Chấn chỉnh tình trạng lạm thu đầu năm học

07:10, 10/10/2019

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, và của UBND tỉnh về đổi mới công tác tài chính trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, những năm qua Sở Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các nhà trường và các cơ sở giáo dục trong tỉnh thực hiện công khai các nguồn thu, sử dụng các khoản thu theo đúng nguyên tắc quản lý ngân sách và các quy định hiện hành của Nhà nước; trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch chi các khoản thu trong đơn vị đảm bảo dân chủ, công khai; không để xảy ra tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, ngay từ đầu năm học mới 2019-2020, đã có không ít trường học, cơ sở giáo dục chưa thực hiện minh bạch về công tác tài chính, tình trạng lạm thu vẫn diễn ra dưới nhiều hình thức, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Học sinh Trường Tiểu học Nam Mỹ (Nam Trực) trong giờ học Mỹ thuật.
Học sinh Trường Tiểu học Nam Mỹ (Nam Trực) trong giờ học Mỹ thuật.

Chị Trang có con đang học lớp 4 tại một trường tiểu học có lượng học sinh đông nhất trên địa bàn thành phố Nam Định bức xúc với các khoản thu đầu năm học. Ngoài các khoản nộp cho nhà trường từ cuối năm học trước như: sách giáo khoa, vở, đồng phục học sinh, trong buổi họp phụ huynh đầu năm học, chị được thông báo về các khoản thu do đại diện ban phụ huynh đứng tên, gồm: Quỹ lớp 500 nghìn đồng/học kỳ; quỹ trường, quỹ hội phụ huynh lớp, quỹ hội phụ huynh trường, mỗi quỹ từ 100-200 nghìn đồng; tăng cường cơ sở vật chất 350 nghìn đồng, mua dù che sân trong các dịp lễ 40 nghìn đồng; hỗ trợ bảo vệ, vệ sinh 25 nghìn đồng/tháng, nước uống 10 nghìn đồng/tháng; bổ sung cơ sở vật chất bán trú 25 nghìn đồng/tháng; tiền photo đề kiểm tra 100 nghìn đồng… Điều đáng nói, năm nào nhà trường cũng thu tiền tăng cường cơ sở vật chất, tiền mua dù che nhưng hầu như không có chuyển biến đáng kể nào về cơ sở vật chất nhà trường, trong khi đó dù để che nắng che mưa chỉ sử dụng một năm 2-3 lần và không phải năm nào cũng phải thay. Với số học sinh trên 1.600 em thì số tiền này cũng không phải là nhỏ(?)! Tiền hỗ trợ bảo vệ, vệ sinh, mỗi tháng thu trên 40 triệu đồng, như vậy nhà trường không mất tiền để thuê bảo vệ, lao công. Chưa kể với khối lớp 1, phụ huynh còn phải đóng tiền điều hòa, máy chiếu, chăn gối bán trú… với số tiền không nhỏ. Việc ấn định số tiền đóng góp xây dựng cơ sở vật chất cho nhà trường dưới hình thức xã hội hóa giáo dục đã khiến nhiều người không khỏi thắc mắc. Hiện nay, HĐND thành phố Nam Định đã bỏ việc thu tiền đóng góp xây dựng cơ sở vật chất trong các nhà trường (gọi là tiền xây dựng), thì việc phụ huynh phải đóng góp tiền xây dựng cơ sở vật chất nhà trường sẽ được quản lý và sử dụng ra sao(?)! Mặt khác các lớp đều hô hào đóng góp các loại quỹ hội của lớp, của trường với mức thu dao động từ 500 nghìn đến 800 nghìn đồng/học sinh/học kỳ sẽ được sử dụng ra sao thì phụ huynh không được biết đến. Ở các vùng nông thôn, tình trạng lạm thu cũng diễn ra, tùy từng mức độ “huy động xã hội hóa” của mỗi nhà trường. Ở Trường Tiểu học xã Giao Hà (Giao Thủy), hầu hết các nội dung thu của nhà trường trong năm học 2019-2020 đều nằm trong danh sách những khoản tiền không được phép thu theo Thông tư số 55 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thế nhưng, học sinh mới đến trường được vài ngày thì phụ huynh đã được nhà trường yêu cầu phải nộp đủ. Với tổng số gần 700 học sinh, trung bình mỗi em phải đóng hơn 800 nghìn đồng cho những khoản thu không đúng theo quy định trong học kỳ 1 nhưng số tiền hơn 500 triệu đồng được quản lý và sử dụng như thế nào thì phụ huynh không được biết. Trong khi đó, nhà trường đã được đầu tư xây dựng với nguồn kinh phí hơn 8 tỷ đồng và là một trong số những trường đạt chuẩn quốc gia với cơ sở vật chất khang trang, bề thế. Việc năm nào nhà trường cũng thu tiền xây dựng cơ sở vật chất mà không thấy có sự thay đổi khiến phụ huynh bức xúc. Đối với các hộ thuần nông, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, thêm đóng góp vào những khoản thu ngoài danh mục, trái quy định, dù chỉ vài chục nghìn đồng là thêm sự vất vả, cực nhọc. Nguyên nhân của tình trạng nêu trên do các biện pháp xử lý “vấn nạn” lạm thu chưa đủ mạnh; các địa phương thiếu cương quyết xử lý, cho nên việc lạm thu trong trường học vẫn âm thầm phát triển. Bên cạnh đó, hội cha mẹ học sinh ở một số trường quá trình quản lý và sử dụng các khoản thu đóng góp chưa đúng mục đích, chưa công khai, minh bạch hoặc phớt lờ các quy định cấm lạm thu; làm ngơ để lãnh đạo các trường tùy tiện thu các khoản đóng góp rất cao,  gây bức xúc cho phụ huynh. Qua tìm hiểu, hầu hết các trường học trên địa bàn tỉnh đều vi phạm trong thực hiện 7 khoản phí không được thu theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Có trường trung học phổ thông, tiền thu ngoài quy định ngay đầu năm học mới mỗi học sinh gần 2 triệu đồng. Trước tình trạng lạm thu, dù không nhất trí nhưng phụ huynh cũng đành chấp nhận chứ không dám chối từ bởi cuộc họp phụ huynh bao giờ cũng do giáo viên chủ nhiệm chủ trì. Không ai muốn giáo viên “để ý” đến con cái mình, nhất là khi cha mẹ phản đối đến cùng việc thu chi của nhà trường và hội phụ huynh. Trong khi đó, nhiều khoản lạm thu vô lý chắc chắn không phải chỉ do các bậc phụ huynh nghĩ ra mà trước khi quyết định “tự nguyện’’ đóng góp phải có sự đồng thuận của nhà trường. Nhưng khi có vấn đề lạm thu, lạm chi, các bậc phụ huynh kêu ca, khiếu kiện thì nhà trường lại nói việc ấy do hội phụ huynh tự nguyện đóng góp(!). Nhiều trường còn bao biện, hiện nay, Nhà nước đang khuyến khích công tác xã hội hóa giáo dục; nếu không có các khoản đóng góp từ hội phụ huynh thì với kinh phí hạn hẹp, nhà trường không có điều kiện để đầu tư cho trường lớp phục vụ việc dạy và học (!).

