Khởi sắc vùng quê biển Giao Thủy

08:26, 01/02/2023

Những ngày đầu xuân, chúng tôi về vùng quê biển Giao Thủy. Xe lăn bánh êm ru trên con đường thảm nhựa asphalt qua tuyến đường bộ ven biển và nối tới tận mép nước các xã vùng chân sóng. Bao quanh những ngôi biệt thự, nếp nhà khang trang rực rỡ cờ hoa, khẩu hiệu mừng Đảng, mừng Xuân. Trên biển, tàu thuyền hải sản đầy khoang tấp nập về bến cùng niềm vui, phấn khởi của ngư dân, sau những ngày đánh bắt.

Cảnh quan thị trấn Ngô Đồng (Giao Thủy).
Ảnh: Hoàng Tuấn

Cảnh quan thị trấn Ngô Đồng (Giao Thủy).

Ảnh: Hoàng Tuấn

Đồng chí Doãn Quang Hùng, Chủ tịch UBND huyện Giao Thủy cho biết: Bám sát nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Giao Thủy lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020-2025, huyện xác định mũi đột phá đó là: Tập trung phát triển kinh tế biển, sản xuất nông nghiệp sạch, xây dựng nông thôn kiểu mẫu, góp phần xây dựng huyện Giao Thủy ngày càng giàu đẹp, văn minh. Trong đó, Ban chấp hành Đảng bộ huyện khóa XXIV, khóa XXV đã ban hành nghị quyết về đẩy mạnh phát triển kinh tế biển. Trên cơ sở đó, UBND huyện đã xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế biển đến năm 2025; triển khai các Đề án về phát triển thủy sản bền vững và phát triển du lịch huyện Giao Thủy; chú trọng rà soát, quy hoạch phát triển thủy sản; tập trung quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển các cụm công nghiệp, du lịch, dịch vụ ven biển, ven sông; nâng cao hiệu quả nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản... tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Đến nay huyện đã quy hoạch 13 cụm công nghiệp trên địa bàn huyện, trong đó chủ yếu là các cụm công nghiệp ven biển và 6 khu công nghiệp. Trong đó Khu công nghiệp Hải Long với diện tích trên 1.100ha đang được tập đoàn VSIP (Singapore) nghiên cứu, đầu tư. Huyện nâng cấp đô thị Quất Lâm lên đô thị loại IV, xây dựng hoàn thiện mới 2 thị trấn Đại Đồng và Hoành Nha. Mở rộng thị trấn Ngô Đồng về phía tây nam. Những tiềm năng, thế mạnh của huyện sẽ được phát huy hiệu quả hơn nữa khi tuyến đường bộ ven biển, kết nối với Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh được hoàn thiện và tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển (quy mô 100 mét ngang) được xây dựng, hoàn thành trước năm 2025. Cùng với công tác quy hoạch, công tác xúc tiến và thu hút đầu tư được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Trong đó huyện đã tập trung kêu gọi, khuyến khích thu hút các nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp; du lịch ven sông Hồng; du lịch sinh thái Vườn quốc gia Xuân Thủy; du lịch nghỉ dưỡng Giao Phong; du lịch tắm biển Quất Lâm. Bước đầu đã có nhiều nhà đầu tư có tiềm năng, thế mạnh cả về nguồn lực, công nghệ về tìm hiểu cơ hội đầu tư trên địa bàn huyện. Trong đó có 6 cụm công nghiệp, 1 khu công nghiệp được Tỉnh uỷ có văn bản đồng ý về chủ trương. Tập đoàn Trường An chủ trì đang đề xuất, nghiên cứu đầu tư khu du lịch, vui chơi, nghỉ dưỡng khu vực Quất Lâm với quy mô trên 1.000ha (chủ yếu là lấn biển), với tổng mức đầu tư dự kiến trên 50 nghìn tỷ đồng. Trong lĩnh khai thác, nuôi trồng thuỷ hải sản, toàn huyện đã có trên 1.000 cơ sở nuôi trồng thủy hải sản với diện tích trên 5.152ha, hiện đã có gần 100 trang trại, cơ sở sản xuất ngao giống và nhiều loại giống thủy sản mặn lợ khác, không chỉ đáp ứng nhu cầu về giống tại địa phương mà còn cung ứng cho nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh. Huyện đang duy trì 671 chiếc tàu đánh bắt thủy sản với trên 100 nghìn CV. Năm 2022, sản lượng thủy sản đạt 68.203 tấn (trong đó nuôi trồng 51.889 tấn, khai thác 16.314 tấn), tạo thu nhập ổn định, nâng cao đời sống cho người dân. Cùng với khai thác, nuôi trồng thủy hải sản, huyện cũng chú trọng phát triển du lịch biển với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả như đã ban hành các nghị quyết, đề án, kế hoạch, chương trình về phát triển du lịch trong từng giai đoạn. Khuyến khích người dân đầu tư, phát triển du lịch cộng đồng. Qua đó nhiều địa danh như Vườn quốc gia Xuân Thủy - địa danh đầu tiên tham gia công ước Ramsar của Việt Nam; bãi biển Quất Lâm; Bảo tàng đồng quê (Giao Thịnh); du lịch cộng đồng (Giao Xuân)... đã thu hút khách du lịch trong và ngoài nước tham gia trải nghiệm. Ngoài ra huyện còn có diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng lớn với hệ động, thực vật phong phú và quý hiếm cùng nền văn hóa mở đất tiêu biểu của cư dân đồng bằng châu thổ sông Hồng với hàng trăm di tích, công trình kiến trúc tôn giáo đặc sắc là điều kiện thuận lợi để nghiên cứu khoa học và phát triển các loại hình du lịch biển, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng. 

Điểm nhấn quan trọng ở vùng chân sóng Giao Thủy đó là việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đạt nhiều kết quả tích cực. Huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các xã, thị trấn tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí, xây dựng xã, thị trấn đạt chuẩn NTM nâng cao, tiến tới đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Đến nay, toàn huyện đã có 17/22 xã, thị trấn đạt chuẩn NTM nâng cao, bằng 77,27% số xã, thị trấn. Xã Giao Phong đã được UBND tỉnh công nhận đạt xã NTM kiểu mẫu về lĩnh vực giáo dục năm 2022; UBND huyện quyết định công nhận 29 xóm, tổ dân phố đạt chuẩn NTM kiểu mẫu năm 2021. Toàn huyện có 58 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao cấp tỉnh trở lên. Huyện Giao Thủy phấn đấu trở thành huyện NTM nâng cao trước năm 2025 và trở thành huyện NTM kiểu mẫu trước năm 2030.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các giải pháp đồng bộ, lộ trình cụ thể, sát với thực tế sẽ là “đòn bẩy” đưa huyện Giao Thủy trở thành một cực phát triển của tỉnh, trở thành vùng kinh tế động lực, có bước phát triển nhanh và bền vững, cơ cấu kinh tế phát triển theo hướng tích cực. Đến nay Giao Thủy đã xây dựng được một nền kinh tế phát triển với tốc độ khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng: tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông - lâm - ngư nghiệp. Năm 2022 thu ngân sách trên địa bàn đạt trên 348 tỷ đồng; tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn ước đạt 3.910 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 82 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo không thuộc đối tượng bảo trợ xã hội giảm còn 0,59%. Chính sách xã hội được quan tâm, chăm lo thực hiện đầy đủ, kịp thời. Lĩnh vực văn hóa - xã hội có chuyển biến rõ nét. An sinh xã hội được quan tâm thực hiện. Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững./.

Văn Trọng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com