Một năm học thắng lợi toàn diện

07:08, 16/08/2019

Năm học 2018-2019, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm: Rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá, đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng trong giáo dục phổ thông; nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục; giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo; tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo...

Được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho giảng dạy và học tập ở các trường học được tăng cường. Nhiều địa phương đã đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng khuôn viên diện tích trường học, xây dựng mới, tu sửa, nâng cấp phòng học, phòng chức năng, mua sắm thêm thiết bị và phương tiện dụng cụ học tập. Mặc dù gặp nhiều khó khăn do lộ trình sáp nhập các trường nhưng công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia, trường xanh - sạch - đẹp - an toàn vẫn được các đơn vị quan tâm đầu tư. Ở cấp học mầm non đã xây mới 169 phòng học, xây mới và cải tạo sửa chữa 158 công trình vệ sinh, 37 bếp ăn, 14 điểm trường có công trình nước sạch mới. Ở cấp học tiểu học đã xây mới 57 phòng học, 31 phòng chức năng, 9 thư viện đạt chuẩn, tiên tiến. Các trường học tích cực cải tạo cảnh quan môi trường sân chơi, bãi tập, vườn trường, vườn thực nghiệm; nâng cấp, xây mới nhà vệ theo quy chuẩn quốc gia TCVN:2011. Đặc biệt, ở cấp tiểu học, các nhà trường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, sách báo, tài liệu tham khảo để xây dựng thư viện lớp học, thư viện trường học. Hiện toàn tỉnh 49 trường có thư viện tiên tiến, 25 trường tổ chức Room to Read…

Các cháu Trường Mầm non xã Yên Phú (Ý Yên) trong một giờ học tô màu.
Các cháu Trường Mầm non xã Yên Phú (Ý Yên) trong một giờ học tô màu.

