Hỗ trợ kích cầu tiêu dùng các tháng cuối năm

18:59, 21/11/2022

Theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh, trong quý III-2022, có 60,31% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh tốt lên; 27,48% số doanh nghiệp giữ ổn định và 12,21% số doanh nghiệp đánh giá khó khăn hơn so với quý II-2022. Dự kiến quý IV-2022, có 62,60% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất, kinh doanh tốt lên; 24,43% giữ ổn định và 12,98% khó khăn hơn so với quý III. Trong đó, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lạc quan nhất với 92,31% dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý IV tốt hơn và giữ ổn định so với quý III; tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp ngoài Nhà nước lần lượt là 71,43% và 87,39%. Các chỉ tiêu đánh giá tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo trong quý IV đều có xu hướng tốt hơn quý III.

Sản xuất hoa quả sấy tại Công ty TNHH một thành viên Minh Dương, Cụm công nghiệp An Xá (thành phố Nam Định).
Sản xuất hoa quả sấy tại Công ty TNHH một thành viên Minh Dương, Cụm công nghiệp An Xá (thành phố Nam Định).

Nắm bắt được tình hình trên, trong những tháng cuối năm 2022, hầu hết các tổ chức tín dụng (TCTD) đều nhận định nhu cầu vay vốn, dịch vụ thanh toán và dịch vụ thẻ sẽ tiếp tục phục hồi mạnh. Trong đó, nhu cầu vốn vay dự báo sẽ cải thiện tốt nhất, đặc biệt là nhu cầu vay kinh doanh của doanh nghiệp và cá nhân trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán. Ghi nhận từ thị trường cho thấy, mặc dù trong hai tháng gần đây áp lực lãi suất huy động tăng và hạn mức trần cho tăng trưởng tín dụng đã khiến nhiều chi nhánh ngân hàng thương mại (NHTM) thận trọng hơn trong việc sàng lọc khách hàng khi cho vay. Tuy nhiên, do hiệu ứng tích cực từ kết quả kinh doanh bán lẻ suốt các quý đầu năm; cũng như sự phục hồi đáng kể của nhiều lĩnh vực kinh tế, tín dụng nhỏ lẻ từ hệ thống ngân hàng vẫn đang đổ dồn khá mạnh vào sản xuất kinh doanh thông qua nhiều kênh tiếp cận. Từ đầu quý IV-2022, hàng loạt các NHTM như HDBank, SeABank, ACB, BIDV, MB cũng đã tung ra chiến lược kết nối cho vay tiểu thương tại các chợ truyền thống. Nhóm ngân hàng quy mô nhỏ và vừa như Sacombank, BacABank… đều đang dồn dập triển khai các sản phẩm tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp do các nữ doanh nhân đứng đầu để tăng vốn lưu động mùa kinh doanh cao điểm. Dịp cuối năm, các ngân hàng đều triển khai hàng loạt các ưu đãi hấp dẫn dành cho khách hàng cá nhân để thu hút dòng tiền từ dịch vụ bán lẻ như mở mới tài khoản thanh toán 0 phí, còn có cơ hội bốc thăm trúng thưởng hấp dẫn của HDBank; hay chương trình “Tích lũy mùa vàng - Muôn vàn quà tặng” dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ gửi tiền có kỳ hạn tại VietinBank với tổng giá trị quà tặng lên tới 3 tỷ đồng; mới đây Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cũng công bố chương trình tri ân khách hàng lớn nhất từ trước đến nay với hàng trăm nghìn giải thưởng tổng trị giá đến 100 tỷ đồng...

Bên cạnh đó, một số công ty tài chính tiêu dùng như Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (Fe Credit) và Công ty Tài chính TNHH HD SAISON đang khẩn trương thực hiện các thủ tục, quy trình cần thiết để đẩy nhanh tiến độ giải ngân chương trình cho vay ưu đãi tín dụng tiêu dùng với quy mô 20 nghìn tỷ đồng. Đối tượng được ưu tiên là công nhân tại các khu công nghiệp, người lao động tại các khu đô thị có thu nhập thấp/trung bình. Được biết, gói tín dụng tiêu dùng 20 nghìn tỷ đồng với lãi suất giảm 50% so với lãi suất thông thường đang được khẩn trương triển khai dịp cuối năm sẽ là cơ hội góp phần đẩy lùi tín dụng đen; hỗ trợ, giải quyết kịp thời những khó khăn trước mắt cho người lao động. Tại Fe Credit, gói vay tiêu dùng 10 nghìn tỷ đồng sẽ có sản phẩm đa dạng, linh hoạt với giá trị vay từ 10-70 triệu đồng, kỳ hạn từ 6-24 tháng với mức ưu đãi lãi suất giảm 50% so với lãi suất thông thường, qua sản phẩm cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống và thẻ tín dụng. Một số công ty tài chính khác cũng nhập cuộc triển khai gói cho vay tiêu dùng lãi suất thấp như Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei (Mcredit) đang áp dụng chính sách giảm gần 50% lãi suất cho toàn bộ khách hàng là công nhân...

Ngoài ra, với sự phát triển mạnh của hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, thị trường tài chính tiêu dùng các tháng cuối năm đang đón nhận hàng loạt các mô hình “Chợ không tiền mặt 4.0” và làn sóng mở rộng các sản phẩm vay thấu chi, vay qua thẻ tín dụng nội địa. Đến nay đã có hàng chục ngân hàng thành công trong kế hoạch phát triển thị phần thẻ tín dụng nội địa nhắm vào phân khúc khách hàng bình dân. Nhóm doanh nghiệp viễn thông như Viettel, VNPT hiện cũng đã cạnh tranh kết nối khách hàng áp dụng Mobile Money để thanh toán các khoản nhỏ lẻ qua mã VietQR… Đặc biệt với việc triển khai Tháng khuyến mại tập trung quốc gia 2022 trong tháng 12 tới đây, các ngân hàng cũng triển khai nhiều khuyến mại như ưu đãi hoàn tiền khi chi tiêu, quẹt thẻ, hay thanh toán qua ứng dụng ngân hàng của Sacombank, SHB… liên kết cùng các sàn giao dịch thương mại điện tử để khuyến mại thu hút khách hàng mua, bán hàng, giao dịch thanh toán trên nền tảng ngân hàng số.

Với chiến lược tập trung vào dịch vụ bán lẻ, các ngân hàng sẽ tạo được tăng trưởng an toàn, ít rủi ro nợ xấu trong bối cảnh nền kinh tế đang chịu áp lực lớn từ lạm phát. Bên cạnh đó, phát triển các dịch vụ ngân hàng bán lẻ cũng kích thích tiêu dùng, thúc đẩy thị trường dòng tiền luân chuyển trong người dân, đẩy nhanh tiến độ phục hồi sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế phù hợp với định hướng chung của Chính phủ trong các tháng cuối năm 2022./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com