Những lao động tuổi cao cần mẫn
.

Những lao động tuổi cao cần mẫn

20:33, 30/10/2023

Trên địa bàn tỉnh hiện vẫn có nhiều người cao tuổi miệt mài lao động mưu sinh. Họ làm đủ thứ nghề như: bán nước, bán báo, bảo vệ, chạy xe ôm, bán cây cảnh… Thời gian làm việc kéo dài, công việc mệt nhọc, tuy nhiên “trừ những ngày ốm” những lao động tuổi cao ấy vẫn cần mẫn, hết mình với công việc. Với họ, làm việc giúp mang lại thu nhập cho bản thân, gia đình và đóng góp cho xã hội.

Người cao tuổi mưu sinh bằng nghề bán cây cảnh.
Người cao tuổi mưu sinh bằng nghề bán cây cảnh.

Đã ở vào tuổi “xưa nay hiếm” nhưng hàng ngày ông Hoàng Kim Hùng, 78 tuổi, số nhà 23 Máy Tơ (thành phố Nam Định) vẫn “đều như vắt chanh” ngồi bán báo. Vốn làm việc trong ngành Bưu điện, về hưu, ông Hùng chọn nghề bán báo để bắt đầu “công việc mới”. Gắn bó với nghề bán báo đến nay cũng đã vài chục năm, góc đường Bến Thóc đối diện Bưu điện tỉnh trở thành “ngôi nhà thứ 2” của ông Hùng. 6h sáng, ông Hùng đẩy “sạp bán báo lưu động” bắt đầu ngày làm việc mới.

Ông Hoàng Kim Hùng cặm cụi bên sạp báo trên đường Bến Thóc, thành phố Nam Định.
Ông Hoàng Kim Hùng cặm cụi bên sạp báo trên đường Bến Thóc, thành phố Nam Định.

Ông Hùng kết thúc công việc buổi sáng vào lúc 11 giờ trưa và dành thời gian khoảng hai giờ đồng hồ cho việc ăn uống nghỉ trưa để từ 14 giờ 30 phút tiếp tục công việc cho đến 17 giờ. Trên sạp báo lưu động của ông bày các loại báo như: Bóng Đá, Lao Động, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Tiền Phong cho đến các tờ báo chuyên về văn học nghệ thuật, điện ảnh… Ông cũng dành một góc “bắt mắt” trên sạp báo để trưng bày, bán Báo Nam Định. Trước đây, mỗi ngày ông có thể bán trung bình 40-50 tờ báo/ngày. “Tuy nhiên hiện nay do điện thoại thông minh được sử dụng ngày càng nhiều, đa phần những người trẻ thường đọc báo trên mạng dẫn đến số lượng người mua báo in giảm hẳn. Có ngày tôi chỉ bán được khoảng 10 tờ báo. Mặc dù có những ngày buôn bán “ế ẩm” xong ông Hùng vẫn không nghỉ việc. Lý do đơn giản, theo ông “nếu nghỉ việc thì buồn lắm. Mấy chục năm nay từ khi về hưu tôi đã gắn bó với công việc bán báo, với chỗ ngồi, con đường này. Mặc dù vợ chồng tôi đều có lương hưu, con cái có công việc riêng nhưng tôi nghĩ, còn sức khoẻ thì còn lao động. Để thấy bản thân mình vẫn có ích, không phải phụ thuộc, “làm phiền” con cháu”.

Người cao tuổi mưu sinh bằng nghề bán hoa.
Người cao tuổi mưu sinh bằng nghề bán hoa.

Ông Trịnh Quang Thuận, 56 tuổi là một trong những thợ cắt tóc có “thâm niên” ở “phố cắt tóc” đường Cột Cờ (thành phố Nam Định). Gắn bó với nghề cắt tóc đến nay cũng đã được 25 năm, khách đến cắt tóc ở cửa hàng của ông Thuận ai nấy đều rất yêu thích “phong cách” cắt tóc tỷ mỉ, tận tâm và vui vẻ. Làm nghề cắt tóc, theo ông Thuận đòi hỏi phải cẩn thận, khéo tay cộng thêm với gu thẩm mỉ. Chính vì vậy, cũng theo ông, đây là nghề không thể vội vàng, những người nóng vội thì khó theo được nghề. “Và bởi vì đây là nghề “làm dâu trăm họ” nên yếu tố cần mẫn, chăm chỉ, tận tâm luôn được xếp lên hàng đầu”, ông Thuận chia sẻ.

Người lao động mưu sinh bằng nghề cắt tóc trên đường Cột Cờ, thành phố Nam Định.
Người lao động mưu sinh bằng nghề cắt tóc trên đường Cột Cờ, thành phố Nam Định.

