Chủ động chống rét cho con nuôi thủy sản

08:01, 09/01/2018

Từ đầu mùa đông năm nay, nhằm giảm thiểu thiệt hại do rét gây ra, ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh đã tăng cường hướng dẫn các hộ nuôi thủy sản thực hiện các biện pháp phòng, chống rét cho các đối tượng nuôi.

Hiện toàn tỉnh có 15.443ha diện tích nuôi thủy sản; trong đó, diện tích đang nuôi khoảng 30-35%, còn lại đều đã cơ bản thu hoạch xong. Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, tình hình thời tiết những tháng đầu năm 2018 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp theo hướng bất lợi cho nuôi thủy sản. Để giảm thiệt hại cho hoạt động nuôi thủy sản, bảo đảm nguồn cung cấp thực phẩm cho thị trường trong dịp Tết Nguyên đán, Sở NN và PTNT đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản cùng các đơn vị chức năng thống kê diện tích, đối tượng nuôi, số lượng giống đã thả, dự kiến sản lượng các đối tượng nuôi qua mùa đông của các cơ sở nuôi trên địa bàn. Tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống rét cho thủy sản nuôi của các địa phương; phân công cán bộ chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện kế hoạch, phương án phòng chống rét; phổ biến, hướng dẫn trên các phương tiện thông tin về các biện pháp chống rét cho các cơ sở sản xuất giống thủy sản, lưu giống, nuôi thương phẩm để tránh thiệt hại, đảm bảo đủ thực phẩm cung cấp cho thị trường. Trong thời gian rét đậm cần tránh một số hoạt động gây mất an toàn cho thủy sản như tuyệt đối không kéo lưới kiểm tra đối tượng nuôi, không thu hoạch theo cách “đánh tỉa, thả bù” để tránh làm xây xát thủy sản nuôi nhằm hạn chế lây nhiễm các bệnh do nấm, ký sinh trùng…

Người dân huyện Nam Trực tăng cường khẩu phần dinh dưỡng góp phần phòng chống rét cho các đối tượng thủy sản nước ngọt.
Người dân huyện Nam Trực tăng cường khẩu phần dinh dưỡng góp phần phòng chống rét cho các đối tượng thủy sản nước ngọt.

Đối với thủy sản nuôi chưa đạt kích cỡ thương phẩm, đàn bố mẹ, đàn con giống cần tăng cường các biện pháp chống rét. Đặc biệt đối với những đối tượng nuôi thương phẩm đã đạt kích cỡ, nhất là các đối tượng chịu rét kém như cá lóc, cá rô phi, cá vược… nên tập trung thu hoạch trước các đợt rét. Cùng với biện pháp phòng, chống rét, các hộ nuôi thủy sản chú ý tăng cường sức đề kháng cho các đối tượng nuôi bằng việc cho ăn bổ sung thêm vitamin C, phòng bệnh định kỳ 1 tháng/lần bằng các loại thuốc theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật; định kỳ hòa nước vôi rải đều ao nuôi. Hiện các địa phương đang chỉ đạo các hộ nuôi tập trung thu hoạch các đối tượng nuôi đã đủ kích cỡ, trọng lượng nhằm tránh thiệt hại do rét đậm, rét hại kéo dài. Theo các cán bộ thủy sản, trong thời gian rét đậm, rét hại diễn ra, người nuôi thủy sản cần tuân thủ nghiêm hướng dẫn của cơ quan quản lý thủy sản tại các địa phương; chủ động xây dựng phương án phòng, chống rét phù hợp; áp dụng các hình thức tăng nhiệt độ phù hợp cho sinh trưởng của thủy sản nuôi và làm giống. Thực hiện che phủ bề mặt ao nuôi bằng nilon sáng màu hoặc thả bèo tây đối với các đối tượng nuôi nước ngọt. Đối với các lồng, bè nuôi thủy sản, dùng nilon phủ kín mặt lồng nuôi, sử dụng thức ăn phù hợp, khi nhiệt độ xuống thấp cần hạn chế cho cá ăn, tranh thủ cho ăn vào những ngày nắng ấm; theo dõi chất lượng môi trường nước, giữ môi trường nuôi sạch để phòng tránh dịch bệnh. Tại các địa phương nuôi thủy sản nước mặn lợ như xã Hải Lý, Hải Chính (Hải Hậu); Giao Phong, Giao Thiện, Bạch Long (Giao Thủy), Nam Điền, Thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng)… công tác chỉ đạo, tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động phòng, chống rét cho các đối tượng thủy sản cũng được quan tâm, chỉ đạo sát sao, được thực hiện liên tục, lồng ghép trong các cuộc họp dân. Xã Hải Lý là một trong những xã ven biển phát triển mạnh kinh tế biển. Xã có 33ha diện tích nuôi thủy sản với sản lượng trung bình hằng năm là 180 tấn, giá trị thu nhập từ việc nuôi thủy sản hằng năm lên đến 28,8 tỷ đồng. Để bảo vệ các đối tượng thủy sản nuôi, ngoài sự quan tâm chỉ đạo của các ban, ngành chức năng, các hộ nuôi thủy sản trong xã cũng đã chú trọng thực hiện phương châm “phòng hơn chống”, luôn chủ động chuẩn bị các loại vật tư, nguyên vật liệu để phòng chống rét cho tôm, cá. Chính vì vậy, hiện tượng tôm, cá chết vì rét được giảm thiểu rõ ràng. Anh Bùi Thanh Toàn, xóm Lê Lợi nuôi cả tôm thẻ chân trắng và cá nước ngọt với diện tích 7ha. Vừa nuôi đối tượng nước mặn, vừa nuôi nước ngọt nên anh Toàn đầu tư hệ thống giếng khoan sâu 120-130m để có nguồn nước ngọt đảm bảo chất lượng nuôi cá. Anh chia sẻ: “Mùa đông là thời điểm nhạy cảm đối với các đối tượng nuôi thủy sản, đặc biệt là vào những đợt rét đậm, rét hại kéo dài. Vì thế tôi thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết qua các phương tiện thông tin đại chúng cũng như tham khảo hướng dẫn các biện pháp phòng, chống rét cho tôm, cá. Đồng thời, tôi thường xuyên theo dõi chặt các yếu tố môi trường, tình hình sinh trưởng của các đối tượng nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời khi có dấu hiệu khác lạ. Đến thời điểm hiện tại, đàn tôm, cá của tôi đang được bảo vệ an toàn”.

Với sự chỉ đạo của các cơ quan chức năng, người nuôi thủy sản đã nâng cao ý thức chủ động các biện pháp phòng, chống rét cho các đối tượng nuôi. Đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp đàn tôm, cá phát triển khỏe mạnh, đáp ứng số lượng, chất lượng giống cho vụ nuôi và đảm bảo hiệu quả kinh tế cho người nuôi./.

Bài và ảnh: Thanh Hoa

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com