Cùng với tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật cho các cơ sở giáo dục, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh quan tâm xây dựng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục vững vàng về tư tưởng chính trị, có phẩm chất nghề nghiệp, lối sống mẫu mực, tâm huyết với nghề, tận tuỵ với công việc, có ý thức nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên để chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới thông qua việc tập huấn chuyên môn ở các lĩnh vực, tăng cường sinh hoạt chuyên môn tại các tổ, khối chuyên môn trong trường, cụm trường. Các cấp học đảm bảo chương trình bồi dưỡng thường xuyên. Các nhà trường tạo mọi điều kiện để giáo viên được tham gia học tập, nâng cao trình độ chuyên môn để đạt chuẩn và trên chuẩn theo quy định của các cấp học; đẩy mạnh các phong trào thi đua, nâng cao chất lượng giáo dục đại trà cũng như bồi dưỡng học sinh giỏi; mạnh dạn áp dụng các mô hình dạy học, giáo dục tiên tiến phù hợp với thực tiễn của địa phương, tạo bước tiến mới trong chất lượng dạy và học ngoại ngữ… Do vậy chất lượng giáo dục ở các cấp học được nâng lên. Toàn ngành đã đổi mới, nâng cao phương pháp dạy và học theo hướng chủ động; triển khai các mô hình dạy học theo hướng mở; chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học, coi đây là “chiến lược” giáo dục mà ngành luôn hướng đến và đưa vào thực hiện thông qua các hoạt động cụ thể. Ở bậc giáo dục mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các đơn vị nghiêm túc thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách hỗ trợ ăn trưa cho trẻ mẫu giáo theo Nghị định số 06/2018/NĐ-CP; quản lý chặt chẽ chất lượng nuôi ăn, đảm bảo tuyệt đối yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm; nghiêm túc thực hiện chương trình sữa học đường để nâng cao tầm vóc của trẻ. Hiện 100% trường mầm non đã triển khai thực hiện chương trình giáo dục mầm non sau sửa đổi; tích cực đổi mới phương pháp tổ chức các hoạt động giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, chú trọng đổi mới môi trường giáo dục theo hướng mở, phù hợp điều kiện thực tiễn địa phương, tạo cơ hội cho trẻ khám phá, trải nghiệm và sáng tạo. 100% các trường mầm non thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”. Ở bậc tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các đơn vị phát huy các thành tố tích cực của các mô hình thí điểm: VNEN; dạy học tiếng Việt theo tài liệu Công nghệ giáo dục lớp 1; dạy Mỹ thuật theo phương pháp Đan Mạch; dạy Khoa học theo phương pháp Bàn tay nặn bột; dạy tiếng Anh 4 tiết/tuần; triển khai thí điểm dạy Tin học theo chương trình IC3-Spark ở 27 trường tiểu học với 2.501 học sinh tham gia. Các nhà trường tích cực tổ chức các hoạt động định hướng dạy học trải nghiệm sáng tạo nhằm hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh, tăng cường các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, phát triển thể lực, thể chất học sinh thông qua các môn thể thao dưới hình thức câu lạc bộ giúp cho học sinh phát triển toàn diện. Đối với giáo dục trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các đơn vị tổ chức, áp dụng hiệu quả các phương pháp và hình thức dạy học tích cực, phân hóa theo năng lực của học sinh, đảm bảo sát đối tượng. Thí điểm các định hướng dạy học mới, thiết kế bài học theo tiến trình của hoạt động học, tổ chức hoạt động theo nhóm và hướng dẫn học sinh tự học. Chú trọng các hoạt động trải nghiệm sáng tạo gắn với môn học và thực tiễn địa phương. Sở Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ đạo quyết liệt nhiều giải pháp đồng bộ trong việc đổi mới phương thức tổ chức kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Tập huấn cho đội ngũ giáo viên cốt cán các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông về kỹ thuật xây dựng ma trận đề và biên soạn câu hỏi trắc nghiệm khách quan, câu hỏi tự luận theo định hướng đánh giá năng lực học sinh; chỉ đạo các nhà trường xây dựng thư viện đề kiểm tra theo định hướng đánh giá năng lực học sinh; đảm bảo 100% giáo viên thực hiện được kỹ thuật ra đề theo đúng quy trình, kỳ; chỉ đạo giáo viên cốt cán biên soạn bộ đề theo định dạng đề tham khảo kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo làm tài liệu tham khảo chung toàn tỉnh. Các nhà trường xây dựng các nội dung dạy học lồng ghép như: Tích hợp, lồng ghép nội dung phòng, chống tham nhũng, giáo dục an toàn giao thông, phổ biến pháp luật vào môn Giáo dục công dân; tích hợp giáo dục bảo vệ môi trường trong môn Địa lý; giáo dục chủ quyền biên giới và hải đảo trong môn Lịch sử; giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống trong các môn học, hoạt động trải nghiệm sáng tạo; giáo dục STEM trong các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, công nghệ và Toán. Do vậy, toàn ngành tiếp tục giữ vững kết quả học sinh giỏi các môn văn hóa. Chất lượng giáo dục toàn diện được nâng cao. Học sinh trung học trong tỉnh cơ bản nắm được chuẩn kiến thức kỹ năng môn học. Trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia các môn văn hóa, đoàn học sinh giỏi của tỉnh có 88 học sinh tham dự ở 11 môn đã đoạt 75 giải; trong đó 1 giải Nhất, 26 giải Nhì, 26 giải Ba, 22 giải Khuyến khích. 8 học sinh của tỉnh được chọn tham dự thi vòng 2 chọn đội tuyển quốc gia thi quốc tế; em Trần Quốc Việt, học sinh Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong đoạt Huy chương Bạc kỳ thi Olympic Tin học châu Á Thái Bình Dương (APIO 2019) và em Phạm Thanh Lâm, học sinh Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong đoạt Huy chương Bạc Olympic Hóa học Quốc tế năm 2019. Trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông, toàn tỉnh có 18.349 thí sinh dự thi, trong đó có 17.124 thí sinh đạt từ điểm sàn 14,00 điểm trở lên, trong đó huyện Trực Ninh có tỷ lệ học sinh đạt điểm sàn cao nhất; Thành phố Nam Định có tỷ lệ học sinh đỗ vào Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong cao nhất. Trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các nhà trường tổ chức dạy và ôn thi đảm bảo sát nội dung, dạy học phân hóa theo năng lực và nguyện vọng của học sinh; có nhiều giải pháp hiệu quả nâng cao chất lượng học sinh giỏi và phụ đạo học sinh yếu. Kết quả, Nam Định dẫn đầu toàn quốc về điểm trung bình các môn với mức điểm 5,97 điểm. Tại các trung tâm học tập cộng đồng, toàn tỉnh đã huy động được 187.513 lượt người đến học các chuyên đề với nội dung chương trình phong phú, đa dạng, thiết thực như: Giáo dục giá trị, kỹ năng sống; kỹ năng ứng phó với biến đổi khí hậu; đổi mới giáo dục đào tạo ở các cấp học…

Với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, các đoàn thể và nỗ lực phấn đấu của toàn thể cán bộ, giáo viên và học sinh, năm học 2018-2019 ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh tiếp tục khẳng định và giữ vững vị trí là một trong những đơn vị dẫn đầu toàn quốc về chất lượng giáo dục./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com