh có 740 trường học từ mầm non đến THPT, trong đó hơn 300 trường học (230/230 trường mầm non, 60/227 trường tiểu học và một số trường THCS, THPT) tổ chức cho trên 132 nghìn học sinh ăn bán trú tại trường. Để đảm bảo ATTP bếp ăn trường học, hàng năm, 2 ngành: GD và ĐT và Y tế kiểm tra điểm tại 30 trường học ở các nội dung theo quy định. Cụ thể: Năm học 2021-2022, qua kiểm tra, cho thấy 27 trường đạt nội dung “Nhà ăn, căng tin thông thoáng, đủ ánh sáng, cửa sổ có lưới chống chuột, côn trùng”; 30 trường đạt “Nơi chế biến thức ăn được thiết kế theo nguyên tắc 1 chiều, có đủ dụng cụ chế biến, bảo quản, sử dụng riêng thực phẩm sống và thức ăn chín”; 28 trường đạt “Dụng cụ chứa thức ăn và sử dụng để ăn uống được làm bằng vật liệu dễ làm vệ sinh và không thôi nhiễm yếu tố độc hại”; 30 trường “Có lưu mẫu thức ăn theo quy định”; 30 trường “Có đủ phương tiện, trang thiết bị phục vụ làm vệ sinh, khử trùng”; 30 trường “Có nguồn nước sạch và chỗ rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn”; 25 trường đạt “Nhân viên nhà bếp, căng tin được tập huấn về an toàn thực phẩm, có giấy chứng nhận sức khỏe theo quy định của Bộ Y tế”; 28 trường đạt “Người trực tiếp làm tại nhà ăn, nhà bếp có mặc trang phục bảo hộ”. 2 ngành cũng phối hợp triển khai các chương trình y tế, trong đó có hoạt động truyền thông về nội dung ATTP, phòng chống NĐTP tại 460/750 trường học. Đầu năm học 2022-2023 đã phát sinh một số vấn đề gây bức xúc trong dư luận, trong đó có việc mất ATTP trong trường học. Trước tình hình đó, Sở GD và ĐT đã có văn bản chỉ đạo các nhà trường về công tác đảm bảo ATTP tại các CSGD có nuôi ăn bán trú, nội trú. Các đơn vị cung cấp thực phẩm cho các CSGD phải chấp hành nghiêm túc quy định về ATTP, chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu bị phát hiện vi phạm quy định hoặc để xảy ra sự cố mất ATTP ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh. Ưu tiên sử dụng nguồn thực phẩm được chứng nhận an toàn của địa phương. CSGD, các cơ quan chức năng của địa phương kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm; thời hạn sử dụng sản phẩm (sữa, nước giải khát, dầu ăn, nước mắm…) với giấy phép kinh doanh, hợp đồng cung cấp thực phẩm; kiểm soát các khâu: chế biến, bảo quản, vận chuyển, quy trình giao nhận, kiểm thực, lưu mẫu thực phẩm theo đúng quy định.

Sở Y tế đã phối hợp với Sở GD và ĐT tổ chức đợt kiểm tra tại 60 trường có bếp ăn tập thể. Các huyện, thành phố thực hiện kiểm tra giám sát các đơn vị, trường học tổ chức ăn bán trú ngoài danh sách Sở Y tế đã kiểm tra. Kết quả cho thấy đa số các bếp ăn trường học có giấy phép hoạt động; nhà trường thực hiện khám sức khỏe định kỳ và tập huấn kiến thức về ATTP cho người trực tiếp chế biến thức ăn. Việc chế biến thực phẩm cũng được các nhà trường tuân thủ theo đúng nguyên tắc 1 chiều, tránh chồng chéo trong các khâu sơ chế, chế biến và giữa các thực phẩm sống, chín. Ngoài ra, hàng ngày nhà trường đều thực hiện lưu mẫu thức ăn trong 24 giờ theo quy định. Tuy nhiên, qua kiểm tra cũng cho thấy một số tồn tại: Một số bếp ăn, việc vệ sinh dụng cụ ăn uống của trẻ chưa đạt yêu cầu; ý thức thực hành quy định an toàn trong chế biến thực phẩm của một số nhân viên chưa cao, không đeo găng tay khi chia suất ăn; một số trường học chưa đủ các điều kiện tự nấu tại chỗ theo quy định nên đã ký hợp đồng với các đơn vị cung cấp suất ăn sẵn, dẫn đến việc giám sát, kiểm tra của nhà trường về đảm bảo an toàn của nguồn thực phẩm đầu vào, quá trình sơ chế, chế biến thực phẩm gặp khó khăn...

