Văn hiến Nam Định - “Dòng riêng giữa nguồn chung”
.

Văn hiến Nam Định - “Dòng riêng giữa nguồn chung”

08:11, 06/02/2024

Trải qua hơn 760 năm xây dựng và phát triển, phong cách văn hoá và truyền thống văn hiến của đất và người Thiên Trường xưa - Nam Định nay mang đặc sắc khó trộn lẫn. Trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ XX, nhiệm kỳ 2021-2025 xác định: "Tiếp tục khơi dậy truyền thống văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực con người để xây dựng tỉnh Nam Định phát triển nhanh và bền vững. Chú trọng bảo vệ môi trường và phát triển toàn diện lĩnh vực văn hóa, xã hội".

 

Nghi thức rước trong lễ hội Đền Trần năm 2023.

 

Là quê hương - nơi phát tích của Vương triều Trần và hào khí Đông A đã tạo nên văn minh Đại Việt rực rỡ đạt đến đỉnh cao về “võ công, văn trị”, dưới thời Trần, từng giữ vị thế như một kinh đô thứ hai sau Thăng Long, Nam Định là vùng quê giàu trầm tích di sản văn hóa. Trong quá trình xây dựng và phát triển, cộng đồng địa phương tỉnh Nam Định đã sáng tạo và lưu truyền nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể giá trị với  2 di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt, 87 di tích xếp hạng quốc gia, 334 di tích xếp hạng cấp tỉnh, 5 nhóm bảo vật quốc gia. "Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt" được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại; 11 di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia gồm: Lễ hội Đền Trần (thành phố Nam Định); Lễ hội Phủ Dầy (Vụ Bản); Nghi lễ Chầu văn của người Việt tại Nam Định; Lễ hội Chùa Keo Hành Thiện (Xuân Trường); Lễ hội chùa Đại Bi (Nam Trực); Lễ hội Đền - Chùa Linh Quang (Trực Ninh); Lễ hội đền thờ Đức Thánh Tổ xã Yên Xá, nghề sơn mài Cát Đằng, xã Yên Tiến (Ý Yên)…

 

 
Nghi thức Rước nước, tế cá cá trong lễ hội Khai ấn Đền Trần năm 2023.

 

Bên cạnh những giá trị di sản văn hoá vật thể, Thiên Trường xưa - Nam Định nay là nơi phát tích và bảo lưu nhiều làn điệu dân ca, dân vũ, các trò chơi dân gian, góp phần tạo nên những giá trị văn hoá phi vật thể phong phú và độc đáo. Nằm ở trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng, Nam Định là vùng đất cổ lưu giữ nhiều di sản văn hóa phi vật thể gắn với phong tục, tập quán, đời sống cộng đồng. Trong đó, các loại hình nghệ thuật phong phú từ dân ca, dân vũ như: hát chèo, hát văn, ca trù, hát xẩm đến nghệ thuật biểu diễn truyền thống như: múa tứ linh, múa rối nước, rối cạn, cà kheo, bơi trải đứng.

 

Các trò chơi dân gian trong lễ hội Đền Trần năm 2023.

 

Tiêu biểu trong các di sản văn hoá phi vật thể có thể kể đến “Nghi lễ Chầu văn của người Việt”, “Lễ hội Đền Trần” và “Lễ hội Phủ Dầy” gắn liền với các tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần và thờ Mẫu được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tháng 12-2016, việc UNESCO ghi danh "Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt" tại danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại khẳng định nỗ lực của các cấp, các ngành và cộng đồng, trong đó tỉnh Nam Định là trung tâm trong việc bảo tồn kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.

 

Diễn xướng Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt tại Phủ Tiên Hương (Vụ Bản).
Diễn xướng Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt tại Phủ Tiên Hương (Vụ Bản).

 

Nghệ nhân Ưu tú Trần Thị Huệ, Thủ nhang Phủ Tiên Hương, xã Kim Thái (Vụ Bản), cho biết: "Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt" phân bố ở nhiều địa phương, trong đó, Nam Định là trung tâm của tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ và tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần. Thông qua việc kết hợp một cách nghệ thuật các yếu tố văn hóa dân gian như trang phục, âm nhạc, hát chầu văn, múa, diễn xướng dân gian trong lên đồng và lễ hội. Sức mạnh và ý nghĩa của Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ chính là đáp ứng nhu cầu và khát vọng của đời sống thường nhật của con người, cầu tài, cầu lộc, cầu sức khỏe.

 

Biểu diễn vật chầu Thánh và Múa rối chầu Thánh tại lễ Hội Chùa Bi (Nam Trực).

