Ở một cơ sở đào tạo nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống

08:04, 15/04/2019

Được sự quan tâm của các cấp, các ngành, Trường Trung cấp nghề Thủ công mỹ nghệ truyền thống Nam Định đã từng bước được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị; củng cố xây dựng đội ngũ giáo viên, đẩy mạnh công tác tuyển sinh, thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đồng chí Lại Hà Nam, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Được nâng cấp từ Trung tâm Dạy nghề huyện Ý Yên từ năm 2008, Trường Trung cấp Nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống Nam Định có chức năng đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật trực tiếp trong sản xuất, dịch vụ ở trình độ trung cấp, sơ cấp nghề; qua đó, trang bị cho học viên, người lao động năng lực, kỹ năng thực hành nghề tương xứng với trình độ đào tạo, có sức khoẻ, đạo đức nghề nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, nhà trường luôn bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng, của ngành và của các doanh nghiệp để chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo phù hợp nhu cầu nguồn nhân lực của thị trường lao động, của người học và xã hội, đáp ứng thực tế sử dụng lao động của ngành thủ công mỹ nghệ truyền thống. Nhà trường hiện có 8 ngành đào tạo trình độ trung cấp, 12 ngành đào tạo trình độ sơ cấp các nghề: may thời trang; điện công nghiệp; điện dân dụng; điêu khắc gỗ; gia công, thiết kế sản phẩm mộc; hàn, đúc kim loại; đúc, dát đồng mỹ nghệ; công nghệ ô tô; sửa chữa máy nông nghiệp; thêu ren; mây tre đan… Nhà trường có 36 cán bộ, giáo viên; tỷ lệ giáo viên dạy nghề đạt chuẩn theo quy định đạt 86%; 100% giáo viên của nhà trường ứng dụng đồng bộ và hiệu quả công nghệ thông tin trong giảng dạy lý thuyết và thực hành. Để nâng cao chất lượng đào tạo, nhà trường luôn tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, giáo viên tham gia các chương trình bồi dưỡng kỹ năng, nâng cao cấp bậc tay nghề. Ngoài ra, nhà trường cử giáo viên đến các doanh nghiệp để tiếp cận các thiết bị mới, cách quản lý mới của doanh nghiệp. Trong giảng dạy, nhà trường chú trọng gắn lý thuyết với thực hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, lấy kỹ năng nghề phù hợp với từng cấp độ đào tạo. Chương trình, nội dung đào tạo được nhà trường đổi mới theo hướng phù hợp, linh hoạt, sát với thực tiễn. Các học viên được đào tạo 3 kỳ/2 năm học; trong đó, thời gian học lý thuyết 30%, thời gian thực hành từ 70%. Định kỳ hàng năm, Ban giám hiệu nhà trường thu thập ý kiến đánh giá của cán bộ quản lý, giáo viên, học viên, doanh nghiệp sử dụng lao động về phương thức đào tạo so với mục tiêu đã đề ra nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới về nội dung và phương pháp dạy học. Cùng với dạy nghề, nhà trường luôn chú trọng rèn người, giáo dục đạo đức nghề nghiệp, tác phong công nghiệp cần có của người lao động hiện đại cho các học viên. Thực hiện đa dạng hóa các phương thức đào tạo tại chỗ, nhà trường đã phối hợp với các công ty: Cổ phần May Bảo Linh, May mặc Dệt kim Smart Shirts Việt Nam, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại làng nghề truyền thống các xã: Yên Xá, Yên Ninh, Yên Trị, Yên Tiến để mời các nghệ nhân, chủ các cơ sở sản xuất về trường truyền đạt kỹ năng nghề, tạo điều kiện để giáo viên, học viên tiếp cận thực tế; qua đó thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp, làng nghề để đưa học viên đến thực tập, thực hành.

Học viên lớp sửa chữa máy nông nghiệp Trường Trung cấp nghề Thủ công mỹ nghệ truyền thống Nam Định trong giờ thực hành.
Học viên lớp sửa chữa máy nông nghiệp Trường Trung cấp nghề Thủ công mỹ nghệ truyền thống Nam Định trong giờ thực hành.

Được sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đến nay, cơ sở vật chất của nhà trường từng bước được xây dựng đồng bộ, trang thiết bị dạy nghề khá hiện đại, đáp ứng yêu cầu đào tạo. Nhà trường hiện có 2 cơ sở với tổng diện tích sử dụng 41.506m2; trong đó cơ sở 1 ở khu công nghiệp làng nghề phía nam, Thị trấn Lâm (Ý Yên) có diện tích 35.959m2 và cơ sở 2 ở xã Yên Bình (Ý Yên) có diện tích 5.547m2. Hệ thống phòng học lý thuyết, phòng học chuyên môn, hội trường, xưởng thực hành của trường đều đạt chuẩn, đáp ứng trình độ và quy mô đào tạo nghề. Các phòng học lý thuyết có số lượng từ 30-35 học viên/lớp; các phòng học thực hành chuyên môn có số lượng từ 15-20 học viên/lớp. Đứng chân trên địa bàn huyện Ý Yên, nơi có nhiều làng nghề truyền thống như: sơn mài Cát Đằng, xã Yên Tiến; chạm khắc gỗ La Xuyên, Ninh Xá, xã Yên Ninh; đúc đồng Tống Xá, xã Yên Xá; thêu ren xã Yên Trung…, nhà trường tổ chức khảo sát nhu cầu lao động của các doanh nghiệp, nhu cầu học nghề của người lao động trong tỉnh và khu vực các tỉnh lân cận như: Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình…; phối hợp với các trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên các huyện: Ý Yên, Hải Hậu, Vụ Bản… tổ chức tuyên truyền, tuyển sinh thu hút người học nghề. Năm 2018, nhà trường có 729 học viên; trong đó hình thức đào tạo sơ cấp 255 học viên, trung cấp 474 học viên. Kết thúc năm học, nhà trường có 381 học viên tốt nghiệp (trung cấp: 126 học viên, sơ cấp: 255 học viên). Theo kết quả khảo sát của nhà trường, hàng năm có từ 85-90% học viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp khóa học nghề và làm việc chủ yếu tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn. Đối với người lao động có nhu cầu làm việc tại nhà hoặc tự mở cơ sở sản xuất, nhà trường liên kết với các doanh nghiệp nhận bao tiêu sản phẩm cho người lao động. Nhiều người sau khi được học nghề đã vay vốn mở cơ sở sản xuất, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương. Thu nhập của người lao động trung bình từ 5-7 triệu đồng/người/tháng với các nghề: mộc mỹ nghệ, điện công nghiệp, công nghiệp ô tô, đúc đồng…; từ 3-5 triệu đồng/người/tháng với nghề may công nghiệp, thêu ren, mây tre đan…

Năm 2019, Trường Trung cấp Nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống Nam Định tiếp tục thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với công tác dạy nghề, học nghề. Thường xuyên đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực hoá “người học phát triển năng lực tự học và chú trọng tinh thần nhóm học”. Đẩy mạnh công tác tư vấn, hướng nghiệp đối với người lao động và toàn xã hội về các ngành nghề thủ công truyền thống quê hương. Ưu tiên các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá. Triển khai nhiều giải pháp tích cực trong công tác tuyển sinh, đào tạo học viên; xây dựng mô hình thí điểm đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp sử dụng lao động; liên kết đào tạo với các cơ sở trong và ngoài tỉnh để mở rộng, phát triển. Thường xuyên phối hợp với các trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh mở các lớp dạy nghề nhằm nâng cao kiến thức kỹ năng cho người lao động, tạo môi trường học tập đa dạng, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com