Cùng với việc đảm bảo bữa ăn an toàn cho trẻ, thì việc đảm bảo dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn để nâng cao sức khỏe cho trẻ, giúp trẻ phát triển toàn diện cả về thể lực và trí lực là rất quan tâm. Rất nhiều trường đã thực hiện tốt việc đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho học sinh bữa ăn bán trú như: ghi sổ đầy đủ số lượng thực phẩm nhập hàng ngày dưới sự giám sát chặt chẽ của đại diện Ban giám hiệu phụ trách; trường xây dựng thực đơn hợp lý theo từng thời điểm, từng mùa, cân đối giữa các chất trong 4 nhóm thực phẩm. Mỗi bữa ăn, trường quán triệt giáo viên quản lý chặt chẽ khẩu phần ăn của học sinh, đảm bảo cho học sinh ăn hết tiêu chuẩn. Hiệu trưởng một trường tiểu học chia sẻ: Nhiều năm nay, theo yêu cầu của phụ huynh, trường tổ chức cho học sinh ăn bán trú tại trường. Mức tiền ăn và phí phục vụ bán trú theo quy định của UBND tỉnh, Sở GD và ĐT và Phòng GD và ĐT huyện và đã thỏa thuận với phụ huynh. Tuy nhiên, để nấu ăn cần đảm bảo rất nhiều điều kiện, trong khi nhân lực chưa đáp ứng được nên trường phải ký hợp đồng với một công ty thực phẩm có uy tín để nấu ăn, cung cấp suất ăn cho trẻ. Định kỳ, nhà trường kiểm tra thực phẩm đầu vào tại nhà máy cung cấp thực phẩm của công ty; kiểm tra việc chấp hành quy định, bảo đảm ATTP của công ty; đồng thời thành lập tổ giám sát cộng đồng gồm đại diện Ban giám hiệu, Văn phòng trường, nhân viên y tế trường, đại diện phụ huynh có con ăn bán trú giám sát bữa ăn bán trú cho học sinh hàng ngày tại trường. Do vậy, rất nhiều năm nay, trường không xảy ra NĐTP. Học sinh đến ăn bán trú tại trường lại tăng cân nên phụ huynh rất phấn khởi. Nhưng bên cạnh đó, cũng không ít phụ huynh phàn nàn con em mình sau buổi học về phản ánh bữa ăn khá sơ sài, chưa đảm bảo dinh dưỡng trong khẩu phần ăn. Chị Mai Chi, có con gái học ở một trường tiểu học được coi là tốp đầu trên địa bàn thành phố Nam Định cho biết: Không biết mỗi ngày, lượng thức ăn, khẩu phần ăn cho trẻ đã đảm bảo dinh dưỡng chưa, nhưng mỗi buổi tan học, con chị đều khá đói và mệt, đều phải ăn thêm khi về nhà. Một phụ huynh khác (xin giấu tên) cho biết: con chị luôn năn nỉ bố mẹ cho về nhà ăn trưa vì thức ăn ở trường rất khó ăn. Con cho biết chỉ ăn được hai món đậu phụ và ruốc, hôm nào không có món đó đành phải ăn canh cho nhanh hết vì bị ép phải ăn hết suất, nếu không bị trừ điểm thi đua. Mặc dù khá bức xúc, nhưng các phụ huynh này đều rất ngại phản ánh vì lý do tế nhị; nhà trường rất khắt khe trong việc cho phụ huynh đến giám sát chất lượng bữa ăn. Có phụ huynh đặt câu hỏi: nếu nhà trường cam đoan đảm bảo chất lượng bữa ăn thì tại sao không thể cho phụ huynh chứng kiến bữa ăn của học sinh một cách minh bạch. Trên thực tế, nhiều trường học vẫn chưa “rộng cửa” để phụ huynh được đóng góp, hoặc được góp mặt trong việc kiểm soát, giám sát bếp ăn, giám sát quy trình chế biến thức ăn và bữa ăn. Thực tế hiện nay, chỉ khi trường nào xảy ra NĐTP thì phụ huynh ở đó mới giật mình và được biết đích xác bữa ăn của các con; vấn đề bữa ăn bán trú có đủ dinh dưỡng hay không, chất lượng ra sao, hoàn toàn phụ thuộc vào cái tâm của nhà quản lý giáo dục; trực tiếp là người đứng đầu các CSGD có tổ chức bữa ăn bán trú.

Để đảm bảo bữa ăn an toàn, đầy đủ dinh dưỡng cho học sinh, ngoài việc cần thực hiện 10 nguyên tắc vàng chế biến thực phẩm an toàn và cẩm nang 5 “chìa khóa vàng” để có thực phẩm an toàn; xây dựng thực đơn bữa ăn bán trú không lặp lại và đa dạng, cân đối giữa các chất trong 4 nhóm thực phẩm thì cần phải có nhiều hình thức tổ chức kiểm tra, giám sát việc bảo đảm ATTP trong các trường học như tự kiểm tra, kiểm tra định kỳ hoặc kiểm tra đột xuất, đặc biệt là tại các đơn vị trường học có bếp ăn khi có phản ánh của phụ huynh học sinh. Đặc biệt, phải đảm bảo quyền của Ban đại diện cha mẹ học sinh hoặc trực tiếp là cha mẹ học sinh cũng được tham gia giám sát quá trình chế biến, tiếp phẩm cũng như giá thành của từng bữa ăn của học sinh, tất cả nhằm mục đích vì sự an toàn và đảm bảo sức khỏe cho học sinh./.

Vân Giang



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com