Chủ động hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán

20:30, 01/12/2022

Dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, các ngành chức năng nhận định nhu cầu tiêu dùng, mua sắm hàng hóa sẽ tăng cao so với cùng kỳ năm trước bởi dịch COVID-19 đang được kiểm soát tốt, kinh tế phục hồi, ổn định, đời sống người dân được cải thiện. Đặc biệt năm nay Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán tương đối gần nhau nên dự kiến nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tiêu dùng, thực phẩm sẽ tăng nhanh trong một thời gian ngắn.

Sản xuất bánh kẹo phục vụ tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 tại Công ty TNHH Bánh kẹo Hòa Bình, Cụm công nghiệp An Xá (thành phố Nam Định).
Bài và ảnh: Nguyễn Hương
Sản xuất bánh kẹo phục vụ tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 tại Công ty TNHH Bánh kẹo Hòa Bình, Cụm công nghiệp An Xá (thành phố Nam Định). 

Trên cơ sở căn cứ tình hình sản xuất, kinh doanh, diễn biến thị trường, sức mua và kinh nghiệm, các doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh, dự trữ hàng hoá tăng từ 20-30% so với các tháng trong năm 2022 để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, tránh tình trạng thiếu hàng, đứt hàng hoặc tồn kho sau tết. Ước tính tổng giá trị hàng hóa các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh nhóm hàng phục vụ Tết Nguyên đán như bánh mứt kẹo, chè, thuốc lá, rượu bia, giò chả, nông sản chế biến… chuẩn bị trên 1.500 tỷ đồng;  Nhóm các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng dự kiến dự trữ hàng hóa với giá trị trên 400 tỷ đồng. Ngoài hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống, cửa hàng tiện lợi; chuỗi kinh doanh các hàng nông sản, thực phẩm, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP và hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ trên địa bàn các huyện, thành phố, các địa phương cũng dự kiến sẽ tổ chức Hội chợ thương mại khu vực phía Bắc tại thành phố Nam Định và tuần giới thiệu sản phẩm tại khu vực nông thôn phục vụ nhu cầu mua sắm và tiêu thụ hàng Tết của người dân. 

Cùng với công tác điều tiết chuẩn bị hàng hóa, Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý địa bàn, kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về giá, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm và các hành vi gian lận thương mại, giữ bình ổn thị trường. Chỉ đạo các doanh nghiệp chế biến chuẩn bị tốt nguồn nguyên liệu bảo đảm chất lượng theo kế hoạch sản xuất, tăng lượng cung hàng hóa cho thị trường với giá hợp lý; giám sát chặt chẽ việc bán hàng trong hệ thống phân phối nhằm ngăn tình trạng các nhà phân phối, đại lý găm hàng, nâng giá tạo thiếu hàng, sốt giá giả tạo gây thiệt hại cho người tiêu dùng, bất ổn thị trường. Các doanh nghiệp kinh doanh thương mại theo dõi sát tình hình cung cầu, giá cả thị trường, trên cơ sở đó có kế hoạch khai thác các nguồn hàng chủ yếu như lương thực, thực phẩm, bánh mứt kẹo, bia, rượu, nước giải khát,… kiểm soát chặt chẽ yếu tố đầu vào, tiết kiệm chi phí lưu thông để hạ giá thành sản phẩm, giảm bớt các khâu trung gian nhằm đưa hàng hóa tới tay người tiêu dùng với giá cả hợp lý. Các chợ truyền thống tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh chuẩn bị đầy đủ hàng hóa thiết yếu để đưa ra tiêu thụ trên thị trường trong dịp tết. Hiện tại các nguyên phụ liệu, hàng hóa cung ứng cho người dân tiêu dùng trong dịp lễ, tết cuối năm, đặc biệt là thời điểm cao độ mua sắm vào khoảng tuần thứ 4 trước Tết Nguyên đán đã được chuẩn bị chu đáo. Trong đó các tập đoàn, siêu thị lớn như Go!, Lan Chi Mart, Vinmart… phát huy lợi thế có nhiều đơn vị thành viên trên toàn hệ thống nên đã hoàn tất công tác chuẩn bị một lượng lớn hàng hóa theo ưu thế của mình để cung ứng tới người tiêu dùng với mức giá tốt nhất. Tại chuỗi cửa hàng tiện ích Vinmart, hàng hóa được bổ sung liên tục trên 3 tiêu chí hướng tới quyền lợi người tiêu dùng là: “Đầy đủ - tươi ngon - tiết kiệm”; trong đó chú trọng cung ứng các sản phẩm đồ khô, rau, củ, quả, đồ ăn nhanh tốt cho sức khỏe, có nguồn gốc tự nhiên chất lượng cao của các doanh nghiệp trong nước sản xuất và nhập khẩu một số loại hàng hóa cao cấp phù hợp với nhu cầu của người dân trong dịp tết. Hệ thống các cửa hàng thuộc Hiệp hội Nông sản sạch Nam Định đẩy mạnh cung ứng sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh, nhất là các đặc sản nông nghiệp của mọi vùng miền trên toàn quốc.  

Với phương châm huy động tối đa các kênh bán hàng và sự vào cuộc của các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, cung ứng hàng hóa trên địa bàn, nên lượng hàng hóa phục vụ tết năm nay khá dồi dào, đa dạng về chủng loại, phong phú về nhãn hiệu, giá bán hợp lý, thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng với nhiều lựa chọn; dự báo tình trạng thiếu hàng, sốt giá khó xảy ra. Do đó người dân không nên tích trữ nhiều hàng hóa để tránh lãng phí và đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng, chống cháy nổ./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com