Để chấn chỉnh kịp thời những tồn tại trong thu chi ở các nhà trường đầu năm học 2019-2020, mới đây Sở Giáo dục và Đào tạo đã có công văn đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo phòng Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan chức năng kiểm tra, chấn chỉnh các xã, phường, thị trấn, các cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền thực hiện nghiêm túc việc thu theo đúng quy định, không được tự tiện đặt ra các khoản thu. Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các phòng Giáo dục và Đào tạo chủ động rà soát, chấn chỉnh, xử lý hoặc kiến nghị xử lý các trường hợp vi phạm. Lập đường dây nóng, thông báo công khai đường dây nóng trên website để nhân dân phản ánh. Các trường trung học phổ thông, các trung tâm trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo tự kiểm tra việc thu đầu năm của đơn vị mình; bảo đảm việc huy động phải đúng theo quy định và phù hợp điều kiện kinh tế của cha mẹ học sinh. Nếu đơn vị nào thu không đúng quy định thì phải trả lại và hiệu trưởng chịu trách nhiệm trước các cấp quản lý và pháp luật. Các phòng chức năng của Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục phối hợp kiểm tra nắm bắt tình hình, kịp thời báo cáo về thực trạng lạm thu đầu năm để có giải pháp xử lý, chấn chỉnh phù hợp./.

Bài và ảnh: Hồng Minh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com