Nâng cao chất lượng dạy, học ở các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên

08:03, 05/03/2019

Toàn tỉnh hiện có 2 trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh, 9 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện. Năm học 2018-2019, ngành học Giáo dục thường xuyên đã có nhiều cố gắng khắc phục khó khăn, thực hiện đổi mới giáo dục, vươn lên trong dạy và học.

Ngay từ đầu năm học, các trung tâm đã làm tốt công tác tổ chức kiểm tra, đánh giá để nắm bắt trình độ người học, phân loại đối tượng và đề ra các biện pháp giúp đỡ những học viên yếu, nâng dần chất lượng đại trà và có kế hoạch bồi dưỡng những học viên có học lực khá, giỏi tham gia các kỳ thi học sinh giỏi và thi vào cao đẳng, đại học. Với tinh thần trách nhiệm, nhiều giáo viên đã thực hiện nghiêm túc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá; tích cực khai thác sử dụng có hiệu quả các thiết bị dạy học phục vụ bài giảng và nêu cao tấm gương tự học và sáng tạo. Bên cạnh đó, các trung tâm tăng cường công tác quản lý, chú trọng yêu cầu thực hiện nền nếp, quy chế chuyên môn, thực hiện đổi mới, đầu tư vào công tác giảng dạy ngay từ bước soạn giảng, chuẩn bị đồ dùng dạy học, chống dạy chay, dạy dồn, thực hiện kiểm tra, chấm trả đúng yêu cầu, công bằng dân chủ trong đánh giá. Việc sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn ở các trung tâm cũng được chú trọng, nền nếp, có nội dung cụ thể và thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng giờ dạy. Nhiều biện pháp quản lý, giáo dục người học được các trung tâm áp dụng nhằm tăng cường giữ vững nền nếp, kỷ cương, xây dựng nếp sống văn hoá trong trường học, loại trừ những hành vi xấu trong học tập và sinh hoạt, ngăn ngừa tệ nạn xã hội xâm nhập vào nhà trường. Bên cạnh đó, các trung tâm đã đa dạng hóa các chương trình, nội dung và hình thức tổ chức dạy học, chú trọng phát triển các chương trình bồi dưỡng ngắn hạn thiết thực và hiệu quả để thu hút nhiều người đến học tại các cơ sở giáo dục thường xuyên; mở rộng dạy văn hóa kết hợp với dạy nghề, góp phần phân luồng học sinh sau trung học cơ sở. Đặc biệt, năm học này, ngành học Giáo dục thường xuyên phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức các lớp học nâng cao trình độ văn hóa cho đội ngũ cán bộ công chức cấp xã, người lao động trong các khu công nghiệp. Tăng cường phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề có uy tín tổ chức dạy nghề cho học viên; cho phép những học viên đã hoàn thành chương trình trung học phổ thông nhưng chưa tốt nghiệp được học lại lớp 12 chương trình giáo dục thường xuyên để đánh giá học lực và lấy kết quả dự thi trung học phổ thông quốc gia. Ngành học cũng đa dạng hóa các hình thức tư vấn hướng nghiệp như: đưa nội dung giáo dục khởi nghiệp vào giảng dạy tại trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên nhằm giúp thanh niên, học sinh, sinh viên và người lao động có được nhận thức đúng đắn về khởi nghiệp, khơi dậy tinh thần tự tạo việc làm, tự thân lập nghiệp, tự chủ, sáng tạo trong việc lựa chọn nghề nghiệp; đồng thời cung cấp những kiến thức và kỹ năng cần có để khởi nghiệp. Với tổng số trên 6.500 học viên, toàn ngành có 73,56% học viên được xếp loại đạo đức tốt, 22% học viên xếp loại đạo đức khá, 4,1% học viên xếp loại học lực trung bình. Tỷ lệ học viên đạt học lực khá, giỏi chiếm 34,22%, xếp loại trung bình đạt 59,91%. Trong kỳ thi học sinh giỏi năm 2018, toàn ngành có 2 giải nhất, 10 giải nhì, 12 giải ba và 25 giải khuyến khích. Một số đơn vị như Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên các huyện: Xuân Trường, Giao Thủy, Hải Hậu có nhiều cố gắng trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi. Để đẩy mạnh giáo dục toàn diện, cùng với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, sinh hoạt tập thể, các trung tâm thường xuyên tổ chức các buổi thực hành lao động hướng nghiệp dạy nghề, sinh hoạt ngoại khóa giáo dục kỹ năng sống nhằm tăng cường tính tự tin trong giao tiếp, ứng xử cho học sinh, phổ biến giáo dục pháp luật cho học sinh… Tại các trung tâm học tập cộng đồng, năm học vừa qua, toàn tỉnh đã huy động 146.294 lượt người đến học các chuyên đề với nội dung đa dạng, thiết thực như các chương trình: giáo dục pháp luật, giáo dục văn hóa - xã hội, giáo dục bảo vệ môi trường, giáo dục bảo vệ sức khỏe, giáo dục phát triển kinh tế…

Bên cạnh kết quả đã đạt được, ngành học giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên vẫn gặp không ít khó khăn. Mặc dù đã được các cấp, các ngành quan tâm nhưng cơ chế, kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho ngành giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên vẫn còn bất cập với chức năng, nhiệm vụ được giao. Các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện mới được thành lập, chưa có quy chế tổ chức và hoạt động riêng; công tác quản lý ở một số trung tâm còn thiếu chặt chẽ; kế hoạch chưa cụ thể, thiếu các biện pháp thực hiện, hoặc thực hiện các nhiệm vụ chưa rõ trọng tâm, trọng điểm. Trong khi đó, đối tượng người học chương trình giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên có xu thế giảm do số lượng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở giảm, số lượng học sinh tuyển vào các trường trung học phổ thông và một số học sinh đi học các trường, trung tâm dạy nghề cao. Bên cạnh sự cố gắng của đội ngũ cán bộ, giáo viên trong công tác chuyên môn, một số giáo viên còn ngại đổi mới, ý thức tự học, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ chưa cao. Để khắc phục tình trạng này, bên cạnh việc củng cố mô hình hoạt động của trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện và thực hiện mở rộng việc dạy văn hóa kết hợp với dạy nghề hoặc trung cấp chuyên nghiệp, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, giáo viên các trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh, giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện và tổ chức các lớp giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên và người lao động. Đổi mới đồng bộ phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học viên nhằm nâng cao chất lượng dạy học. Đổi mới công tác quản lý, tăng cường nền nếp, kỷ cương, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục; chú trọng đổi mới phương pháp dạy - học nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ năm học, góp phần vào việc phân luồng học sinh trong toàn tỉnh./.

Hồng Minh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com