Xuất khẩu vượt khó, duy trì đà tăng trưởng

19:34, 20/12/2022

Năm 2022, kinh tế toàn cầu đối mặt với lạm phát, lãi suất tăng, nhu cầu mua sắm hàng hóa giảm. Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu quan trọng số một của đại đa số các doanh nghiệp xuất khẩu; tiếp đến là các thị trường như EU, Nhật Bản… nhưng thời gian qua các thị trường đã bị suy giảm tương đối về sức mua. Ngoài ra, xung đột quân sự trên thế giới diễn ra khiến chuỗi cung ứng trên thị trường tiếp tục bị đứt gãy, kéo theo nhiều rủi ro về nguồn cung nguyên liệu, bảo đảm an ninh năng lượng. Hoạt động sản xuất, xuất khẩu của hầu hết các ngành hàng gặp khó khăn khi chi phí đầu vào tăng cao, nhất là với các nguyên, vật liệu trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu.

Sản phẩm may mặc xuất khẩu của Công ty Cổ phần May thể thao chuyên nghiệp Giao Yến (Giao Thủy).
Sản phẩm may mặc xuất khẩu của Công ty Cổ phần May thể thao chuyên nghiệp Giao Yến (Giao Thủy).

Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu năm 2022 của tỉnh vẫn tăng trưởng 14,4% so với năm 2021, đạt tổng giá trị 3.050 triệu USD; cơ cấu hàng hóa xuất khẩu chuyển dịch tích cực. Kim ngạch nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ lệ lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu, tiếp tục là động lực cho tăng trưởng xuất khẩu chung. Trong đó, mặt hàng may mặc và giày dép chiếm gần 90% tổng kim ngạch xuất khẩu năm; mặt hàng túi xách, giày dép tiếp tục giữ vị trí thứ hai chỉ sau hàng may mặc; tỷ trọng mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ chỉ chiếm dưới 2% tổng kim ngạch xuất khẩu nhưng là ngành có tốc độ tăng trưởng năm ở mức cao so với các mặt hàng khác. Tất cả các thị trường đều phục hồi so với năm 2021; riêng các thị trường là đối tác ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Việt Nam có tăng trưởng ở mức cao như: Liên minh châu Âu (EU); khu vực Đông Nam Á… Đáng chú ý, không chỉ tăng trưởng về xuất khẩu hàng hoá mà số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào quá trình xuất khẩu đang tăng rất tích cực.

Đạt được kết quả kể trên, phải kể đến khả năng thích nghi, nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp. Nhất là nhóm doanh nghiệp may mặc, giày da, không chỉ những doanh nghiệp nhỏ bị giảm sút đơn hàng mà cả các doanh nghiệp có quy mô, thương hiệu lớn như Công ty Cổ phần May Sông Hồng cũng chịu nhiều tác động tiêu cực do khó khăn về nguồn nguyên liệu đầu vào. Trong điều kiện không thuận lợi nhưng các doanh nghiệp này đều nỗ lực bằng mọi giá giữ chân người lao động để ngay khi các khó khăn được khắc phục là bứt tốc nhanh chóng. Nhóm doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản vẫn tiếp tục thu mua tích trữ thủy sản nuôi trồng, khai thác khi các thị trường tạm đóng cửa trong cao trào của dịch COVID-19, vì vậy ngay khi thị trường phục hồi sau đại dịch thì doanh nghiệp đã chủ động nguồn hàng để xuất khẩu. Tuy nhiên do tác động của lạm phát toàn cầu tăng cao, chênh lệch tỷ giá, nhất là giai đoạn cuối năm lãi suất vốn vay tăng mạnh, ảnh hưởng lớn đến kế hoạch kinh doanh và chi phí vốn khiến mức giá thành phẩm thủy sản của các doanh nghiệp Nam Định cũng như từ Việt Nam cao hơn và khó cạnh tranh với đối thủ ở các thị trường, vì thế lượng đơn đặt hàng có xu hướng sụt giảm. Đối mặt với khó khăn này, nhiều doanh nghiệp đã tham gia thị trường xuất khẩu lâu năm đã tranh thủ thu thập thông tin, nắm bắt xu thế tiêu dùng để chủ động áp dụng các giải pháp về giá, kích cầu tiêu thụ, giải phóng sớm hàng hóa, thậm chí chấp nhận lỗ nhẹ để tránh hàng tồn kho, đọng vốn. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền, ngành chức năng đã đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, sớm khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, tận dụng cơ hội phục hồi của thị trường thế giới; đặc biệt là việc đẩy nhanh tiến độ đàm phán và đã ký được các nghị định thư để đưa nông sản của Việt Nam vào Trung Quốc theo đường chính ngạch. Sở Công Thương đã tăng cường kết nối để doanh nghiệp trong tỉnh tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường đổi mới theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số do Bộ Công Thương thực hiện. Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp khai thác các FTA, phổ biến, triển khai Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, bảo đảm nguồn cung…

Dự báo, kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu còn khó khăn kéo dài sang năm 2023. Tăng trưởng xuất khẩu sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như diễn biến xung đột trên thế giới, tình hình kiềm chế lạm phát, các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 của các nước lớn, diễn biến kinh tế ở các thị trường có quy mô nhập khẩu lớn. Tuy nhiên, vẫn có thị trường tại khu vực ít bị suy thoái kinh tế tác động như Trung Đông hay thị trường có sức mua lớn là Trung Quốc đang dần nới lỏng chính sách kiểm soát COVID-19… mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa, nhất là các lĩnh vực nông, lâm, thủy hải sản. Vì vậy, ngành Công Thương khuyến cáo, thời gian tới, các doanh nghiệp xuất khẩu nên lưu ý khai thác các thị trường có dấu hiệu tích cực về sức mua này. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cần phải đầu tư nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo ra sản phẩm chất lượng cao đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường thế giới; phải chú trọng ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động truyền thông, xúc tiến thương mại, phát triển thương hiệu. Tiếp tục khai thác hiệu quả các chương trình hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và các đối tác quốc tế; ngoài các thị trường truyền thống tập trung phát triển thêm các thị trường có tiềm năng như thị trường châu Âu.

Các cấp chính quyền, ngành chức năng cần theo dõi sát diễn biến thị trường, đánh giá các tác động đến sản xuất, xuất, nhập khẩu để chủ động dự báo và kịp thời thông tin chính sách, quy định mới của các thị trường nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam giúp doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh không bị động, có phản ứng kịp thời. Tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển các mặt hàng đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu; thúc đẩy phát triển các mặt hàng xuất khẩu có lợi thế, tiềm năng của tỉnh như dệt may, da giày, nông thủy sản, thủ công mỹ nghệ... theo hướng đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu ngày càng khắt khe khi Việt Nam tham gia các FTA. Tiếp tục phát triển hạ tầng logistics phù hợp với quy hoạch ngành, đáp ứng nhu cầu trung chuyển hàng hóa phục vụ xuất nhập khẩu. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Đó sẽ là điểm tựa để thực hiện mục tiêu phấn đấu năm 2023 giá trị xuất khẩu của tỉnh đạt từ 3.300 triệu USD trở lên./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com