Lợi và hại khi cho học sinh sử dụng điện thoại trong học tập

05:11, 20/11/2020

Cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong học tập hiện đang là vấn đề gây ra nhiều luồng ý kiến trái chiều của dư luận vì có cả mặt lợi và mặt hại. Điều mà các thầy cô giáo và các bậc phụ huynh băn khoăn lớn nhất là làm sao để trang bị kiến thức cho học sinh, để các em hiểu và sử dụng điện thoại đúng mục đích, không bị sao nhãng trong học tập.

Thực tế, giáo viên và phụ huynh đều mong muốn học sinh được sử dụng điện thoại để phục vụ cho việc học tập và liên lạc với gia đình, thầy cô, bạn bè. Hiện nay nhu cầu sử dụng điện thoại thông minh để ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học là rất cần thiết. Điện thoại di động đang là một phương tiện được học sinh sử dụng nhiều, phổ biến là các em học sinh THCS trở lên. Không thể phủ nhận những lợi ích mà điện thoại mang lại cho học sinh vì giúp các em thuận tiện trong học tập, tìm kiếm thông tin, tài liệu nhanh chóng. Ngoài ra, điện thoại còn giúp các em liên hệ với gia đình khi có việc đột xuất. Em Phạm Phan An, học sinh Trường THPT Nguyễn Khuyến (thành phố Nam Định) cho biết: “Điện thoại hỗ trợ em rất nhiều trong quá trình học tập. Nhờ có chiếc điện thoại mà em có thể tìm kiếm thông tin, trao đổi bài tập với các bạn một cách dễ dàng và thuận tiện. Trong dịp nghỉ học để phòng chống dịch COVID-19 vừa qua, nhờ có điện thoại mà em vẫn có thể học trực tuyến, trang bị kiến thức qua internet, các trang mạng xã hội”. Công nghệ ngày càng hiện đại, chiếc điện thoại thực sự là một phương tiện “đắc lực” cho cả các thầy cô giáo và học sinh. Tuy nhiên, cũng từ đó, nhiều trang mạng xã hội đăng tải những thông tin không phù hợp hay các trò chơi game trực tuyến xuất hiện ngày càng nhiều..., thu hút sự quan tâm của giới trẻ, nếu các em không ý thức tốt sẽ dễ bị rủ rê, lôi kéo vào các hoạt động không lành mạnh, thậm chí phạm pháp, mất tập trung dẫn đến giảm chất lượng học tập... Vì vậy, các bậc phụ huynh cũng như giáo viên cần theo dõi sát sao và hướng dẫn các em sử dụng điện thoại hợp lý, hiệu quả, phục vụ việc học, chứ không để bị lạm dụng. Trung tâm GDNN-GDTX huyện Nam Trực có nhiều em nhà ở xa trường. Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc liên lạc giữa học sinh và phụ huynh, nhà trường cho phép các em đem điện thoại đến trường. Tận dụng việc đa số học sinh đều đã có điện thoại nên trong những tiết học, trong những giờ thảo luận nhóm, những bài tập giáo viên đưa ra được học sinh sử dụng điện thoại tra cứu thông tin, giải đáp đã trở nên bình thường. Trung tâm đã đề ra nội quy với những quy định nghiêm ngặt cho học sinh sử dụng điện thoại di động như: trừ điểm rèn luyện, mời phụ huynh, thậm chí là tịch thu điện thoại đến cuối học kỳ. Theo nhà trường, việc giao điện thoại thông minh cho học sinh để ứng dụng vào việc học đã mang lại hiệu quả tích cực, qua đó làm thay đổi cách học, thay đổi tư duy tiếp nhận kiến thức của học sinh. Việc học giờ đây không chỉ còn một chiều từ giáo viên đến học sinh. Cô giáo Đỗ Thị Khuyên, giáo viên tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện Nam Trực cho biết: “Trung tâm có nhiều hình thức để nâng cao ý thức học sinh khi sử dụng điện thoại thông minh cho việc học tập. Ví dụ vào những buổi chào cờ đầu tuần, sinh hoạt chủ nhiệm hàng tuần..., giáo viên sẽ nhắc nhở, phân tích cho học sinh thấy rõ được lợi ích và hạn chế của việc sử dụng điện thoại và đưa ra nội quy để các em thực hiện”. Với nhiều phụ huynh, việc để cho con cái sử dụng điện thoại cũng mất nhiều thời gian cân nhắc. Chị Phạm Thị Thảo đang có con gái học lớp 10 Trường THPT Trần Văn Bảo (Nam Trực) cho biết, trước những vụ phát tán video clip học sinh đánh nhau, clip đen tràn lan trên mạng khiến chị vô cùng lo lắng. Tuy nhiên chị đã mua điện thoại cho con sử dụng để tiện lợi cho việc học tập và  nhu cầu liên lạc bởi giờ học thêm ở các trung tâm mà con theo học hay thay đổi nên để tiện việc đưa - đón. Nhưng chị thường xuyên yêu cầu kiểm tra điện thoại của con để kịp thời nhắc nhở nếu con sử dụng điện thoại vào những mục đích không chính đáng.

Việc cho học sinh sử dụng điện thoại di động có lợi hay có hại còn do cách nhà trường và gia đình đã hướng dẫn con em mình ứng xử với điện thoại thông minh như thế nào. Ngày 15-9-2020, Bộ GD và ĐT đã ban hành Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT, trong đó có điều 37 quy định về các hành vi mà học sinh không được làm như: “sử dụng điện thoại di động khi đang học tập trên lớp mà không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”. Đây là một trong những quy định mới của Bộ GD và ĐT cho học sinh tiếp cận với công nghệ hiện đại, phục vụ cho việc học tập. Do đó, các bậc phụ huynh, thầy cô cần quan tâm đúng mức đến việc sử dụng điện thoại di động của học sinh, xây dựng được cho các em ý thức sử dụng điện thoại di động một cách hợp lý./.

Thanh Hoa

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com