 

Xuất phát từ hình thức diễn xướng dân gian trong các lễ hội, nghệ thuật Chầu văn ra đời gắn liền với nghi thức tụng ca công đức của Thánh Mẫu (Liễu Hạnh) và Đức Thánh Cha (Trần Hưng Đạo). Theo Nghệ nhân Nhân dân Bùi Quốc Thi: Nghệ thuật hát chầu văn là việc vận dụng các làn điệu dân ca phối hợp với các bộ gõ, bộ dây. Riêng hát chầu văn Nam Định còn được biết đến với các làn điệu độc đáo như điệu cờn, điệu xá, điệu chèo đò mang đậm chất trữ tình, sâu lắng. Nét độc đáo của nghệ thuật chầu văn rất đa dạng hình thức biểu hiện như hát thờ, hát cửa đền, hát hầu đồng và hát thi. Trong đó hát thờ thường được hát vào các ngày lễ tiết, những ngày tiệc Thánh như ngày Thánh đản sinh, ngày Thánh hóa... và hát trước khi vào các giá văn lên đồng, còn gọi là hát văn công đồng. Đối với các cung văn phải có giọng hát trong trẻo, truyền cảm, trữ tình, mềm mại phù hợp với tính cách nữ tính của người mẹ - Thánh Mẫu trong hệ thống thần điện Tứ phủ.

 

 
Một số hoạt động trong ngày hội văn hóa, thể thao truyền thống huyện Hải Hậu.

 

Nam Định là “đất trăm nghề”, trong đó có hơn 80 làng nghề truyền thống lâu đời, nổi tiếng trong khu vực và cả nước như: làng trồng hoa, cây cảnh Vị Khê, xã Điền Xá; làng rèn Vân Chàng, thị trấn Nam Giang (Nam Trực); làng dệt Phương Định, Cổ Trữ, ươm tơ Cổ Chất (Trực Ninh); sơn mài Cát Đằng, chạm khắc La Xuyên, đúc đồng Tống Xá (Ý Yên); mây tre đan Vĩnh Hào (Vụ Bản)… Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, tiểu thủ công nghiệp của mỗi làng nghề truyền thống ở Nam Định không chỉ đơn thuần là sản phẩm tiêu dùng, phục vụ đời sống dân sinh, mà còn là những sản phẩm có tính văn hoá, mang bản sắc văn hoá bản địa độc đáo, đa dạng; là kết quả từ quá trình lao động, sáng tạo từ bàn tay, khối óc mang đậm dấu ấn tinh hoa và môi trường văn hoá của đất và người Nam Định từ bao đời nay.

 

<em>Làng nghề chạm khắc gỗ La Xuyên, xã Yên Ninh (Ý Yên).</em>
Làng nghề chạm khắc gỗ La Xuyên, xã Yên Ninh (Ý Yên).

 

Thời gian qua, việc đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững. Tỉnh tập trung xây dựng, hình thành "điểm đến" du lịch với các sản phẩm du lịch nông thôn theo các tour, tuyến du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và bảo vệ môi trường nông thôn, các đơn vị, doanh nghiệp, làng nghề sản xuất sản phẩm OCOP. Tiêu biểu là các khu, điểm du lịch có sự tham gia của người dân tại các làng nghề: làng hoa, cây cảnh Vị Khê, rối nước Hồng Quang (Nam Trực), Ươm tơ Cổ Chất (Trực Ninh), làng kèn đồng Phạm Pháo (Hải Hậu), làng nghề làm muối Bạch Long (Giao Thủy)… 

 

Nghề làm kèn đồng Phạm Pháo, xã Hải Minh (Hải Hậu).

 

Với mục tiêu "xây dựng một nền nông nghiệp thịnh vượng; nông dân giàu có; nông thôn văn minh, hiện đại", để hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu, các địa phương trong tỉnh xác định rõ xây dựng và phát triển văn hóa, con người là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị tiếp tục đẩy mạnh, đưa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” đi vào chiều sâu. Tỉnh luôn ưu tiên quỹ đất và đầu tư cơ sở vật chất xây dựng các thiết chế văn hóa cấp xã, cấp thôn và dành không gian vui chơi, giải trí phù hợp với quy hoạch xây dựng NTM ở địa phương. Hệ thống bảo tàng, nhà truyền thống, thư viện đã phát huy hiệu quả trong việc giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa của quê hương./.

Việt Thắng
Ngày xuất bản: 6-2-2024

 



Xem thêm bình luận