Hiệu quả bước đầu triển khai giáo dục STEM ở một trường học

08:11, 25/11/2020

Trường THCS Giao Thanh (Giao Thủy) hiện có 375 học sinh với 22 cán bộ, giáo viên. Từ năm học 2018-2019, nhà trường đã triển khai giáo dục STEM đến các khối lớp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giúp học sinh nâng cao khả năng tư duy, vận dụng linh hoạt các kiến thức, hiểu biết từ các môn học vào thực tiễn.

Một giờ học STEM tại Trường THCS Giao Thanh.
Một giờ học STEM tại Trường THCS Giao Thanh.

Là phương thức giáo dục mới nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức khoa học gắn liền với ứng dụng thực tiễn, đặc biệt là vận dụng kiến thức liên môn, nhà trường đã quán triệt, triển khai về giáo dục STEM trong cán bộ, giáo viên tiểu ban giáo dục STEM của trường được thành lập tham mưu trực tiếp và thường xuyên cho ban giám hiệu về kế hoạch thực hiện các chủ đề STEM trong năm học. Ban giám hiệu nhà trường thường xuyên định hướng và hướng dẫn giáo viên, đưa tinh thần STEM vào trong các bài dạy trên lớp. Trong đó, giáo viên các tổ chuyên môn cùng xây dựng bài học tích hợp các môn: Toán - Sinh - Lý - Hóa..., giúp học sinh được tham gia học tập tích cực, chủ động và biết vận dụng kiến thức vừa học để giải quyết vấn đề đặt ra; qua đó góp phần hình thành phẩm chất năng lực cho học sinh; đồng thời tổ chức hoạt động trải nghiệm STEM, khuyến khích thầy trò tham gia nghiên cứu khoa học. Ban giám hiệu nhà trường định hướng cho các giáo viên thực hiện ít nhất một chủ đề/học kỳ; mỗi tổ bộ môn thực hiện 1 trải nghiệm/năm học. Thầy giáo Phạm Thế Hưởng, giáo viên dạy môn Toán cho biết: “Lúc đầu thực hiện, chúng tôi gặp khó khăn vì giáo dục STEM khá mới, đòi hỏi giáo viên phải chuẩn bị rất nhiều cho bài giảng. Với quyết tâm của ban giám hiệu nhà trường và nỗ lực tập thể giáo viên, đến nay việc triển khai thực hiện dạy học tích hợp STEM ở nhà trường khá hiệu quả”. Trong tiết dạy học theo chủ đề STEM “Bộ dụng cụ học hình cho người khiếm thị” môn Toán lớp 8 vừa qua, thầy Hưởng đã hướng dẫn học sinh giúp các bạn khiếm thị có đồ dùng học tập hình học, theo đó lớp học được chia thành mỗi nhóm thảo luận để tìm cách tạo các mô hình: hình hộp chữ nhật, hình lập phương, hình lăng trụ đứng tam giác bằng bìa cứng. Với hình khối hiện có, học sinh cho biết số đỉnh, số cạnh, số mặt; hình dạng của từng mặt; gọi tên loại khối hình, các kích thước đo được và tính toán diện tích xung quanh, diện tích toàn phần và thể tích của khối hình đang có trong tay. Sau đó, một học sinh ở lớp học khác sẽ che kín mắt (bằng khăn sẫm màu) chỉ cần sờ có thể nhận biết hình dạng, xác định được số cạnh, số đỉnh, số mặt, kích thước để từ đó tính được các giá trị diện tích xung quanh, diện tích toàn phần và thể tích. Sau khi hoàn thành các hoạt động trên, các em trình bày và bảo vệ phương án thiết kế của mình và tiến tới chế tạo bộ dụng cụ học hình học cho người khiếm thị theo phương án thiết kế. Bài học này đã tạo sự hứng thú cho học sinh vì các em được trực tiếp thực hành, trải nghiệm, sáng tạo. Khi học sinh thực hành, giáo viên là người theo dõi, nhận xét, đánh giá và tìm ra những tồn tại, hạn chế trong quá trình làm rồi yêu cầu các em tự mày mò, tìm hiểu nguyên nhân và giải pháp khắc phục tồn tại đó cho đến khi hoàn thành sản phẩm.

