Kinh nghiệm trồng đậu tương trên đất ướt (kỳ 2)

06:04, 15/04/2020

(tiếp theo)

- Gieo và chăm sóc: Hạt đậu mua về cần hong trong nắng nhẹ 2 giờ rồi gieo trực tiếp, không nên ngâm ủ nứt nanh sẽ dễ làm hạt thối hỏng.

* Lưu ý: Vì trong hạt đậu tương có chứa nhiều dầu nên dễ bị hư hỏng nếu không bảo quản tốt. Vì vậy trước khi gieo nông dân cần thử sức nảy mầm của hạt để ước lượng mật độ khi gieo nhiều hay ít sao cho phù hợp.

Nếu có chế phẩm phân vi sinh cố định nốt sần (Nitragin) thì nên xử lý giống sẽ giúp cho năng suất, phẩm chất hạt đậu tương sau này tăng lên đáng kể (hạt được vẩy nước cho ẩm rồi trộn đều phân vi sinh để phân bao phủ kín các hạt mới đem gieo).

+ Mật độ cây đậu tương vụ thu đông cần để dày vừa phải. Đây là một yếu tố quan trọng quyết định năng suất đậu tương. Tùy theo giống mật độ thích hợp là 35-50 cây/m2( hàng cách hàng 30- 40 cm, cây cách cây 5-7 cm).

Ảnh minh hoạt/Internet.
Ảnh minh hoạt/Internet.

+ Bón phân: Đậu tương có thời gian sinh trưởng ngắn lại là cây trồng cạn nên đòi hỏi phải huy động các chất dinh dưỡng càng sớm càng tốt để tạo năng suất sau này. Khác với nhiều cây trồng, đậu tương trong thời kì nở hoa, thân cành, lá và rễ vẫn tiếp tục phát triển mạnh, cây tiêu hao rất nhiều dinh dưỡng. Cho nên phân đạm và kali nên bón thúc cho đậu tương làm 2 đợt (đợt 1 bón 50% khi cây có 2-3 lá kép, đợt 2 bón trước khi cây ra hoa với lượng phân còn lại).

+ Tỉa dặm định cây: Tỉa sớm đúng lúc sẽ giúp cây có đủ ánh sáng, lóng ngắn, nhiều đốt sẽ cho nhiều quả. Tốt nhất nên tỉa làm 2 lần (lần đầu khi cây bắt đầu ra lá kép, tỉa lần 2 định cây khi cây có 2-3 lá kép).

* Lưu ý: Vụ thu đông trên đất 2 lúa thường ít cỏ, tuy nhiên nông dân cũng cần phải xới phá váng cho cây nhất là trên chân ruộng làm đất tối thiểu. Ở lần bón thúc sau tùy theo điều kiện đất đai mà có thể vun xới hay không vun xới (bón phân hay rắc phân).

Ở vụ này đậu tương phân hóa mầm hoa rất sớm và chiều cao cây thường vừa phải nên không cần phải bấm ngọn để cây phân cành.

Ngoài ra đậu tương rất dễ bị rụng hoa khi gặp những yếu tố mẫn cảm (thiếu dinh dưỡng, thời tiết bất thuận hay sâu hại...) Để giảm thiểu người trồng cần cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cây, giữ ẩm thường xuyên và bổ sung thêm một số dinh dưỡng vi lượng qua lá, nhất là dinh dưỡng Bo- can xi vào thời điểm cây ra hoa đậu quả rộ.

Vụ đông thường hanh khô nên phải thường xuyên tưới nước giữ ẩm cho cây để đạt năng suất, tránh để cây bị hạn nhất là thời kì nở hoa và hình thành quả. Khô hạn xảy ra thời kì quả mẩy không những làm giảm trọng lượng hạt mà còn ảnh hưởng đến số hạt/quả.

- Phòng trừ sâu bệnh: Đậu tương có giá trị dinh dưỡng cao nên bị nhiều loài sâu bệnh hại tấn công như ruồi đục thân, sâu đục quả, sâu cuốn lá, rệp, bọ xít, bệnh gỉ sắt, lở cổ rễ,... Cần áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp sao cho hiệu quả. Việc sử dụng thuốc hóa học cần chú trọng vào các thời điểm xung yếu nhất của cây (cây có 2 lá đơn, cây có 3 lá kép, cây ra quả và thời điểm quả có sữa). Cần tuân thủ nguyên tắc 4 đúng khi sử dụng thuốc BVTV.

Theo khuyennongvn.gov



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com