Công việc cắt tóc của ông Thuận cũng phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Tết đến xuân về, người người có nhu cầu mặc đẹp, ăn diện để đi chơi, những thợ cắt tóc vỉa hè như ông thường rất đông khách. Thậm chí khách phải chờ thợ. Với giá thành 30-50 nghìn đồng một lần cắt, mỗi ngày ông có thể bỏ túi từ 200-400 nghìn đồng. Tuy nhiên vào những ngày hè nóng bức hoặc rét đậm rét hại, khách đến hàng cắt tóc của ông ít hẳn đi. Lý do là họ muốn tìm một nơi ấm áp, mát mẻ hơn để ngồi. Những ngày này thường ông Thuận chỉ có 3-5 khách/ngày. Thu nhập bấp bênh, song vì còn nuôi 2 con ăn học nên ông Thuận vẫn cố gắng “cày cuốc”, miệt mài làm việc mỗi ngày.

Người lao động đạp xe trên từng con phố nhỏ để bán hàng.
Người lao động đạp xe trên từng con phố nhỏ để bán hàng.

Bà Phạm Thị Loan, số nhà 8/52, đường Phan Châu Trinh, phường Trần Hưng Đạo (thành phố Nam Định) năm nay 75 tuổi thì có đến gần 30 năm làm nghề bán nước tại khu vực Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Mặc dù công việc bán nước không quá vất vả nhưng đòi hỏi phải dậy sớm chuẩn bị hàng quán nên nhiều khi bà Loan cũng cảm thấy “oải”. Để chuẩn bị cho một ngày bán hàng, bà Loan thường thức dậy từ 4 giờ sáng nấu nước, rửa lại cốc chén, pha sẵn một số loại trà. 7 giờ sáng, bà xách theo lỉnh kỉnh nào phích, các loại ấm chén “đi làm”. Khoảng 11 giờ bà thu dọn cốc chén đem theo một số phích đã hết nước về nhà “bổ sung” và ăn cơm trưa, buổi chiều bà bắt đầu bán từ 15 giờ và kết thúc vào 18 giờ hàng ngày. “Một năm 365 ngày thì hầu như ngày nào tôi cũng có mặt để bán nước. Khách hàng của tôi rất đa dạng từ người trẻ đến già, trí thức cho đến những người làm việc tay chân. Tuổi cao lại “phơi” sương nắng liên tục nên tôi cũng hay bị ốm vặt. Nhưng nghĩ đến các con, các cháu, tôi lại không thể bỏ quán nước”, bà Loan cho biết.

Bà Phạm Thị Loan hàng ngày vẫn miệt mài đẩy xe đi bán nước để mưu sinh.
Bà Phạm Thị Loan hàng ngày vẫn miệt mài đẩy xe đi bán nước để mưu sinh.

Gia cảnh nhà bà Loan khá khó khăn, 2 vợ chồng đều làm nghề tự do nên không có lương hưu, chồng còn thường xuyên đau ốm. Mặc dù tuổi đã cao nhưng vợ chồng bà lại là những “lao động chính” trong nhà, nuôi con cháu, trong đó có cháu ngoại học đại học. Để duy trì, gồng gánh cả gia đình, thời gian rảnh rỗi, ngoài bán nước, bà Loan còn nhận thêm việc rửa bát thuê cho một quán ăn gần bệnh viện Đa khoa tỉnh. Hàng tháng, từ quán nước và việc làm thêm bà Loan có thu nhập trên 2 triệu đồng.

Người lao động đạp xe trên từng con phố nhỏ để bán hàng.
Người lao động đạp xe trên từng con phố nhỏ để bán hàng.
Nhiều người lớn tuổi vẫn lao động để có thu nhập, chăm lo cho cuộc sống.
Nhiều người lớn tuổi vẫn lao động để có thu nhập, chăm lo cho cuộc sống.

Những lao động cao tuổi mà chúng tôi gặp trên đây vì nhiều lý do, hoàn cảnh khác nhau vẫn đang miệt mài làm việc để lo cho cuộc sống của bản thân, gia đình. Mỗi ngày, vượt qua giới hạn tuổi tác, sức khoẻ, từ những đôi bàn tay chịu khó, cần mẫn, những lao động tuổi cao ấy vẫn cố gắng có thêm nguồn thu nhập để không chỉ nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn phụ giúp, đỡ đần con cháu. Họ chính là những tấm gương “tuổi cao sức càng cao” đáng được trân trọng./.

Bài và ảnh: Hoa Xuân, Văn Huỳnh.

 

 

 

 

 



Xem thêm bình luận