Để phương pháp này tiếp tục phát huy hiệu quả và được nhân rộng tại các lớp, ban giám hiệu nhà trường đã giao các tổ chuyên môn tổ chức thảo luận, lựa chọn chủ đề; khi lựa chọn được chủ đề chính, nhà trường sẽ đưa vào giảng dạy chính khóa. Từ những thực tế trên có thể thấy, việc áp dụng phương pháp giáo dục STEM vào dạy học là thiết thực và hiệu quả. Thầy giáo Phan Chiểu, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Giáo dục STEM mới được nhà trường thực hiện trong 2 năm học nhưng đã mang lại nhiều kết quả thiết thực, góp phần tích cực vào sự hình thành và phát triển nhân cách, trau dồi kỹ năng, ý thức học tập cho học sinh. Đặc biệt, với những học sinh chưa tự tin trong học tập cũng hăng hái tham gia, bởi với mỗi sản phẩm tạo ra, các em đều phải thảo luận, đóng góp ý tưởng và tự thuyết minh trước lớp. Từ đó, các em đã dần áp dụng tốt những kiến thức được học và cảm thấy yêu thích, tích cực tham gia các hoạt động bổ trợ cho việc học tập. Bên cạnh đó, chương trình giáo dục STEM còn giúp việc phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh lớp 9 của trường thuận lợi hơn”.

Từ năm học 2015-2016, Trường THCS Giao Thanh đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đổi mới phương pháp dạy học và quản lý nhằm định hướng cách tư duy có lôgic, phát huy tính tích cực của học sinh. Trong đó, 100% các lớp đều được trang bị máy tính, máy trình chiếu, các thầy, cô giáo đều tự trang bị máy tính để soạn giảng và truy cập tài liệu phục vụ bài giảng. Trong các tiết dạy có ứng dụng công nghệ thông tin, bài giảng của giáo viên được thể hiện sinh động. Các hình ảnh, sơ đồ, mô hình giúp học sinh hứng thú, dễ hiểu, dễ nhớ, góp phần thực hiện thành công đổi mới phương pháp dạy học… Bên cạnh đó, nhà trường tạo điều kiện và khuyến khích giáo viên xây dựng giáo trình điện tử, tập hợp sưu tầm các kho tư liệu để chia sẻ, trao đổi với nhau. Đến nay, giáo viên của nhà trường đều có cách thức chuyển tải nội dung bài học đến với học sinh cho phù hợp; trong một tiết học, học sinh tiếp nhận được những vấn đề cơ bản, cốt lõi nhất của bài giảng. Để đạt hiệu quả cao, mỗi giáo viên phải chuẩn bị giáo án, tạo tâm thế dạy tốt và phương pháp giảng dạy khoa học; trong đó sử dụng những thiết bị, đồ dùng dạy học, vận dụng giáo án điện tử, đưa tư liệu, hình ảnh vào bài giảng. Việc đổi mới phương pháp giảng dạy đã được tiến hành mạnh mẽ thông qua việc dạy học tích hợp các kiến thức liên môn vào các bài giảng, tăng cường sử dụng phòng bộ môn như: Hóa học, Vật lý, Sinh học, tiếng Anh... Từ đó, học sinh đã có được kỹ năng tổ chức học tập, thảo luận nhóm, nâng cao khả năng thuyết trình, tăng sự tự tin.

Thời gian tới, Trường THCS Giao Thanh tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, trong đó thực hiện dạy học dựa trên chuẩn kiến thức, kỹ năng và đổi mới kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Nhà trường sẽ tạo điều kiện để cán bộ, giáo viên tham gia các lớp tập huấn giáo dục STEM; đầu tư nâng cấp, bổ sung trang thiết bị dạy học còn thiếu, đồng thời thường xuyên tổ chức hoạt động trải nghiệm trong và ngoài nhà trường với mục tiêu tăng cường rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng vận dụng kiến thức liên môn vào các tình huống thực tiễn… góp phần thực hiện mục tiêu của Chương trình Giáo dục phổ thông mới./.

Bài và ảnh: Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com