Nghĩa Hưng đẩy mạnh phong trào xây dựng xã hội học tập

04:08, 23/08/2019

Từ năm 2015, xóm 3, thôn Quần Phương, xã Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng) đã đẩy mạnh phong trào xây dựng xã hội học tập. Ở cấp học mầm non, xóm đã huy động 100% cháu ở độ tuổi nhà trẻ và mẫu giáo đến lớp. Toàn xóm có 69/119 hộ đăng ký xây dựng “Gia đình học tập”, trong đó 60 hộ được công nhận (đạt tỷ lệ 86%). Người dân trong xóm luôn tích cực học hỏi để nâng cao nhận thức, kiến thức, kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, mở mang ngành nghề như: học nuôi tôm, nuôi cá, đan bì ró, may mặc, xây dựng, dịch vụ, phục vụ sản xuất... Năm 2018, trong xóm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,9%; 25 hộ có thu nhập 100 triệu đến 500 triệu đồng trở lên. Qua bình xét, chấm điểm hàng năm của Hội Khuyến học xã, “Cộng đồng học tập” xóm đạt 99/100 điểm.

Học sinh Trường Trung học cơ sở Nghĩa Thái trong một giờ học.
Học sinh Trường Trung học cơ sở Nghĩa Thái trong một giờ học.

Làng Ngọc Tỉnh, xã Nghĩa Lợi hàng năm có 100% số hộ và dòng họ đăng ký, phấn đấu xây dựng “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”. Qua bình xét hàng năm, đều có trên 80% hộ gia đình và 75% dòng họ trong làng đạt “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập” đạt tỷ lệ cao nhất xã. Làng Ngọc Tỉnh là một trong 3 đơn vị đầu tiên của xã xây dựng chi Hội Khuyến học; đến nay các dòng họ trong làng đã có ban khuyến học khuyến tài. Chi Hội Khuyến học của làng có 132 hội viên; trong đó cán bộ, đảng viên trong làng đều là hội viên Hội Khuyến học; 2 gia đình có 3 thế hệ: ông, bà, con, cháu đều là hội viên khuyến học. Từ khi thành lập đến nay, chi Hội Khuyến học duy trì thu hội phí để hoạt động; các ban khuyến học đều có quỹ gần 30 triệu đồng; riêng quỹ khuyến học của làng trên 30 triệu đồng. Học sinh được nhà trường khen đều được chi Hội Khuyến học làng thưởng. Ngoài ra học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chi hội hỗ trợ từ 300 đến 500 nghìn đồng/năm. Học sinh làng Ngọc Tỉnh luôn cần cù, khổ luyện thành tài và học giỏi. Việc học tập thường xuyên, suốt đời từ trẻ em đến người lớn trong làng đã giúp cho nhận thức của người dân được nâng lên rõ rệt. Mọi người dân trong làng đều hăng say lao động sản xuất, làm giàu chính đáng. Ngoài trồng lúa, nhân dân còn làm thêm đan bao manh xuất khẩu cho doanh nghiệp Ánh Túy, mỗi người mỗi tháng thu được từ 3 đến 6 triệu đồng. Ngoài ra làng Ngọc Tỉnh còn phát triển kinh doanh, dịch vụ nên bình quân thu nhập trên 35 triệu đồng/người/năm. Dân làng Ngọc Tỉnh luôn chấp hành tốt mọi chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương. Công tác an ninh trật tự, phòng ngừa tội phạm được bảo đảm, trong làng không có người vi phạm pháp luật, đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện.

Từ khi triển khai xây dựng “Cộng đồng học tập”, xã Nghĩa Thái thường xuyên củng cố Ban chỉ đạo xây dựng xã hội học tập. Nhiệm vụ xây dựng “Cộng đồng học tập” được đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của xã. Trung tâm học tập cộng đồng xã đã tổ chức nhiều lớp học chuyên đề cho nhân dân lao động, đáp ứng phương châm “Cần gì học nấy”, “Học để làm ngay” áp dụng vào cuộc sống hàng ngày của cộng đồng, góp phần giảm nghèo bền vững. Hàng năm, tỷ lệ lao động tham gia các lớp chuyên đề tại Trung tâm học tập cộng đồng xã đạt 70% trở lên. Hàng năm cán bộ, công chức xã được luân phiên đi học các lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, điều hành. Tỷ lệ cán bộ xã có trình độ chuyên môn theo chuẩn quy định đạt 95% trở lên. Công tác xây dựng gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập được đẩy mạnh. Toàn xã hiện có 2.446 hộ được công nhận “Gia đình học tập”, đạt 86,4%; cả 17 xóm đều đạt danh hiệu “Cộng đồng học tập”. Qua rà soát đánh giá 15 tiêu chí “Cộng đồng học tập” cấp xã, năm 2018 xã đạt 92/100 điểm.

Sau 3 năm triển khai thực hiện Quyết định số 281 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng xã hội học tập, đến nay huyện Nghĩa Hưng đã có 61,16% số thôn, xóm, tổ dân phố đạt danh hiệu “Cộng đồng học tập”; 52% số xã, thị trấn đạt “Cộng đồng học tập”. Việc xây dựng cộng đồng học tập có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, mang lại cơ hội học tập cho mọi người dân trong cộng đồng và đã đi vào thực chất, hiệu quả.

Đạt được kết quả trên, UBND huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo, xây dựng mô hình cộng đồng học tập; Ban chỉ đạo xây dựng mô hình xã hội học tập của huyện đã tổ chức tập huấn, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng 15 tiêu chí xây dựng cộng đồng học tập trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Các xã, thị trấn đều thành lập Ban chỉ đạo xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh các hoạt động xây dựng xã hội học tập. Trong quá trình thực hiện đánh giá, xếp loại “Cộng đồng học tập” cấp xã, các cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân đều nhận thức đúng việc xây dựng xã hội học tập là trách nhiệm chung của các cấp, các ngành, tổ chức, đoàn thể và của toàn dân; hiểu được sự cần thiết của công tác xây dựng xã hội học tập, từ đó động viên nhân dân tham gia học tập.

Việc đẩy mạnh phong trào xây dựng xã hội học tập mà nòng cốt là “Cộng đồng học tập” ở huyện Nghĩa Hưng đã động viên, khích lệ phong trào khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; tạo điều kiện, cơ hội cho người dân được học tập thường xuyên, học tập suốt đời để nâng cao kiến thức, kỹ năng, tay nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững./.

Bài và ảnh: Minh Thuận

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com