Chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại

08:19, 01/02/2023

Chuyển đổi số (CĐS) trong hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) là yêu cầu tất yếu nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức XTTM, doanh nghiệp, hợp tác xã, thúc đẩy phát triển ngoại thương và thương mại trong nước, góp phần tái cơ cấu ngành Công Thương.

Sản phẩm cá trạch kho niêu của Công ty TNHH Thỉnh Ca, thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng) được hỗ trợ xúc tiến thương mại trực tuyến trên Sàn giao dịch thương mại điện tử Nam Định.
Sản phẩm cá trạch kho niêu của Công ty TNHH Thỉnh Ca, thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng) được hỗ trợ xúc tiến thương mại trực tuyến trên Sàn giao dịch thương mại điện tử Nam Định.

Để đáp ứng yêu cầu CĐS trong hoạt động XTTM, tháng 4-2022, UBND tỉnh đã phê duyệt “Đề án đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và CĐS trong hoạt động XTTM giai đoạn 2021-2030”. Đề án tập trung vào 4 nội dung cơ bản gồm: Nâng cao nhận thức, năng lực ứng dụng CNTT và CĐS trong hoạt động XTTM; xây dựng hệ sinh thái XTTM số thống nhất, phù hợp với kiến trúc chính quyền điện tử, đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn công nghệ, kỹ thuật, đảm bảo khả năng vận hành thông suốt, kết nối, liên thông chia sẻ dữ liệu. Hỗ trợ các tổ chức đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu kết nối, tổ chức và tham gia nền tảng hệ sinh thái XTTM số; hoàn thiện cơ chế chính sách ứng dụng CNTT và CĐS trong hoạt động XTTM. Mục tiêu cụ thể là phải xây dựng được khung cơ sở dữ liệu chuyên ngành XTTM nhằm phục vụ kết nối liên thông với hệ sinh thái XTTM số quốc gia. 20% tổ chức XTTM và gần 100 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã được tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ các nội dung về ứng dụng CNTT và CĐS và bảo đảm an toàn thông tin. 100% thủ tục hành chính lĩnh vực XTTM đủ điều kiện triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Đến năm 2025 có 50% tổ chức XTTM, trên 100 doanh nghiệp được cấp tài khoản trên hệ sinh thái XTTM số và 50% số doanh nghiệp này có phát sinh giao dịch và chia sẻ thông tin. Xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành XTTM và 2 ngành hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh kết nối, liên thông với hệ sinh thái XTTM số. 10% dịch vụ kết nối thị trường được tổ chức trên nền tảng internet, hỗ trợ trên 100 lượt doanh nghiệp tham gia hệ sinh thái XTTM số. 30% tổ chức XTTM và trên 300 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã được tập huấn ứng dụng CNTT và CĐS và bảo đảm an toàn thông tin. 30% tổ chức XTTM và trên 300 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã sử dụng, khai thác, vận hành các nền tảng dùng chung và chia sẻ dữ liệu với hệ sinh thái XTTM số. Để thực hiện mục tiêu này, Sở Công Thương đã tổ chức đánh giá thực trạng ứng dụng CNTT và CĐS trong XTTM. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các huyện, thành phố từng bước xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu XTTM địa phương; hỗ trợ, phát triển và áp dụng các nền tảng số phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là các nền tảng thương mại điện tử và đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực ứng dụng CNTT, CĐS cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan, tổ chức XTTM và doanh nghiệp trên địa bàn. Hỗ trợ hàng trăm doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh thực hiện việc phân phối hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử uy tín trong nước và của tỉnh. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Khuyến công và XTTM đã hỗ trợ gần 100 doanh nghiệp tham dự 20 sự kiện kết nối XTTM cung cầu hàng hóa ở cả trong và ngoài nước. Tiêu biểu hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều tỉnh Bắc Giang theo hình thức trực tuyến tại điểm cầu Sở Công Thương; kết nối, hỗ trợ 10 doanh nghiệp dệt may của tỉnh tham gia khóa tập huấn nâng cao năng lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tiếp cận thị trường xuất khẩu và doanh nghiệp tham gia Hội chợ quốc tế ngành dệt may năm 2022 do Cục XTTM và Tổ chức XTTM Canada (TFO Canada) tổ chức theo hình thức trực tuyến trên nền tảng zoom. Tại các chương trình kết nối cung cầu hàng hóa, XTTM, Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công và XTTM đều lồng ghép với các hoạt động CĐS như: Thanh toán quét mã QR code; đặt hàng trực tiếp qua các sàn thương mại điện tử; hướng dẫn, định hướng người dân phương thức đặt hàng, hình thức thanh toán thông qua môi trường internet khi mua sản phẩm… Chị Vũ Thị Phương, đại diện Công ty TNHH Thủy sản Hải Thịnh, thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) cho biết: Công ty chuyên sản xuất nước mắm truyền thống và các sản phẩm từ mắm như mắm tôm, mắm tép. Cơ sở đạt chứng nhận HACCP, trung bình mỗi năm Công ty sản xuất 200 nghìn lít nước mắm và 200 tấn mắm tôm, mắm tép. Sản phẩm nước mắm truyền thống của Công ty đã đạt giải thưởng “Sản phẩm tin cậy năm 2016” do Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) trao tặng; năm 2019, có 3 sản phẩm của Công ty đạt tiêu chuẩn OCOP. Trong đó sản phẩm nước mắm truyền thống đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao. Công ty thường xuyên được các Sở Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội nông sản sạch hướng dẫn tham gia các chương trình XTTM trực tiếp và trực tuyến. Sản phẩm mắm Tân Phú đang được bán tại hệ thống siêu thị Winmart, Winmart+, Qmart, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch (Sói Biển, Bác Tôm, Tâm Đạt, Biggreen, UCA, Vorganic, Cleverfood….) tại Hà Nội và các đại lý ở nhiều tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Hiện tại ngoài phân phối trực tiếp, Công ty đã xây dựng Website riêng cho sản phẩm của mình và giới thiệu sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử Nam Định, Posmart.vn, Voso.vn… Do đó sản phẩm được nhiều người tiêu dùng tiếp cận. Việc thông tin đặt hàng, vận chuyển và quảng bá thương hiệu trực tuyến được thực hiện nhanh chóng, không tốn thời gian, công sức. Doanh thu từ thương mại điện tử trong bán hàng cũng tăng từ 30-35% so với trước đây. Đây là kênh quảng bá thương hiệu sản phẩm quan trọng của Công ty và góp phần vào việc CĐS trong sản xuất, kinh doanh đáp ứng xu thế của thị trường.

Để tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT, thúc đẩy CĐS trong hoạt động XTTM, Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công và XTTM tỉnh tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu XTTM số, biên soạn tài liệu, tuyên truyền về ứng dụng CNTT và CĐS trong hoạt động XTTM làm thay đổi nhận thức, tư duy thương mại cho người dân, doanh nghiệp, tạo cầu nối bền vững, lâu dài cho hoạt động giao thương và đáp ứng xu thế phát triển trong thời đại 4.0 hiện nay. Lồng ghép các hoạt động ứng dụng thương mại điện tử trong khuôn khổ tổ chức các kỳ hội chợ, qua đó từng bước định hướng, hình thành thói quen sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong thời đại công nghệ số cho người dân, doanh nghiệp. Phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), Sở Thông tin và Truyền thông, các sàn thương mại điện tử trong nước tham gia tư vấn, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện hoạt động thương mại điện tử. Đồng thời tham mưu với UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp CNTT và các đơn vị cung ứng dịch vụ XTTM trên địa bàn tỉnh tham gia vào hệ sinh thái XTTM số quốc gia./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com