Đảm bảo an toàn môi trường nước nuôi thủy sản thời điểm giao mùa

07:11, 02/11/2017

Những cơn mưa lớn kéo dài thời gian qua đã làm thay đổi các yếu tố môi trường ao nuôi, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của các đối tượng thủy sản. Bên cạnh đó, giai đoạn chuyển giao từ hè sang thu đông chính là thời điểm thuận lợi cho dịch bệnh phát triển. Đó là tác nhân chính làm chất lượng nước trong ao nuôi dễ biến động, diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, gây ảnh hưởng đến sức khỏe các đối tượng nuôi, làm gia tăng nguy cơ mắc dịch bệnh ở các đối tượng nuôi, giảm ăn, giảm sức đề kháng, gây hao hụt đầu con, giảm năng suất khi thu hoạch. Chính vì vậy, Sở NN và PTNT đã phối hợp với UBND các huyện chỉ đạo phòng chuyên môn hướng dẫn người nuôi thủy sản chủ động các biện pháp để đảm bảo an toàn môi trường nước nuôi thủy sản thời điểm giao mùa.

Sở NN và PTNT đã yêu cầu Chi cục Thủy sản, Phòng NN và PTNT các huyện phân công cán bộ bám sát vùng nuôi, nắm chắc tình hình dịch bệnh và thiệt hại do dịch bệnh gây ra; tiến hành lấy mẫu cảnh báo môi trường, kịp thời phát hiện những yếu tố có nguy cơ tác động xấu đến môi trường nuôi thủy sản, cảnh báo và hướng dẫn người nuôi thực hiện các biện pháp xử lý, khắc phục cần thiết. Các cán bộ thủy sản định kỳ lấy mẫu nước, mẫu bùn tại các vùng nuôi 2 lần/tháng nhằm phát hiện sớm những bất thường, thay đổi về các yếu tố như: nhiệt độ, độ mặn, độ kiềm, ô-xy hòa tan… để cảnh báo cho người nuôi; hướng dẫn người nuôi thủy sản thực hiện công tác vệ sinh cải tạo ao đầm, xử lý tốt nguồn nước trong quá trình nuôi, đặc biệt chú ý thời điểm giao mùa hiện nay; xử lý tốt các chất thải gây ô nhiễm môi trường. Sẵn sàng các phương án, nguồn nhân lực, vật tư, hóa chất để chủ động xử lý khi phát sinh dịch bệnh. Yêu cầu các hộ nuôi có đối tượng bị dịch bệnh không được xả thải trực tiếp nước trong ao nuôi ra môi trường khi chưa xử lý. Khi phát hiện yếu tố môi trường diễn biến bất thường người dân cần thông tin nhanh để các cơ quan chức năng có giải pháp ứng phó, xử lý kịp thời. Nhiều chủ cơ sở nuôi đã chấp hành nghiêm túc, đầy đủ các quy định về phòng chống dịch bệnh cũng như nuôi thủy sản; tuân thủ các quy trình kỹ thuật và mùa vụ theo hướng dẫn của Sở NN và PTNT; hợp tác với các cơ quan chức năng trong việc lấy mẫu kiểm tra các chỉ tiêu môi trường, dịch bệnh. Huyện Nghĩa Hưng là một trong 3 huyện ven biển của tỉnh phát triển mạnh nghề nuôi thủy sản với gần 3.000ha diện tích nuôi. Vừa qua, hàng trăm ha nuôi thủy sản của huyện phải chịu thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão số 10 và những trận mưa lớn kéo dài sau bão gây ra. Để khắc phục những tổn thất do thiên nhiên gây ra và đảm bảo môi trường nước nuôi thủy sản được an toàn, ngay sau khi có chỉ đạo của Sở NN và PTNT, huyện đã yêu cầu các cơ sở nuôi thủy sản phải chú trọng bảo đảm môi trường nước, hướng dẫn các hộ thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường nước như độ mặn, độ pH… để có những biện pháp xử lý kịp thời; trang bị kiến thức cho người dân đảm bảo luôn luôn chủ động những biện pháp phòng trị bệnh cho tôm, cá… Ông Vũ Mạnh Bằng, xã Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng) có hơn 1ha nuôi cá bống bớp. Ông cho biết, nuôi cá bống bớp cần có ao dự phòng để khi môi trường nước trong ao chính thay đổi hay cá bị bệnh cần chuyển sang ao dự phòng để xử lý bảo vệ cá trong khi diệt trùng, cải tạo ao cũ. Bên cạnh đó, cần bổ sung các dưỡng chất cần thiết vào thức ăn để tăng sức đề kháng, chống sốc cho cá vào thời điểm giao mùa. Tuy nhiên, ông không lạm dụng thuốc, hóa chất trong quá trình xử lý nguồn nước, chỉ sử dụng các chế phẩm sinh học được Bộ NN và PTNT phê duyệt và đúng liều lượng mà nhà sản xuất đã hướng dẫn. Ông Nguyễn Mạnh Tường, xã Nam Toàn (Nam Trực) nuôi cá nước ngọt truyền thống. Bằng kinh nghiệm thực tế ông cho biết, thời điểm tháng 10 thời tiết ít nắng hơn nên tảo trong ao nuôi phát triển nhiều tạo màu xanh đậm hoặc đen, gây thiếu ô-xy cho cá, khiến cá nổi đầu về khuya, sáng sớm. Khi mưa lớn đột ngột, nhiệt độ nước giảm gây hiện tượng sốc nhiệt, có khả năng làm cá chết. Không những thế, khi tảo chết, phân hủy sẽ tạo ra nhiều khí độc cũng làm ảnh hưởng đến sức khỏe đàn cá. Chính vì vậy nên ông phải thường xuyên theo dõi môi trường nước để có những biện pháp xử lý kịp thời. Hơn nữa, vừa trải qua những cơn mưa lớn kéo dài, môi trường nước chưa thực sự ổn định nên ông vẫn chú trọng rắc vôi bột để khử trùng; phát quang những cành cây xung quanh bờ ngăn cành lá rụng vào ao làm ô nhiễm nguồn nước. Ông còn tận dụng thân cây chuối thái nhỏ và lá chặt thành đoạn cho cá ăn để phòng, chống một số bệnh về đường ruột cho cá.

Việc đảm bảo an toàn môi trường nuôi thủy sản trong thời điểm giao mùa là một trong những yếu tố quyết định hiệu quả của vụ nuôi thủy sản. Quản lý tốt yếu tố này sẽ giúp giảm thiểu rủi ro, nâng cao hiệu quả cho vụ nuôi, góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng./.

Thanh Hoa

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com