Thành phố Nam Định làm tốt công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em

06:06, 08/06/2020

Những năm qua, thành phố Nam Ðịnh đã triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình “Phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016-2020”, từng bước xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh, thân thiện với trẻ em.

Trẻ em thành phố Nam Định tham gia lớp học kỹ năng sống tại Trung tâm Văn hóa, Thể thao, Thanh thiếu niên tỉnh.
Trẻ em thành phố Nam Định tham gia lớp học kỹ năng sống tại Trung tâm Văn hóa, Thể thao, Thanh thiếu niên tỉnh.

Triển khai Chương trình “Phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016-2020”, UBND thành phố đã chỉ đạo các phường, xã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Ðảng, chính quyền đối với công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; chú trọng công tác truyền thông trong cộng đồng để nâng cao nhận thức về hiểm họa tai nạn thương tích và các kiến thức cơ bản về phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em; xây dựng “Cộng đồng an toàn, phòng, chống tai nạn giao thông đường bộ cho trẻ em”, “Trường học an toàn”, “Ngôi nhà an toàn”; tổ chức các hoạt động vui chơi lành mạnh, bổ ích và an toàn cho trẻ. Ðến nay, thành phố có 18.250 số hộ đạt tiêu chí “Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em”; 54/54 trường học đạt tiêu chí “Trường học an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em”. Các trường tiểu học, THCS tuyên truyền cho học sinh những nội dung cơ bản của Luật Trẻ em; các quyền cơ bản của trẻ em cũng như nghĩa vụ của trẻ em trong gia đình và xã hội; tổ chức cho các em vui chơi giải trí, tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ; trang bị cho các em kỹ năng sống, giáo dục giới tính, phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước. Hàng năm, Phòng LÐ-TB và XH phối hợp với các ngành chức năng hướng dẫn các xã, phường triển khai thực hiện kế hoạch phòng chống tai nạn thương tích và lồng ghép với thực hiện Chương trình bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Từ năm 2019 đến nay, trên địa bàn thành phố có 259 cán bộ cấp xã, phường, cộng tác viên, tình nguyện viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em được tập huấn về kỹ năng phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Hoạt động phòng, chống đuối nước trẻ em, tổ chức dạy bơi cho trẻ em trong trường học được đẩy mạnh. Theo số liệu khảo sát của Phòng LÐ-TB và XH thành phố, thành phố có 13.639 trẻ em trong độ tuổi tiểu học và THCS biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước; 10.928 trẻ em trong độ tuổi tiểu học và THCS biết bơi; 7.371 trẻ em trong độ tuổi tiểu học và THCS được dạy bơi. Với sự vào cuộc quyết liệt của các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng, chống tai nạn thương tích, từ năm 2019 đến nay trên địa bàn thành phố không xảy ra trường hợp trẻ em tử vong vì đuối nước. Công tác trật tự đảm bảo an toàn giao thông (TTATGT) phòng ngừa tai nạn giao thông cho trẻ em được các cấp, các ngành thành phố quan tâm. Trung Tâm VH, TT và TT thành phố tăng cường tuyên tuyền pháp luật về TTATGT; hướng dẫn kỹ năng khi tham gia giao thông, công tác quản lý, giáo dục giữa gia đình - nhà trường, xã hội, bảo đảm TTATGT cho đối tượng trẻ em. Phòng GD và ÐT thành phố chỉ đạo các cơ sở giáo dục triển khai tuyên truyền, giáo dục và bảo đảm TTATGT cho học sinh; phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh thường xuyên nhắc nhở, giáo dục con em tự giác chấp hành quy định của pháp luật khi tham gia giao thông, đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp điện… Ðưa việc chấp hành không vi phạm, không để xảy ra tai nạn giao thông đối với học sinh trung học, tiểu học, mầm non là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua hàng năm đối với cán bộ, giáo viên và học sinh; tổ chức kiểm tra việc thực hiện cam kết giữa gia đình và nhà trường trong công tác giáo dục và bảo đảm TTATGT cho học sinh. Công an thành phố tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm về TTATGT đối với học sinh; phối hợp với các ngành chức năng, các nhà trường trên địa bàn thành phố rà soát, phát hiện, kiên quyết đình chỉ hoạt động xe tự chế, xe ô tô hết niên hạn sử dụng làm phương tiện đưa đón học sinh. Nhờ triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp đến nay thành phố có 15.184 trẻ em trong độ tuổi tiểu học, THCS biết kỹ năng an toàn giao thông. Năm 2019 thành phố có 3 trẻ em bị tai nạn giao thông làm 1 cháu tử vong.

Bên cạnh những kết quả tích cực, công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em ở thành phố Nam Ðịnh vẫn gặp nhiều thách thức. Nguyên nhân do kiến thức về an toàn trong cuộc sống của người dân còn hạn chế; cha mẹ, người chăm sóc trẻ em thiếu sự quan tâm, giám sát trẻ chặt chẽ; môi trường sống của trẻ em ở một số nơi chưa thật sự an toàn và người dân chưa có ý thức phòng ngừa tai nạn thương tích cho trẻ em. Việc sử dụng các trang thiết bị an toàn cho trẻ em còn hạn chế như: Trẻ không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông đường bộ bằng xe máy, mô tô, không sử dụng áo phao khi tham gia giao thông đường thủy. Nguồn kinh phí thực hiện công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em còn thiếu, chủ yếu lồng ghép trong các chương trình khác của các ngành, địa phương.

Ðể tiếp tục làm tốt công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, thời gian tới, Thành ủy, UBND thành phố Nam Ðịnh chỉ đạo các địa phương, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội tiếp tục triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em; mở thêm các lớp tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, cộng tác viên để trang bị những kiến thức trong việc thực hiện chương trình chăm sóc, bảo vệ trẻ em; xây dựng cụ thể cơ chế phối hợp giữa các ban, ngành, đồng thời có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân tham gia chăm sóc, bảo vệ trẻ em tại địa phương. Các gia đình cần hướng dẫn cho trẻ kỹ năng nhận biết cơ bản và phòng tránh những mối nguy hiểm cho trẻ em trong sinh hoạt hàng ngày./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com