Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định gắn đào tạo với thực tiễn

08:06, 25/06/2019

Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định hiện có tổng số 324 cán bộ viên chức, trong đó có 250 giảng viên, số giảng viên có trình độ sau đại học chiếm trên 50%. Hiện nhà trường đang đào tạo số lượng gần 4.500 sinh viên từ trình độ cao đẳng đến sau đại học. Hàng năm nhà trường tuyển sinh khoảng 500 sinh viên đại học điều dưỡng hệ chính quy; 250 sinh viên hệ cao đẳng điều dưỡng và hộ sinh chính quy; 500 sinh viên đại học điều dưỡng và phụ sản hệ liên thông; 80 học viên chuyên khoa cấp I. Chương trình đào tạo của trường được xây dựng theo hướng đổi mới, chú trọng hình thành năng lực nghề nghiệp cho sinh viên để đáp ứng yêu cầu xã hội và hội nhập quốc tế.

Sinh viên Trường Đại học Điều dưỡng trong một giờ học thực hành.
Sinh viên Trường Đại học Điều dưỡng trong một giờ học thực hành.

Từ năm học 2012-2013, nhà trường được Bộ Y tế cho phép đào tạo 6 chuyên ngành: Điều dưỡng Nội người lớn, Điều dưỡng ngoại người lớn, Điều dưỡng Sản phụ khoa, Điều dưỡng Nhi, Điều dưỡng Sức khỏe tâm thần, Điều dưỡng cộng đồng. Ngoài ra, nhà trường còn đào tạo các lớp cấp chứng chỉ chuyên khoa: Điều dưỡng Hồi sức cấp cứu, Phục hồi chức năng, Quản lý điều dưỡng, Chuyển đổi điều dưỡng... Để nâng cao chất lượng đào tạo, nhà trường đã tập trung xây dựng, từng bước chuẩn hoá đội ngũ cán bộ, giảng viên. Ban Giám hiệu nhà trường giao Phòng Tổ chức - Cán bộ tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng chung cho cán bộ, viên chức theo chỉ tiêu phân bổ của Bộ Y tế. Từ năm 2009 đến nay, nhà trường đã tập trung các nguồn lực đầu tư kinh phí cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên. Mỗi năm, nhà trường cử hàng trăm lượt cán bộ, giảng viên tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị; kiến thức quản lý hành chính Nhà nước; đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ theo vị trí việc làm; đào tạo ở nước ngoài; đào tạo bồi dưỡng tin học, ngoại ngữ; đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hội nhập quốc tế; kiến thức quốc phòng, an ninh, tập huấn phương pháp giảng dạy… Nội dung các chương trình đào tạo được đổi mới theo hướng kết hợp giữa trang bị kiến thức với rèn luyện kỹ năng và trao đổi kinh nghiệm thực tiễn. Đối tượng đào tạo, bồi dưỡng được mở rộng với hình thức đa dạng, phong phú. Bên cạnh đó, nhà trường bước đầu tổ chức được các khoá đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài cho cán bộ, giảng viên, dần hình thành các khung chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo vị trí, việc làm… đem lại hiệu quả thiết thực. Việc chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giảng viên đã góp phần nâng cao chất lượng và chuẩn hoá đội ngũ cán bộ. Đến nay, nhà trường có 6 tiến sĩ, 79 thạc sĩ, 20 giảng viên chính. Đặc biệt, trong 5 năm trở lại đây mỗi năm nhà trường cử từ 1 đến 2 cán bộ đi nghiên cứu sinh, 10 cán bộ đi học cao học.

Cùng với việc đào tạo đội ngũ cán bộ, nhà trường chú trọng công tác nghiên cứu khoa học phục vụ giảng dạy và học tập. Chất lượng và số lượng các đề tài khoa học của cán bộ, giảng viên và sinh viên trong nhà trường không ngừng được nâng lên; nội dung các đề tài đều có giá trị và tính ứng dụng cao, phù hợp với yêu cầu của xã hội. Trung bình mỗi năm nhà trường có khoảng 15-20 đề tài, dự án, sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Từ năm 2010 đến nay, nhà trường đã có khoảng trên 100 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học. Nhiều đề tài nghiên cứu đã được ứng dụng hiệu quả vào giảng dạy tại các cơ sở đào tạo ngành y dược trong cả nước; ứng dụng vào thực tế tại các cơ sở y tế. Riêng năm 2018, trường có 8 đề tài sáng kiến được nghiệm thu; 3 sáng kiến cấp cơ sở đề nghị công nhận sáng kiến cấp tỉnh; 82 bài báo trong nước, 1 bài báo quốc tế. Nhà trường luôn tạo điều kiện để cán bộ, giảng viên đi dự các hội thảo, hội nghị khoa học chuyên ngành trong và ngoài nước. Đặc biệt, năm 2018, trường có 4 báo cáo tham dự Hội nghị khoa học các trường đại học, cao đẳng Y dược toàn quốc tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó giành 1 giải nhì, 1 giải ba… Công tác nghiên cứu khoa học đã góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy; đồng thời giúp sinh viên có hứng thú trong học tập, nghiên cứu khoa học. Đây cũng là một hình thức để nâng cao chất lượng và sự đổi mới căn bản trong hoạt động đào tạo ở giáo dục đại học.

Hiện tại, Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định đã xây dựng “Quy hoạch phát triển tổng thể đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030” trình Bộ Y tế phê duyệt. Với quy hoạch này, trong tương lai gần, nhà trường sẽ mở rộng quy mô đào tạo, theo đó nhà trường sẽ được mở rộng thêm một số mã ngành như: kỹ thuật viên, hộ sinh, y tế cộng đồng… và phát triển đào tạo điều dưỡng ở trình độ thạc sĩ, tiến sĩ; đồng thời nhà trường mở rộng hợp tác quốc tế với các trường đại học của các nước: Hà Lan, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Thái Lan…; từng bước trở thành một cơ sở đào tạo đa ngành, đào tạo đại học và sau đại học về lĩnh vực Điều dưỡng, Hộ sinh và một số chuyên ngành thuộc nhóm ngành khoa học sức khoẻ và các lĩnh vực liên quan trong danh mục ngành đào tạo của Nhà nước… 

Với những nỗ lực chăm lo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giảng viên và công tác nghiên cứu khoa học, Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định đang khẳng định vai trò nòng cốt trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học về điều dưỡng, góp phần cung cấp nguồn nhân lực y tế có chất lượng cao phục vụ sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân./.

Bài và ảnh: Minh Thuận

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com